Cần sửa đổi quy định liên quan tới thời điểm kiểm tra nồng độ cồn
Tại BV Việt Đức, theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng tai nạn giao thông thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày.
Đáng nói, những bệnh nhân tai nạn giao thông tới Bệnh viện Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3, số còn lại nếu sống phải chịu cảnh tàn tật, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Nhiều ca bị tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu trong tình trạng vẫn còn nồng nặc mùi rượu bia. PGS. Chính cho rằng, thực tế cho thấy, nếu không làm tốt khâu tuyên truyền từ đầu thì rất khó có thể giảm được tình trạng bệnh nhân bị tai nạn giao thông do vi phạm nồng độ cồn.
"Bản thân tôi từng tham gia nhiều chương trình cung cấp thông tin về hậu quả của vấn nạn uống rượu gây tai nạn giao thông và nghiên cứu ứng phó sau tai nạn giao thông. Kết quả thống kê có những con số giật mình. Ví dụ như, có tới 10% phụ nữ bị tai nạn giao thông ở mức chấn thương nặng, không có cơ hội được cứu sống, có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu rất cao"- chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, điều đáng nói là rất nhiều nạn nhân tai nạn giao thông chống đối, không hợp tác với nhân viên y tế để kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Hay việc cơ quan điều tra đến làm thủ tục kiểm tra nồng độ cồn từ các đối tượng liên quan tới tai nạn giao thông cũng rất bất cập. Có những ca nhập viện sau 2 ngày chúng tôi mới nhận được yêu cầu xét nghiệm nồng độ cồn, lúc này gần như không còn dấu tích.
Do đó, cần phải sửa đổi quy định liên quan tới thời điểm kiểm tra nồng độ cồn trong máu đối với các đối tượng tham gia giao thông.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, ngoài việc thực hiện chế tài xử lý nghiêm, lực lượng CSGT còn thực hiện rà soát ngẫu nhiên đối với lái xe. Cụ thể, tại Australia, theo xác suất cứ 10-12 xe, cảnh sát sẽ yêu cầu dừng lại để kiểm tra nồng độ rượu bia. Chính từ hoạt động kiểm tra này đã góp phần kịp thời ngăn chặn, không có cơ hội cho lái xe uống rượu gây tai nạn.
Rượu gây biến đổi cơ thể ra sao?
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, khi nồng độ cồn trong máu mg/dl ở mức từ 20 - 50 mg/dl sẽ gây trạng thái kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.
Từ 50 - 100 mg/dl: Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.
Từ 100 - 200 mg/dl: Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, buồn ngủ, phản ứng trước các tình huống chậm một cách đáng kể, nhức đầu hoặc choáng váng, suy giảm chức năng thị giác, trương lực cơ giảm mạnh.
Từ 200 - 400 mg/dl: Hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), bài tiết ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, đi đứng loạng choạng hoặc té ngã.
Trên 400 mg/dl: Truỵ tim mạch, tử vong.
Lái xe uống rượu bia gây tai nạn thương tâm ở hầm Kim Liên.
Các bác sĩ cho biết, trung bình chất cồn trong bia rượu sẽ ngấm vào máu sau khi uống xấp xỉ từ 30 phút đến 2 giờ. Mức cồn trong máu thông thường tăng đến mức cao nhất sau 3 giờ sử dụng bia rượu.
Cơ thể mất trung bình 1 giờ để thải lượng cồn từ một đơn vị cồn. Với một cơ thể bình thường cần khoảng 6 giờ sau khi uống 3 ly rượu vang hoặc 3 chai bia mới có thể lái xe một cách an toàn.
Theo bác sĩ Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), không có một tiêu chuẩn chung về việc uống bao nhiêu là có hại, bởi nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia. Điều này có nghĩa là không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn.
Ngay cả những trường hợp dù chưa đến mức say thực sự nhưng rượu bia dễ gây hưng phấn, chạy xe tốc độ cao mà vẫn thấy chậm, không làm chủ được hành vi, gây buồn ngủ. Khả năng quan sát biển báo, tín hiệu và trên đường không còn rõ ràng, khả năng phản xạ giảm từ 10% đến 30% khi gặp tình huống bất ngờ nên dễ gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông.
"Chỉ cần nồng độ vượt ngưỡng 50 mg/dl, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng gấp 40 lần"- Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cảnh báo.
Không nên uống liên tiếp quá 5 ngày/tuần.
Người dân tuyệt đối không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, khi đang có thai hoặc điều trị thuốc có phản ứng với cồn, hay có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên.
Đặc biệt, trẻ em và vị thành niên không nên uống rượu, bia.