Rượu và các bệnh da liễu

04-10-2011 13:20 | Tin nóng y tế
google news

Rượu là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong cao như: suy gan, tổn thương thần kinh, rối loạn huyết học, thiếu hụt dinh dưỡng…

Rượu là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng có tỷ lệ tử vong cao như: suy gan, tổn thương thần kinh, rối loạn huyết học, thiếu hụt dinh dưỡng… Rượu cũng gây ra các bệnh ngoài da nhưng thường có xu hướng bị bỏ quên so với các bệnh lý khác có liên quan đến việc sử dụng rượu.

Bệnh da liễu gián tiếp do rượu

Đa số các biểu hiện ngoài da kết hợp với việc sử dụng rượu quá mức là biểu hiện gián tiếp qua trung gian sự suy giảm của hệ thống nhiều cơ quan khác nhau. Rối loạn chức năng gan làm suy yếu sự biến dưỡng của muối mật và estrogen dẫn đến những biểu hiện đặc trưng của các u mạch máu phẳng hình mạng nhện, hồng ban lòng bàn tay và triệu chứng ngứa ngáy. Nam giới nghiện rượu sẽ có hiện tượng cường estrogen và sự sản xuất testosteron cũng bị ức chế đưa đến tình trạng vú hóa nữ (gynecomastia) với sự biến mất và phân phối lại của hệ lông cơ thể-lông mu cũng như sự phân phối lại mô mỡ theo mẫu hình nữ.

Nhiễm khuẩn ngoài da hay nhiễm khuẩn toàn thân do vi khuẩn, do virut hay vi nấm, cũng là một vấn đề khác của sức khỏe thường gặp ở người nghiện rượu. Việc này có thể do nhiều yếu tố gây ra như thiếu hụt dinh dưỡng kết hợp với suy giảm hệ miễn dịch. Đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu hụt chất kẽm và thiếu hụt vitamin C sẽ dẫn đến sự chậm lành vết thương, suy yếu niêm mạc che chở và xáo trộn hệ miễn dịch phòng vệ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn. Các tác dụng này của rượu còn có thể làm tăng nặng bệnh Zona, bệnh lậu (viêm niệu đạo cấp do lậu cầu khuẩn). Những vi khuẩn gây viêm nhiễm phổ biến là liên cầu khuẩn nhóm A, tụ cầu vàng và corynebacterium. Người uống nhiều rượu cũng dễ bị nhiễm nấm Candida và các loại vi nấm khác. Sự kém hấp thu liên quan đến nghiện rượu cũng là một nguyên nhân mà rượu có thể gây bệnh cho da - niêm mạc, ví dụ: viêm miệng, viêm lưỡi, pellagra, viêm da tiết bã, xuất huyết dưới da,…

Bệnh da liễu trực tiếp do rượu

Porphyria Cutanea Tarda – PCT (Rối loạn chuyển hoá porphyrin – tăng hàm lượng porphyrin trong gan, nước tiểu) là một bệnh biến dưỡng có biểu hiện ngoài da. PCT có thể mắc phải hay di truyền, là bệnh do thiếu hụt một trong các men gan tham gia vào quá trình chuyển hoá porphyrin, đặc biệt là men uroporphyrinogen decarboxylase. Sự tích lũy tiền chất photoreactive porphyrin do tác dụng của rượu lên các men gan và sự biến dưỡng của hem đã làm da trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Sang thương da của một đợt PCT cấp là những vết loét và phỏng ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sau khi lành sẽ để lại sẹo và có hiện tượng giảm sắc tố. Rượu làm suy yếu trung tâm vận mạch của não gây giãn mạch ngoại vi, làm gia tăng tình trạng giãn mạch ngoài da và góp phần làm da đỏ bừng khi uống rượu. Rượu cũng có thể gây hồng ban ở mặt ngay cả đối với những người không có bệnh trứng cá đỏ (rosacea) thông qua sự thiếu hụt di truyền enzyme chuyển hóa rượu aldehyd  dehydrogen.

Tại châu Á, các nghiên cứu cho thấy có 50% trường hợp thiếu khả năng tạo aldehyde dehydrogen dẫn đến việc tích tụ acetaldehyd sau khi uống rượu với nguy cơ phát triển ung thư đường tiêu hoá trên và ung thư gan rất cao.

Rượu với bệnh vảy nến

Nguyên nhân sinh bệnh vảy nến rất đa dạng, pha lẫn giữa yếu tố di truyền và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài: môi trường, chấn thương, nhiễm khuẩn… ảnh hưởng đến nguồn gốc và diễn tiến lâm sàng của bệnh.

Nhiều bằng chứng cho thấy  có mối liên quan giữa việc tiêu thụ rượu quá mức và bệnh vảy nến. Lượng rượu tiêu thụ và các loại thức uống có cồn đều được xác nhận có nguy cơ rất cao cho sự tiến triển và/ hoặc bùng phát sang thương bệnh vảy nến. Hơn nữa, việc lạm dụng rượu ở các bệnh nhân vảy nến đã được chứng minh có liên quan với sự giảm đáp ứng với điều trị. Ngoài ra, cần lưu ý rằng sang thương da của bệnh vảy nến ở người nghiện rượu có xu hướng phân bố chủ yếu ở các đầu chi, mặt lưng bàn tay và ngón tay, tương tự như ở các bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Sự phân phối sang thương dạng này làm nổi bật vai trò tiềm năng của rượu đã gây ra suy giảm miễn dịch trong sự phát triển của bệnh vảy nến.

Cơ chế phân tử chính xác mà rượu đã gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh vảy nến vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Có giả thuyết cho rằng lạm dụng rượu có thể gây ra rối loạn chức năng miễn dịch với kết quả làm suy giảm miễn dịch tương đối. Rượu cũng có thể tăng cường sản xuất các cytokin gây viêm và kích hoạt chu trình tế bào, như cyclin D1 và yếu tố tăng trưởng tế bào keratin, như vậy có thể dẫn đến tăng sinh quá mức lớp thượng bì. Ngoài ra, sự nhạy cảm với nhiễm khuẩn bên ngoài thường thấy ở người nghiện rượu, chẳng hạn do liên cầu khuẩn và do chấn thương cũng đã được mặc nhiên công nhận có ý nghĩa trong sự phát triển của bệnh vảy nến.

Như vậy, đối với những nguyên nhân phát sinh bệnh vảy nến, yếu tố môi trường và di truyền thì rất khó tránh khỏi nhưng các hành vi xã hội như nghiện rượu hay lạm dụng rượu có thể được chủ động thay đổi tích cực góp phần khống chế hữu hiệu bệnh vảy nến.

 BS.Lê Đức Thọ


Ý kiến của bạn