Liên tục trong thời gian qua, nhiều địa điểm nghi ngờ dính tới nạn rút ruột xăng dầu (kể cả xăng dùng cho máy bay) đã bị phát hiện. Dù biết đây là việc làm gian lận, vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận, nhiều đối tượng đã liều lĩnh thực hiện, gây ra những hệ lụy khôn lường cho xã hội. Đặc biệt, việc mua bán xăng dầu trái phép được cảnh báo luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào bởi số lượng dầu dự trữ tại các điểm bán lên đến hàng trăm lít.
Bắt quả tang địa điểm chuyên tiêu thụ xăng máy bay rút trộm
Sau một thời gian dài theo dõi và lập chuyên án, vào lúc 15 giờ ngày 28/1, gần 40 cảnh sát thuộc lực lượng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an phối hợp với cảnh sát cơ động bắt quả tang, khám xét khẩn cấp một điểm chuyên tiêu thụ xăng máy bay rút trộm tại 206/6 Đào Trí, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục C45 chỉ đạo trực tiếp lực lượng đánh án cho biết, lực lượng trinh sát chia làm hai mũi đánh án, một mũi bám theo để bắt quả tang chiếc xe bồn chở xăng dành cho máy bay đang rút xăng dầu tại một điểm trên đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình). Cùng lúc, một mũi trinh sát khác bám theo chiếc xe chở xăng vừa “rút ruột” được chở về giao cho địa điểm nằm trên đường Đào Trí (quận 7). Khi lực lượng ập vào địa điểm trên thì một chiếc xe tải mang biển kiểm soát 54X-6133 đang chở hơn 20 can xăng từ đây đi ra chuẩn bị giao cho khách hàng. Ngoài ra, một xe bồn mang biển số 57K-4751 do tài xế tên Dũng điều khiển chạy đến điểm 206/6 Đào Trí để chuẩn bị rút xăng dầu cùng với hai xe máy chở hàng chục can rỗng chực sẵn chờ lấy hàng.
Khám xét, cơ quan cảnh sát thu giữ hơn 20 can xăng trắng (loại can 30 lít) dành cho máy bay chứa trong xe tải 54X-6133. Cạnh đó là khoảng 10 can xăng loại A92. Chưa kể tại địa điểm “tập kết” của Sửu có 2 bồn lớn dùng chứa xăng dầu rút trộm. Bước đầu Sửu khai nhận đã mở địa điểm 206/6 Đào Trí hoạt động được gần một năm nay, Sửu móc nối với một đầu nậu chuyên mua xăng máy bay “rút ruột” từ xe bồn chở cho một hãng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đầu nậu này móc nối tiếp với các tài xế xe bồn chở xăng máy bay để rút bớt xăng dầu vào lúc trưa vắng người tại đường Bạch Đằng (gần sân bay Tân Sơn Nhất). Sau đó, xăng dầu rút được mang bán cho Sửu. Lực lượng chức năng đã niêm phong toàn bộ số hàng (chủ yếu là xăng dầu dành cho máy bay) và các tang vật liên quan, cùng đó, tạm giữ Sửu và một đầu nậu tại Tân Bình để lập hồ sơ làm rõ hành vi trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nhiều nguyên nhân của hành động rút ruột
Liên quan đến thực trạng rút ruột xăng dầu, ngày 24/9/2014, Tòa án nhân dân TP. Hải Phòng đã tiến hành xét xử các bị cáo gồm: Lương Quang Vinh (36 tuổi), Nguyễn Hồng Sơn (52 tuổi) và Nguyễn Văn Tuấn (37 tuổi) bị cơ quan Công an Hải Phòng truy tố tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Đào Mạnh Cường (41 tuổi), Đào Xuân Kiên (28 tuổi), Phạm Văn Thắm (30 tuổi), Phạm Văn Liệu (25 tuổi), Nguyễn Văn Cường (34 tuổi) bị truy tố tội danh “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”; Trần Hữu Khoái (61 tuổi) bị truy tố tội danh kinh doanh trái phép xăng dầu. Theo kết quả điều tra của cơ quan công an, Vinh, Tuấn, Sơn là lái xe của Xí nghiệp vận tải xăng dầu hàng không thuộc Công ty Vinapco được giao nhiệm vụ vận chuyển xăng dầu từ Hải Phòng về Hà Nội. Trong khi đi lấy hàng, 3 đối tượng đã ngấm ngầm rút trộm xăng dầu bán cho Đào Xuân Cường và các đồng phạm lấy tiền ăn tiêu. Cụ thể, Vinh đã bán trái phép 13 lần với số lượng 220 lít dầu JetA-1 (nguyên liệu dùng cho máy bay), thu lợi 3,63 triệu đồng; Sơn bán trái phép 5 lần với số lượng 285 lít dầu JetA-1, thu lợi 4,71 triệu đồng; Tuấn bán 2 lần với số lượng 135 lít dầu JetA-1, thu lợi gần 2,3 triệu đồng. Để thuận lợi cho việc mua bán, vận chuyển, nhóm của Cường dựng lán cách khu vực gần kho xăng dầu Đình Vũ không xa và mua sắm ôtô vận chuyển hàng từ lán về nhà Cường cất giấu. Việc mua bán đều được Cường ghi chép tỉ mỉ lại trong các cuốn sổ mà cơ quan đã thu giữ được. Tính từ tháng 7/2012 cho đến khi bị bắt (19/9/2013), Cường cùng đồng bọn đã bỏ ra 13,047 tỷ đồng thu mua được gần 75 nghìn lít dầu JetA-1, sau đó Cường đã bán ra thị trường và thu về 14,49 tỷ đồng. Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Lương Quang Vinh và Nguyễn Hồng Sơn 36 tháng tù; Nguyễn Văn Tuấn 30 tháng tù; Đào Mạnh Cường 4 năm 9 tháng tù; Nguyễn Văn Cường và Đào Xuân Kiên 30 tháng tù… Ngoài hình phạt tù, các bị cáo còn phải chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền và phải nộp lại các khoản tiền thu lợi bất chính.
Liên quan đến thực trạng rút ruột, trộm cắp xăng dầu, ông Hoàng Mạnh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) cho biết, để xảy ra tình trạng này có nhiều lý do như trong quá trình lưu trữ kho xăng, một số nhân viên tìm cách tiết kiệm được nhiên liệu máy bay nhưng thay vì bảo quản, lưu trữ để giảm tỉ lệ hao hụt và báo cáo công ty (công ty có chế độ thưởng) thì lại mang ra bán bên ngoài hưởng lợi riêng. Một lý do khác là có sự chênh lệch giữa đồng hồ đo trên xe tiếp nhiên liệu và đồng hồ gắn trên máy bay theo hướng đồng hồ trên xe bơm nhiên liệu có số lớn hơn. Vì vậy, sau mỗi lần bơm nhiên liệu cho máy bay vẫn còn một khối lượng xăng máy bay dư trong xe bồn. Vinapco đã tăng cường khá nhiều biện pháp giám sát để hạn chế tình trạng gian lận trong vận chuyển xăng. Thời gian qua, Vinapco đã kỷ luật nhiều trường hợp, nhẹ nhất là cảnh cáo, buộc thôi việc.
Xuyên Trần