Rượu cồn và cá nóc gây ngộ độc nguy hiểm

17-11-2017 07:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Hàng loạt xóm làng vùng nông thôn ở Ninh Thuận, Bình Thuận có thói quen uống rượu cồn và ăn cá nóc. Nhiều ca nhập viện, có người đã tử vong. Có người chịu nhiều di chứng nặng nề, suy kiệt sức khỏe.

Những thương vong đau đớn

Đã mấy tuần trôi qua nhưng cái chết của ngư dân Trần Thiện Thanh (ngụ tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi, Bình Thuận) xảy ra vào ngày 26/10/2017 vì ăn thịt cá nóc vẫn còn làm nhiều hàng xóm của anh ám ảnh. Anh Trần Văn Tùng cho biết: Ngư dân ở các xóm chài này cứ bắt được cá nóc là vô tư ăn và mua rượu trôi nổi về uống. Bản thân tôi nhiều lần cũng ăn. Có lần thấy chóng mặt, choáng váng nhưng nghĩ là trúng gió chứ cũng không nghĩ là bị ngộ độc đâu. Anh Thanh là lao động chính, đang khỏe mạnh thế mà ăn mấy con cá nóc, vài ly rượu rồi ngộ độc tử vong.

Nhiều người dân ở Ninh Thuận tử vong vì uống rượu cồn trôi nổi.

Nhiều người dân ở Ninh Thuận từng tử vong vì uống rượu cồn trôi nổi.

Lên bờ xuống ruộng, giờ vẫn còn ám ảnh, ông Lê Văn Hữu bộc bạch: Xưa nay toàn ăn theo thói quen. Cứ thấy cá nóc là vô tư ăn. Có khi hấp hoặc rán sơ lên là ăn thôi. Tôi bị ngộ độc phải cấp cứu khỏi nguy kịch nhưng giờ vẫn bị ảnh hưởng thần kinh, hay đau đầu khi trái gió trở trời. Có lúc thần kinh không ổn định, trí nhớ cũng bị suy giảm đi rất nhiều.

Thoát khỏi tử thần từ lần cấp cứu vì cá nóc cách đây 5 tuần, anh Lê Văn Tùng ở Tuy Phong cũng chịu nhiều di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Anh Tùng kể: Cả gia đình tôi ăn và cả người em họ nữa cũng ăn. Chế biến rất sơ sài, ăn xong thì nôn thốc tháo và đau đầu như búa bổ. Phải chuyển viện vào TP. Hồ Chí Minh cấp cứu, không tử vong nhưng bị suy gan, suy thận nặng. Giờ vẫn đang phải dùng thuốc, làm việc không hiệu quả được như trước kia nữa.

Anh Phạm Văn Tính (41 tuổi, ngụ tại phường Phước Lộc, thị xã La Gi) nhập viện cuối tháng 10/2017 vì ngộ độc cá nóc, giờ sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Anh Tính ám ảnh nhớ lại: Hàng chục ngư dân chúng tôi cùng vớt cá nóc dưới biển lên để chế biến rồi ăn. Chắc là ăn hết cả ruột, gan cá nên ai cũng phải nhập viện. Dẫu các bác sĩ đã hết sức cố gắng cứu chữa nhưng có người đã tử vong trong lần ăn cá nóc đó.

Vui mừng vì được các bác sĩ tận tình cứu chữa qua cơn nguy kịch, nhưng ông Mang Hòa (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) cũng bị thần kinh phân liệt, suy gan. Ông Hòa cho biết: Có lẽ do cả hai nguyên nhân, ngộ độc cá nóc và rượu cồn. Hôm ấy chúng tôi xuống các xóm chài bắt cá nóc sau đó tới các quán ven đường mua rượu trắng về uống. Ở Phước Vinh từng có gần chục người chết vì ngộ độc rượu rồi. Giờ mới biết, rượu cồn trôi nổi nhiều khi có tác hại chẳng khác nào ngộ độc cá nóc cả. Sau lần ngộ độc nặng ấy, những người như chúng tôi không còn được hoạt bát và khỏe mạnh như trước đây nữa.

Cẩn trọng trước khi quá muộn

Theo Bệnh viện đa khoa Khu vực La Gi: Ngộ độc cá nóc vẫn thường xảy ra đối với các khu vực vùng sâu, khu vực ngư dân hoạt động nhiều. Riêng trong mấy ngày cuối tháng 10/2017, bệnh viện đã tiếp nhận hàng loạt bệnh nhận ngộ độc nặng. Các bệnh nhân khi nhập viện đều có triệu chứng toàn thân tím tái, tiêu chảy, co giật, sốt bất thường. Đặc biệt, chất độc từ cá nóc và rượu cồn đã ngấm sâu vào lục phủ, ngũ tạng nên phải chuyển lên tuyến trên. Các bệnh nhân này phải vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chữa trị. Người dân ở các vùng biển, vùng nông thôn nên cẩn trọng.

Theo ý kiến của các chuyên gia: Cả rượu cồn trôi nổi lẫn cá nóc đều nguy hiểm. Cá nóc có chứa độc tố tetrodotoxin. Loại độc tố này tập trung chủ yếu ở phần da, mắt, mang, máu và nội tạng. Đặc biệt, cá nóc khi bị ươn thì độc tố còn có thể ngấm vào thịt cá nên dù người chế biến có bỏ hết nội tạng thì vẫn bị nhiễm độc. Với người có sức đề kháng yếu mà uống rượu cồn nữa thì chỉ cần từ 1mg độc tố từ cá nóc cũng có thể làm chết người. Người dân nên thận trọng trước khi quá muộn.


ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn