BS. Vũ Hướng Văn
Rượu dởm (giả) không phải là rượu ethanol. Hoặc là ethanol nhưng đem pha trộn với nhiều thứ hóa chất khác với mục đích làm giả những nhãn hiệu của các hãng rượu đã và đang nổi tiếng, nhằm thu lợi nhuận bất chính. Trong lịch sử và đương đại đã từng xảy ra nhiều cái chết do uống phải rượu dởm.
Rượu mà chúng ta thường nâng cốc
Dù là rượu trắng, hay rượu nho, vang... thì chất cơ bản vẫn là ethanol, rồi mới cộng thêm các chất khác tạo nên màu sắc và mùi vị riêng của từng sản phẩm.
Khi chưng cất rượu trắng có 3 phần rượu thu được: phần rượu đầu (chiếm khoảng 1/10 tổng số) ngoài ethanol ra, còn có các tạp chất độc hại là methanol, acetaldehyde, các acid và ester có độ sôi thấp. Rượu giữa, phần nhiều là cồn ethanol dùng uống. Rượu cuối, có chất độc furfurol, các cồn khác độc hơn ethanol và ester có độ sôi cao; rất độc cho cơ thể. Rượu sản xuất thủ công người ta lấy cả rượu đầu, rượu cuối nên chứa nhiều tạp chất độc hại. Rượu do các nhà máy thực hành sản xuất tốt, người ta chưng cất rượu từ hệ thống hiện đại, nhiều tầng, đủ để loại bỏ tạp chất có hại, là thứ rượu đạt tiêu chuẩn lưu thông trong và ngoài nước.
Cơn choáng rượu nho giả
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, chỉ trong một thời gian ngắn, số bệnh nhân bị viêm thận cấp và mạn tính ở nước Áo tăng đột biến, không ai hiểu vì sao. Đầu năm 1985, Sở Thuế thành phố Pamhaghen nhận được đơn xin giảm tiền thuế nhập khẩu diethylene glycol của ông Diegfried Trida (xin viết tắt là DTr) chủ một hãng rượu nổi tiếng. Một quan chức ngành thuế băn khoăn: vì sao hãng rượu lại nhập hóa chất này nhiều đến thế? DTr kiêm kinh doanh hóa chất chăng? Nhưng để bán cho ai, và họ mua dùng vào mục đích gì? Đã vậy, thử kiểm tra xem sao. Nhưng qua kiểm tra nhiều mẫu thực phẩm quanh đấy không ô nhiễm diethylene glycol. Song, khi kiểm tra rượu bia kết quả thật bất ngờ- trong các loại rượu nho có hàm lượng diethylene glycol rất cao. Phát hiện này làm dân nhậu sợ dựng tóc gáy, bởi hóa chất này chỉ dùng pha vào xăng chạy các động cơ trong mùa đông.
Từ xưa, rượu dởm thường được làm từ rượu kém phẩm chất, hoặc từ cồn công nghiệp có tỷ lệ cao các chất độc hại như methanol, acetaldehyde, furfurol... người sành uống có thể phân biệt được, xét nghiệm cũng dễ thấy ngay. Còn rượu nho này vẫn ngon, uống êm, không có các chất độc hại ấy, nhưng lại có chất thường dùng pha vào xăng là vì sao? Lập tức, nhiều chai rượu nho của Hãng DTr được lấy đem đi xét nghiệm, đều thấy có diethylene glycol. DTr bị bắt giam, và phải thú nhận tội.
Qua thẩm vấn DTr, cảnh sát đến ngôi biệt thự sang trọng bắt Otto Neydrashi (viết tắt là ONe). ONe là một nhà hóa sinh học tài năng, một cáo già trong nghề rượu. Hắn không sử dụng những hóa chất dễ bị phát hiện mà dân nấu rượu giả xưa nay vẫn dùng. ONe nghiên cứu tìm ra cách dùng diethylene glycol (một hóa chất rẻ tiền, và ít bị nghi ngờ) pha chế vào rượu theo một quy trình đặc biệt tạo ra rượu nho dởm mà uống vẫn êm và ngon như rượu nho thật. Diethylene glycol có khả năng đánh lừa vị giác, có thể so sánh nó như hóa chất saccarin tạo ra vị ngọt giống đường ăn để đánh lừa lưỡi vậy. Điều nguy hiểm của diethylene glycol là có hại tới thận, nếu uống thường xuyên, uống nhiều dễ bị viêm cầu thận cấp và mạn tính, thậm chí tử vong.
