Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, TP.HCM và Hà Nội đang đô thị hóa mạnh mẽ trở thành những siêu đô thị 10 triệu dân. Tăng dân số cơ học mỗi năm khoảng 200.000 người, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng cơ sở vốn đã quá tải, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Do đó, hiện nay, việc tập trung xây dựng các tuyến đường sắt đô thị được coi như giải pháp cứu cánh, mang tính then chốt của 2 thành phố. Hệ thống đường sắt đô thị cả 2 TP đều xác định có 8 tuyến, ở TP.HCM với tổng chiều dài là 220 km, mức đầu tư 25 tỷ USD, còn Hà Nội là 318 km với mức đầu tư khoảng 30 tỷ USD.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường đánh giá phát triển đường sắt đô thị là xu thế tất yếu, đã rất bức bách ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn rất nhiều vấn đề. “Mẫu số chung là dự án lớn, tổng mức đầu tư rất lớn, toàn hàng tỷ USD nhưng lại chậm tiến độ, đội vốn nhiều lần gây bức xúc dư luận” – Đại biểu nhấn mạnh và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương tổng hợp đúc rút kinh nghiệm, để các dự án ngay tiếp sau không lặp lại những chậm trễ này.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu tại phiên thảo luận.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhấn mạnh đường sắt đô thị là loại hình giao thông hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông hiệu quả ở thành phố lớn. Thời gian vừa qua, Bộ GTVT và các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM làm chủ đầu tư nhiều dự án, tuy nhiên bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là chậm tiến độ dù Chính phủ, Bộ và Thành phố họp và chỉ đạo rất nhiều.
“Qua những dự án hiện nay, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc, nhất là quy hoạch làm sao đáp ứng yêu cầu phát triển; chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, đối tác, tổ chức đấu thầu phải rút kinh nghiệm để lựa chọn công nghệ và nhà thầu tốt. Sự vào cuộc với các dự án có mặt bằng sạch, giải pháp rõ ràng để từ đó xác định giá trị, tránh tình trạng điều chỉnh giá” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cho biết xin tiếp thu ý kiến của đại biểu và dư luận để cùng với thành phố lớn tham mưu cho Chính phủ tốt hơn để dự án mới tránh rơi vào tình trạng lặp lại như hiện nay.