“Rút ống thở oxy” cho điện ảnh nước nhà?

07-11-2011 15:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tưởng chỉ có mấy anh chạy xe ôm cần món “mì ăn liền” cho kịp chạy khách, ngờ đâu tâm lý ấy đã lan nhanh sang các nhà làm phim, nghệ sĩ, các hãng phim tư nhân và phim quốc doanh đến chóng mặt.

Tưởng chỉ có mấy anh chạy xe ôm cần món “mì ăn liền” cho kịp chạy khách, ngờ đâu tâm lý ấy đã lan nhanh sang các nhà làm phim, nghệ sĩ, các hãng phim tư nhân và phim quốc doanh đến chóng mặt. Nền điện ảnh nước nhà được công chúng trong nước, thế giới biết đến và ghi nhận không hay chưa bao giờ là những lô hàng nhái, những thùng “mì ăn liền” như các phim trình chiếu một vài năm trở lại đây.

Công nghệ sản xuất phim rởm mang thương hiệu Việt hóa

Các nhà làm phim cũng như báo giới hiện nay đều ngầm hiểu rằng phim Việt hóa có nghĩa là mua kịch bản nước ngoài về dựng lại theo cách của người Việt. Nếu chỉ đơn giản như vậy thì 99,99% các hãng phim Nhà nước cũng như tư nhân đều đổ xô làm phim Việt hóa vì mấy cái lợi sau:

Chắc chắn tiền mua lại một kịch bản đã được dàn dựng, công chiếu ở nước sở tại cũng như trên thế giới sẽ rẻ hơn nhiều so với tiền bản quyền lần đầu.

Mua được kịch bản rồi đem về “chế” lại theo cách của các nhà làm phim Việt thực chất là sự diễn nôm lại nguyên tác kịch bản nước ngoài. Công nghệ này đã làm cho các nhà sản xuất phim Việt không phải lo tìm kiếm và thẩm định kịch bản nội. Gọi là Việt hóa kịch bản ngoại chứ thực chất là xài món “mì ăn liền” hòng ăn theo sự nổi tiếng và doanh thu của những bộ phim đã được khẳng định ở nước ngoài.

Cái lợi cuối cùng là chẳng có người nước ngoài nào sau khi bán kịch bản cho Việt Nam lại sang tận nơi xem mấy “ổng Việt” dàn dựng thế nào, năng lực tài chính đến đâu, khả năng thẩm định kịch bản ra sao... Nắm được kẽ hở này, các nhà làm phim Việt tha hồ xẻ thịt kịch bản ngoại ra xào xáo, không cần dàn dựng công phu cho tốn công sức, tiền của và thì giờ, chỉ cần càng nhiều “bình hoa di động” lên màn hình càng tốt, cốt sao kịp thời gian phát sóng là được.

Đây là một ngộ nhận sai lầm, dẫn dụ nền điện ảnh nước nhà cũng như công chúng Việt đi theo con đường “ăn đong hàng nhái”. Với vài chục tập phim chẳng khác nào một nồi lẩu thập cẩm toàn những món sống sượng, khó nuốt. Chẳng hạn như các phim: Ngôi nhà hạnh phúc, Có lẽ nào ta yêu nhau, Anh và em, Người mẫu, Cầu vồng tình yêu đều có xuất xứ từ Hàn Quốc được Việt hóa trong thời gian gần đây. Thế mới có chuyện có phim mới chỉ phát sóng được vài tập đã bị công chúng la ó, buộc cơ quan chức năng phải thổi còi, dừng chiếu ngay như Anh chàng vượt thời gian.

 Cảnh trong phim Cầu vồng tình yêu. Ảnh: ĐLP

Việt hóa phim hay hàng nhái?