Qua vụ bắt DTr và ONe, nhà chức trách Áo còn phát hiện ra nhiều hãng rượu khác cũng tham gia vào trò lừa đảo này. Cả nước Áo xôn xao choáng váng. Tháng 7/1985 người ta đã đổ hơn 1 triệu lít rượu nho xuống sông Burghellen làm cho cá chết nổi trắng sông. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Áo, thời gian đó có tới 156 người bị thẩm vấn vì liên can tới tội làm rượu giả. Tháng 8/1985, Quốc hội Áo đã phải họp phiên đặc biệt để đưa ra một dự luật mới về sản xuất lưu thông rượu nho.
Không chỉ nước Áo, cả châu Âu cũng sôi lên trong cơn hoảng loạn loại trừ 600 loại rượu nho của Áo bị nghi là có chất độc. Chỉ trong vài tháng đã phát hiện ra 15 loại rượu nho của Áo, và 5 loại rượu của CHLB Đức có pha chất diethylene glycol. Tới cuối tháng 8/1985 qua xét nghiệm lại phát hiện có tới 30 loại rượu ở CHLB Đức là rượu giả. Chính phủ Anh phải ra lệnh cấm nhập khẩu tất cả các loại rượu của Áo khi chưa được kiểm nghiệm.
Rượu dởm ở Việt Nam
Ở nước ta đã từng xảy ra một số vụ rượu dởm gây chết người. Đơn cử năm 1979 tại thành phố Hồ Chí Minh, có “Rum Lesbons” giả pha chế từ cồn công nghiệp có nồng độ methanol rất cao đã làm cho 35 người ngộ độc và 12 người chết... Những năm gần đây, nhất là đầu năm nay liên tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu dẫn đến nhiều thương vong. Chỉ riêng huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vài tháng mới đây đã có 7 người tử vong do rượu dởm.
Những kẻ làm rượu dởm để có rượu giá rẻ, bán được nhiều, thu lợi nhuận cao, họ thường mua rượu methylic (methanol) còn gọi là rượu gỗ, rượu dăm bào, cồn công nghiệp về pha với nước lã thành rượu trắng, hoặc pha với nước cốt thảo mộc gọi là rượu thuốc...
Methanol là chất lỏng không màu, dễ bốc cháy, mùi vị giống rượu ethanol, có các lý tính như ethanol... Methanol được điều chế từ carbon monoxide (CO) và hydro, hoặc tách từ khí thiên nhiên, nó thường được sử dụng trong công nghiệp, làm chất chống đông lạnh, là dung môi rất tốt của các chất màu, chất nhựa, chất dẻo.
Uống rượu dởm (methanol) chậm say hơn rượu thật (ethanol), nhưng nguy hiểm vì rất độc, đào thải chậm và tích lũy dần dần. Trong cơ thể, methanol chuyển thành aldehyde formic và acid formic. Aldehyde formic có khả năng kiên kết với các nhóm - NH2 của protein, cho nên rất có hại với các men protein. Còn acid formic liên kết dễ với các enzym có sắt, làm ngừng sự hô hấp tế bào, nhất là tế bào thần kinh và thị giác. Uống rượu methanol gây một cơn say không rõ rệt như rượu ethanol. Triệu chứng đặc biệt là nhức đầu (kéo dài sang những ngày sau), chóng mặt và buồn ngủ. Sau đó là nôn, có khi nôn ra máu, đau mạnh ở vùng bụng. Mặt và môi tím tái. Đồng tử giãn và không phản ứng với ánh sáng. Toát mồ hôi, chân tay lạnh, hạ huyết áp, và nạn nhân cảm thấy khó thở, có tiếng khò khè (phù phổi), các triệu chứng co giật thần kinh xuất hiện. Cuối cùng, nạn nhân bị hôn mê, co giật các cơ, nhiệt độ hạ, rồi tử vong vì ngạt thở. Trong các trường hợp trường diễn còn có thêm các triệu chứng rối loạn thị giác do thần kinh thị giác bị teo.
Chỉ vì muốn có lợi nhuận cao, nhiều kẻ nhắm mắt làm liều sản xuất rượu dởm bằng cồn công nghiệp có hàm lượng methanol rất cao, gây độc hại cho nhiều người. Đó thực sự là một tội ác, mất hết nhân tính.