Rút BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của người lao động
ĐBQH Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi quy định về BHXH 1 lần trong dự thảo luật để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Tuy nhiên, để có để có thể khắc phục được tình trạng số lượng người rút BHXH 1 lần tăng trong thời gian gần đây, đại biểu Lềnh cho rằng, cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và chính sách đồng bộ về BHXH.
Còn ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, BHXH 1 lần là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên người lao động hưởng BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá nguyên nhân dẫn tới xu hướng gia tăng của tình trạng rút BHXH 1 lần để có giải pháp căn cơ.
Đại biểu đề nghị xem xét điều kiện giúp BHXH 1 lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Đại biểu cũng phân tích về ưu, nhược điểm của 2 phương án do cơ quan soạn thảo trình và đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút BHXH 1 lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng; thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.
ĐBQH Tô Văn Tám – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Nghị quyết 93 năm 2015 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu BHXH 1 lần. Đại biểu bày tỏ băn khoăn là tại sao một chính sách nhân văn như vậy nhưng lại không được người lao động đồng tình. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục làm rõ, nó có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về mối quan hệ giữa lý luận khoa học pháp lý với tính thực tiễn về sự phù hợp giữa các quy định của pháp luật với thực tiễn cuộc sống.
Nếu áp dụng phương án 1, đại biểu lo ngại rằng người lao động không đồng tình. Ở phương án 2 thì cho phép người lao động được giải quyết một phần nhưng không có 50% tổng số thời gian đóng.
Do đó, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia BHXH nữa. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần và khi đó người lao động chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi họ hết độ tuổi lao động.
Không cấm người lao động rút BHXH 1 lần
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm, cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút BHXH 1 lần.
Dự thảo Luật đề xuất 2 phương án, đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên là phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH 1 lần. Do vậy, Luật có thể xem xét thiết kế thành các phương án để người lao động lựa chọn.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất với phương án đại biểu Tô Văn Tám đề xuất. Theo đó, người lao động có quyền rút BHXH 1 lần. Đại biểu nhấn mạnh điều cốt lõi là giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH, cần có quy định để người lao động giữ sổ bảo hiểm để khi nghỉ hưu người lao động có lương hưu. Do đó, cần nghiên cứu quy định để áp dụng phù hợp với tình hình điều kiện đất nước.
Phát biểu tranh luận liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm, các nội dung cơ bản của Nghị quyết 93 năm 2015 cần được tiếp tục gìn giữ nhưng cần gia cố thêm những chính sách để giữ chân người lao động, quan điểm là nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra các hạn chế.
Do đó, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp theo hướng: Nên cho phép người lao động rút BHXH 1 lần nhưng cần có phương án trung gian. Đó là khi người lao động có nhu cầu rút BHXH 1 lần, trước mắt sẽ được dùng sổ BHXH, xác định được số tiền rút một lần chuyển sang cơ quan Ngân hàng Chính sách thì sẽ được rút số tiền đó từ ngân hàng. Chi phí đó thì người lao động chịu mức lãi suất chính sách dưới 5%/năm. Khi nào người lao động quay trở lại thì sẽ phải đóng bổ sung số lãi đó và tiếp tục được tham gia BHXH.