Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về hệ lụy của việc rút BHXH một lần cũng như giải pháp cho vấn đề này
PV: Theo số liệu của BHXH Việt Nam, ước số người hưởng BHXH một lần năm 2022 khoảng 895.500 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Tình trạng người lao động rút BHXH một lần tuy không mới nhưng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Đáng chú ý, những tháng cuối năm do ảnh hưởng của lạm phát, biến động kinh tế bởi các xung đột thế giới nhiều doanh nghiệp trong nước đã cạn đơn hàng buộc phải cho người lao động nghỉ việc. Trước tình thế này, việc lựa chọn rút BHXH một lần với người lao động được xem như giải pháp tình thế để giải quyết cho những khó khăn, chi phí sinh hoạt trước mắt.
Đây được coi là thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội vì hiện nay chúng ta mới có gần 34% người tham gia BHXH. Nếu người rút BHXH nhiều hơn số người đóng sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí về sau.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu trung lại do người dân không hiểu về tính an toàn cho cuộc sống về già mà BHXH mang lại nên họ mới rút BHXH một lần. Bây giờ người lao động muốn có vài chục triệu đồng vì tin rằng có thể là nguồn vốn hay một cú hích để thay đổi cuộc sống. Nhưng nếu mở hàng bán buôn hết tiền, làm ăn thua lỗ hay mất mát thì sẽ dựa vào đâu để sống? Đây là câu hỏi cần được đặt ra bởi chúng ta không thể bán sức lấy tiền mà chỉ có thể dùng tiền mua sức khỏe.
Người rút BHXH chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài. Do đó điều quan trọng phải giải thích cho người lao động hiểu, quỹ này Nhà nước bảo hộ. Kể cả BHYT, BHXH, khi không may có vấn đề gì xảy ra Nhà nước sẽ phải "bơm" tiền từ quỹ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội để chăm lo cho người dân.
Vấn đề quan trọng của những người tư vấn là làm sao để cho người lao động hiểu rõ quyền lợi và những thiệt hại của người lao động khi rút BHXH một lần.
PV: Vậy ông có thể nói rõ hơn về những thiệt hại của người lao động khi rút BHXH một lần?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Một là thiệt về mức đóng và mức rút. Hai là, quan trọng không có tiền tích luỹ cho tuổi già, ba nữa là Nhà nước bảo hộ bất kỳ lúc nào không may đang đóng mà chết vẫn có chi phí tử tuất, vẫn được trả lại toàn bộ tiền đã đóng, không có gì mất đi. Đây chính là ý nghĩa cao nhất của cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa mà hệ thống Nhà nước của chúng ta thực hiện nghĩa vụ chăm lo cho người dân.
Nhiều người lao động vẫn đang nhầm lẫn rất lớn rằng khi không may qua đời hoặc có việc xảy ra, hoặc quỹ này bị mất thì không biết lấy ở đâu. Đây là sự thiếu hiểu biết đến từ sự thiếu thông tin do thiếu hoạt động tư vấn hỗ trợ, và cả tính kém hiệu quả trong hoạt động tuyên truyền nâng cao hiểu biết và nhận thức về BHXH trong dân.
PV: Dự thảo đề cương sửa Luật BHXH đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng BHXH một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ BHXH là 8%. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Chúng ta đang hiểu theo một chiều và giải thích cho người dân theo hướng khi người dân có nhu cầu rút BHXH một lần thì chỉ cho rút 8%. Đã rút BHXH một lần là rút hết song cái quan trọng là nếu rút hết người dân sẽ không lường trước được hệ lụy khi về già không có lương hưu.
Do đó, chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất với Chính phủ sửa luật theo hướng: BHXH cho phép người rút 8% còn 14% giữ lại đến 60 tuổi bắt đầu trả tiền đó cho anh cộng thêm 360.000 đồng. Khi đó, thu nhập của người hưởng BHXH sẽ cao hơn. Có thể không phải là 360.000 đồng mà là 400.000 hay 500.000 đồng. Tức là tôi giữ lại cho anh đến tuổi anh không còn khả năng lao động thì tôi "bơm" thêm tiền Nhà nước hỗ trợ gọi là hưu trí xã hội 360.000 đồng cộng thêm 14% tích luỹ sau bao nhiêu năm để giải ngân cho anh khi anh hết tuổi lao động.
Tiền BHXH người lao động đóng nhà nước vẫn đầu tư tăng trưởng, bảo đảm quỹ phát triển an toàn. Khi người lao động về hưu, nhà nước điều chỉnh lương đảm bảo giá trị thực tế của đồng tiền không bị trượt giá.
PV: Là người đã trải qua 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội (XI – XIV) và kinh qua nhiều năm công tác gắn liền với chính sách an sinh xã hội của đất nước. Theo ông cần có những giải pháp nào để giữ chân người lao động tiếp tục đồng hành với các chính sách an sinh xã hội?
Ông Bùi Sĩ Lợi: Trong cấu trúc an sinh 4 trụ cột, BHXH là trụ cột thứ 2, sau trụ cột thứ nhất là việc làm và thu nhập ổn định. Trong và sau đại dịch COVID-19 lao động khó khăn nên nhiều người đã rút BHXH một lần để chi tiêu, chăm lo cho cuộc sống bản thân và gia đình.
Việc rút BHXH có lợi trước mắt, nhưng hại về lâu dài. Bởi rút một lần, không đóng tiếp khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu. Khi hết tuổi lao động, không có lương hưu, không có bảo hiểm hưu trí, chờ đến khi 80 tuổi mới được trợ cấp 360.000 đồng thì sẽ rất khó khăn, những người không có tích cóp thì làm sao sống nổi.
Về lâu dài, lương hưu đối với người lao động rất quan trọng. Do vậy, cần phải nhanh chóng tuyên truyền, giải thích vận động chính sách để người lao động hiểu rõ lợi ích của việc tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu thay vì rút một lần. Do vậy, cùng với giải pháp điều tiết thị trường lao động tạo việc làm ổn định cho người lao động, theo tôi việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò của quỹ hưu trí rất quan trọng.
Để hạn chế người lao động rút ngắn BHXH một lần, giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 28 với mục tiêu để người cao tuổi vẫn đóng được BHXH.
PV: Ông đánh giá vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền lợi hại của việc rút BHXH một lần như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Báo chí rất quan trọng, tôi đã nói tại các cuộc tập huấn báo chí rất nhiều lần. Những người làm nhiệm vụ tuyên truyền chính sách phải hiểu đúng, tuyên truyền đúng để hỗ trợ người lao động hiểu chính sách, góp phần giúp họ ra quyết định đúng, có hiệu quả. Người lao động mà đã hỏi đến tôi là người ta không rút BHXH một lần mà đều tiếp tục đóng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!