Với hầu hết các quốc gia trên thế giới, phim giải trí chỉ là một trong những dòng phim phục vụ một số đối tượng công chúng nhất định, còn các đối tượng khác có thể tìm đến các dòng phim chính luận, ca nhạc, nghệ thuật, thiên nhiên, phóng sự tài liệu, lịch sử, dã sử... Thế nhưng vài năm trở lại đây, dường như phim giải trí ngoại mang thương hiệu Made in Korea độc chiếm khung giờ vàng. Thực trạng này dẫn đến không ít hệ lụy đối với điện ảnh nước nhà.

Một khi các nhà làm phim chỉ chực đi ăn đong kịch bản ngoại thì sẽ tìm mọi cách để từ chối kịch bản nội hoặc nếu có “ưu ái” một kịch bản nội nào đấy thì họ cũng tìm cách để lái sang hướng những bộ phim ngoại đã có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài. Như vậy, dần dà sẽ dẫn đến sự bất hợp tác giữa các nhà biên kịch nội với các nhà sản xuất phim trong nước.

Cần nhớ rằng, dù có cố gắng đến mấy thì cũng không thể Việt hóa được một số yếu tố như: tâm lý dân tộc, đạo đức, lối sống... của một dân tộc khác. Minh chứng là Anh em nhà bác sĩ là một trong những bộ phim khá thành công trong khâu Việt hóa. Đây là một trong những bộ phim thành công của điện ảnh Hàn Quốc và khi trình chiếu tại Việt Nam, nó đã gây được ấn tượng tương đối tốt đối với công chúng nước ta. Những cái tên như Jang Dong Gun, Lee Young Ae trở thành thần tượng của nhiều fan hâm mộ phim Hàn ở nước ta những năm 90 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, việc Việt hoá phim này lại là một câu chuyện khác.Theo giới chuyên môn, đây là bộ phim được Việt hóa tới 80% nhưng khi xem, người ta có cảm giác những yếu tố không thể làm được như nguyên mẫu thì các nhà sản xuất phim Việt lại “Việt hoá” một cách hết sức vô lối.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng dù đã “khôn ngoan” dùng hai diễn viên từng thành công với Bỗng dưng muốn khóc là Lương Mạnh Hải, Tăng Thanh Hà vào phim Ngôi nhà hạnh phúc nhưng khi xem, khán giả chỉ cảm thấy một sự nhạt nhẽo bao trùm cả bộ phim với những cảnh diễn sống sượng.

Nhưng có lẽ thất vọng nhất là bộ phim Có lẽ nào ta yêu nhau từ kịch bản gốc Anh em sinh đôi của Hàn Quốc do Tống Thành Vinh đạo diễn. Ở phim gốc kể lại câu chuyện xúc động về quá trình cô em đi tìm người anh sinh đôi và người bố thất lạc của mình. Phim gốc có nhiều tình tiết éo le, cảm động nhưng khi Việt hóa thì truyện phim đã không còn kịch tính, mạch phim cứ lặng lẽ trôi, người xem cảm thấy cứ như nghe chương trình Đọc truyện đêm khuya bằng hình ảnh. Đã vậy, cảnh tan đàn sẻ nghé ở phim gốc rất đáng chia sẻ và cảm thông, lại được thay bằng sự giàu có, xa hoa ở phim Việt hóa khiến chẳng ai cần phải quan tâm. Như vậy, bộ phim đã trở thành hàng nhái phim Hàn chứ đâu phải là phim Việt hóa theo đúng nghĩa.

Có nhà biên kịch đã tuyên bố rằng Việt hóa phim chỉ là sự bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật, là sự bắt chước hết sức thô vụng một khi trình độ kỹ thuật, kinh phí, trình độ diễn xuất... tất cả mọi thứ ta đều kém người. 

Chẳng rõ công chúng Việt sẽ còn được xài món “lẩu thập cẩm” kiểu này đến bao giờ. Nếu những người có tâm huyết với điện ảnh nước nhà được đầu tư và đối xử thỏa đáng thì đâu “hèn” đến nỗi không viết ra được những kịch bản thuần Việt để làm ra những bộ phim cho người Việt xem.      

Lê Quang


Ý kiến của bạn