Việc dùng rượu trong mùa thu nói riêng, cùng với ẩm thực cổ truyền nói chung nên tuân thủ nguyên tắc “thu đông dưỡng âm”, “phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế”, nghĩa là phải chú ý trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng dưỡng âm nhuận táo.
Xin giới thiệu một số loại rượu có công dụng dưỡng sinh, tăng cường thể lực, bồi bổ sức khỏe trong mùa thu để bạn đọc có thể tham khảo và chọn dùng khi cần thiết.
Rượu vừng đen: Vừng đen 50g, rượu trắng 500ml. Vừng đen đãi sạch, để khô rồi đem ngâm với rượu trong bình kín, 20-30 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Bồi bổ can thận, nhuận dưỡng tỳ phế, nâng cao sức khỏe và chống lão hóa. Dùng thích hợp cho những người bị chứng can thận phế âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt, lưng đau gối mỏi, râu tóc bạc sớm, ho khan ít đờm, đại tiện táo kết. Với trường hợp đại tiện lỏng loãng không nên dùng.
Rượu hạt sen: Hạt sen 50g, rượu trắng 500ml. Hạt sen bỏ vỏ và tâm, đập vụn rồi đem ngâm với rượu trong bình lớn, khoảng 30 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Dưỡng tâm an thần, kiện tỳ chỉ tả, ích thận chỉ di. Dùng thích hợp cho người bị mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, di tinh, đái dầm, xuất tinh sớm, phụ nữ bị khí hư, đi lỏng do tỳ vị hư yếu. Với trường hợp đại tiện táo kết không nên dùng.
Nhân sâm nguyên củ, ngâm rượu.
Rượu hoàng tinh: Hoàng tinh 20g, rượu trắng 500ml. Hoàng tinh rửa sạch, thái phiến, cho vào túi vải buộc kín rồi thả ngâm trong rượu, sau 20 ngày là có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Kiện tỳ, nhuận phế, bổ thận. Dùng thích hợp cho những người tỳ vị hư yếu, chán ăn, mệt mỏi, ho khan lâu ngày, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa. Với trường hợp đại tiện lỏng loãng, ho khạc đờm nhiều thì không nên dùng.
Rượu nhân sâm kỷ tử: Nhân sâm 10g, kỷ tử 20g, rượu trắng 500ml. Nhân sâm thái phiến, kỷ tử rửa sạch cho vào bình kín ngâm với rượu, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Đại bổ nguyên khí, dưỡng can và làm sáng mắt. Dùng thích hợp cho những người bị chứng khí hư với những biểu hiện cụ thể như khó thở, ngại nói, dễ đổ mồ hôi (phế khí hư); chán ăn, chậm tiêu, da nhợt, tay chân teo nhẽo, sa dạ dày, sa trực tràng (tỳ khí hư); lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, khả năng tình dục sút kém (thận khí hư); hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, môi nhợt (tâm khí hư )...
Nhân sâm, kỷ tử ngâm rượu uống có công dụng: Đại bổ nguyên khí, dưỡng can và làm sáng mắt.
Rượu hà thủ ô: Hà thủ ô 150g, rượu trắng 500ml. Hà thủ ô rửa sạch, thái vụn, ngâm với rượu trong bình kín, sau 20 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, chống lão hóa. Dùng thích hợp cho người bị chứng can thận bất túc, biểu hiện bằng các dấu hiệu đầu choáng tai ù, mất ngủ hay quên, râu tóc bạc sớm, di tinh, liệt dương. Trong y học hiện đại là các bệnh suy nhược thần kinh, thiếu máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, táo bón kinh niên...
Rượu dâu: Quả dâu chín 200g, rượu trắng 500ml. Hai thứ ngâm trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Thanh nhiệt nhuận phế, tư âm dưỡng huyết. Dùng thích hợp cho những người âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng môi khô miệng khát, có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ho khan, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.
Rượu tây dương sâm: Tây dương sâm 50g, rượu trắng 500ml. Tây dương sâm thái phiến, ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20 ml. Công dụng: Bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt. Dùng thích hợp cho những người khí âm lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, miệng khô, họng khô, ho khan, hay có cảm giác hơi sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm. Với trường hợp đau bụng và đi lỏng do lạnh không nên dùng.