Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

22-11-2024 09:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 22/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Vũ trường, karaoke, massage sẽ phải chịu thuế TTĐB

Theo đó, đối với hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) gồm: Thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm.

Rượu theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bia theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Xe có động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pick-up chở người; xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép; xe ô tô tải VAN loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Máy bay, trực thăng, tàu lượn và du thuyền; Xăng các loại.

Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định đối tượng chịu thuế TTĐB là điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay. Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh).

Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 2.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sáng 22/11.

Đối tượng chịu thuế TTĐB còn có: Bài lá; Vàng mã, hàng mã, không bao gồm hàng mã là đồ chơi trẻ em, đồ dùng dạy học; Nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml; Hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.

Dự thảo cũng quy định các loại dịch vụ phải chịu thuế TTĐB, bao gồm: Vũ trường, karaoke, massage, casino, trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy giắc-pót (jackpot), máy sờ-lot (slot) và các loại máy tương tự; Kinh doanh đặt cược bao gồm đặt cược thể thao, giải trí và các hình thức đặt cược khác theo quy định của pháp luật; Kinh doanh gôn (golf) bao gồm kinh doanh sân tập gôn, bán thẻ hội viên, vé chơi gôn; Kinh doanh xổ số.

Cân nhắc thuế suất cao hơn 10% đối với đồ uống có đường

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung sản phẩm này vào diện chịu thuế TTĐB đồng thời, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung "theo Tiêu chuẩn Việt Nam".

Một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt- Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB và cho rằng nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì; tác động không thuận lợi tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về thuế suất, ông Lê Quang Mạnh cho hay, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu chính của việc đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế là để điều tiết, định hướng hành vi sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm này, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, mức thuế suất 10% là khá thấp, có thể không đủ để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dẫn đến không đạt được mục tiêu đặt ra trong ban hành chính sách. Do đó, cần cân nhắc để đề xuất mức thuế cao hơn để đạt được mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 40% với đồ uống có đường giúp phòng tránh hơn 81.000 ca đái tháo đường tuýp 2Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 40% với đồ uống có đường giúp phòng tránh hơn 81.000 ca đái tháo đường tuýp 2

SKĐS - Hôm nay – 14/11, là ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường. Khoảng 7 triệu người Việt mắc căn bệnh này, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh, thận. Sử dụng đồ uống có đường 'vô tội vạ' là một trong những lý do làm gia tăng bệnh đái tháo đường.

Vì sao cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường?Vì sao cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường?

SKĐS - Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống có đường, trong đó có nước giải khát có đường, đối với sức khỏe.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn