Rượu làm tăng nguy cơ mắc, lây truyền HIV như thế nào?

31-10-2024 13:51 | Y tế
google news

SKĐS - Uống rượu, đặc biệt là uống rượu say, ảnh hưởng đến não khiến bạn khó suy nghĩ sáng suốt và dễ đưa ra những quyết định sai lầm, làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV...

Vì sao rượu gây nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV?

Khi uống quá nhiều rượu, bia có thể dẫn đến tình trạng say xỉn, làm giảm khả năng kiềm chế bản thân, đưa ra những quyết định sai lầm, chẳng hạn như quan hệ tình dục không dùng bao cao su hay không dùng thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị HIV.

Khi uống say, bạn cũng có thể khó sử dụng bao cao su đúng cách, có nhiều bạn tình hơn hoặc sử dụng các loại thuốc khác. Những hành vi này đều có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm với HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Trường hợp bạn bị HIV, những hành động này làm tăng nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.

ruou

Uống nhiều rượu, bia làm tăng nguy cơ lây truyền HIV.

Làm gì để tránh nguy cơ mắc hoặc lây truyền HIV?

- Uống rượu có chừng mực: Theo đó, nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày, nữ giới không quá 1 đơn vị cồn/ngày và không uống quá 5 ngày/tuần.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, một đơn vị cồn tương đương 10 gam cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%); một chai hoặc một lon nước trái cây/cider/strongbow có cồn loại 330ml (4,5%); một cốc bia hơi 330 ml (4%), một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).

Khi uống rượu, nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống rượu xen kẽ với nước lọc.

- Không quan hệ tình dục nếu say rượu hoặc phê thuốc khác.

- Sử dụng PrEP: Nếu bạn âm tính với HIV, hãy trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). PrEP là thuốc mà những người có nguy cơ nhiễm HIV dùng để ngăn ngừa nhiễm HIV, do quan hệ tình dục hoặc tiêm chích ma túy không an toàn.

PrEP có thể ngăn HIV xâm nhập và lây lan khắp cơ thể. PrEP phải được dùng theo chỉ định và việc sử dụng rượu có thể khiến bạn khó tuân thủ phác đồ điều trị HIV. Do đó, bạn nên cởi mở và trung thực về việc sử dụng rượu để chuyên gia có thể lập kế hoạch tuân thủ thuốc điều trị HIV phù hợp nhất.

- Sử dụng bao cao su: Nếu không dùng PrEP theo chỉ định, việc sử dụng bao cao su đúng cách cũng rất quan trọng để giúp ngăn ngừa HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) khác.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sử dụng bao cao su đúng cách là:

  • Chỉ sử dụng bao cao su 1 lần
  • Sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục.
  • Đọc kỹ hướng dẫn và xem kỹ hạn sử dụng.
  • Đảm bảo chắc chắn bao cao su không bị rách, hỏng.
  • Bảo quản bao cao su ở nơi khô thoáng.

Những điều không nên làm khi sử dụng bao cao su gồm:

  • KHÔNG cất bao cao su trong ví vì nhiệt độ và ma sát có thể làm hỏng bao.
  • KHÔNG sử dụng nonoxynol-9 (thuốc diệt tinh trùng) vì có thể gây kích ứng.
  • KHÔNG sử dụng các sản phẩm gốc dầu như dầu em bé, kem dưỡng da, dầu khoáng hoặc dầu ăn vì chúng sẽ làm rách bao cao su.
  • KHÔNG sử dụng nhiều hơn một bao cao su cùng một lúc.
  • KHÔNG sử dụng lại bao cao su.

- Dùng liệu pháp kháng virus: Nếu bạn nhiễm HIV, hãy dùng thuốc điều trị HIV (gọi là liệu pháp kháng virus hoặc ART) theo chỉ định.

Những người nhiễm HIV được điều trị bằng liệu pháp kháng virus theo chỉ định và đạt được, duy trì tải lượng virus không phát hiện được có thể sống lâu, khỏe mạnh, không lây truyền HIV cho bạn tình âm tính với HIV qua quan hệ tình dục.

Trường hợp nghiện rượu cần chú ý gì để ngăn ngừa lây nhiễm HIV?

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, nghiện rượu là khi:

  • Thường xuyên uống nhiều hơn hoặc lâu hơn trong thời gian dài.
  • Không thể ngừng uống.
  • Thường xuyên bị nôn nao do uống rượu.
  • Uống rượu hoặc tác dụng của việc uống rượu ảnh hưởng đến các trách nhiệm khác trong công việc, các mối quan hệ xã hội...
  • Phải uống ngày càng nhiều hơn mặc dù việc uống rượu đã gây ra các vấn đề về sức khỏe cho bản thân.

Với các trường hợp này, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, để lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm ngừng, cắt giảm việc sử dụng rượu, từ đó không chỉ giảm nguy cơ lây truyền HIV mà còn ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác.

Nếu bạn bị nhiễm HIV, việc sử dụng rượu có thể gây hại cho não và cơ thể, ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ điều trị HIV, làm tăng nguy cơ lây truyền HIV...

Mời bạn xem tiếp video:

Đi làm móng nhiễm HIV: Bác sĩ nói gì? I SKĐS



Khánh Hoàng
Ý kiến của bạn