Bệnh nhân nữ, 63 tuổi, vào viện vì đau bụng dữ dội vùng quanh rốn và thượng vị có choáng, sốc đã được sơ cứu tại bệnh viện huyện, sau đó chuyển BVĐK Hà Đông trong tình trạng tỉnh, da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt huyết áp giao động (70/40 mmHg), sốt 38,5 độ, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, bụng chướng, đau khắp bụng, cảm ứng, phản ứng phúc mạc dương tính. Bệnh nhân có tiền sử nong van 2 lá và dùng thuốc chống đông từ 2009 đến nay.
Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm cơ bản cho thấy bệnh nhân có tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, chảy máu trong ổ bụng, rối loạn đông máu nặng do dùng thuốc chống đông.
Đánh giá đây là bệnh nhân nặng, bệnh lý phức tạp, ngay lập tức kíp trực ngoại khoa đã tiến hành báo động đỏ nội viện, các bác sĩ đầu ngành khối ngoại, gây mê, hồi sức, nội khoa đã thống nhất hướng xử trí vừa hồi sức tích cực, vừa mổ cấp cứu. Sau 30 phút nhập viện bệnh nhân được chuyển lên phòng mổ để thực hiện ca phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật phát hiện ổ bụng có khoảng hơn 2 lít máu, một đoạn ruột non dài 1,5m cách góc Treitz (tá hỗng tràng) khoảng 6 cm hoại tử tím đen.
Các bác sĩ chẩn đoán khi phẫu thuật là sốc nhiễm trùng, nhiễm độc chảy máu trong ổ bụng, hoại tử ruột non do tắc mạc mạch treo ruột non.
Bệnh nhân được tiến hành cắt đoạn ruột hoại tử, lập lại lưu thông. Đây là một ca phẫu thuật khó vì đoạn ruột hoại tử sát góc tá hỗng tràng, vì vậy việc lập lại lưu thông là tương đối khó khăn.
Thêm nữa, tình trạng toàn thân và bệnh nhân có bệnh nền nặng phức tạp nguy cơ xì, bục miệng nối, chảy máu sau mổ là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó thực hiện kỹ thuật đòi hỏi bác sĩ phải có kinh nghiệm và tay nghề cao.
Bác sĩ thăm khám lại cho người bệnh sau phẫu thuật.
Qua 2 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã hoàn thành cuộc mổ thành công. Tuy nhiên sau mổ bệnh nhân đòi hỏi việc phối hợp giữa hồi sức và nội tim mạch là rất quan trọng để vừa xử lý được bệnh lý tim mạch (cần phải dùng thuốc chống đông), vừa tránh nguy cơ chảy máu sau phẫu thuật, cũng như tắc mạch mạc treo ruột non ở các vị trí khác.
Sau phẫu thuật bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực điều trị. Tại đây các bác sĩ hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, chống nhiễm trùng, chống sốc, điều chỉnh các rối loạn về nước, điện giải, dinh dưỡng cũng như sử dụng thuốc tim mạch (thuốc chống đông) để đạt được yêu cầu điều trị cho người bệnh.
4 ngày sau phẫu thuật, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, da niêm mạc bình thường, mạch huyết áp ổn đinh, không sốt, bụng mềm, đã trung đại tiện được.
Bệnh nhân có thể ăn nhẹ qua đường miệng, ngồi dậy, đi lại, các xét nghiệm đông máu trong giới hạn cho phép, bệnh nhân không có dấu hiệu chảy máu sau mổ.
Các bác sĩ hồi sức phối hợp với bác sĩ nội tim mạch dùng lại thuốc chống đông cho bệnh nhân, bởi lẽ nếu không dùng thuốc chống đông bệnh nhân có nguy cơ tim mạch ảnh hưởng đến tính mạng của ngưởi bệnh.
Theo BS CKII. Bùi Đức Duy – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, BVĐK Hà Đông, đây là một bệnh nhân nặng, phức tạp, đòi hỏi, trình độ, kinh nghiệm, sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Đối với bệnh nhân dùng thuốc chống đông nguy cơ lớn nhất là chảy máu, bệnh nhân này lại gặp một biến chứng khác đó là tắc mạch mạc treo ruột non. Khi mạch mạc treo ruột non bị tắc sẽ dẫn đến thiếu máu, hoại tử ruột, chảy máu, nhiễm trùng, nhiễm độc rối loạn đông cầm máu.
"Việc phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột hoại tử chỉ giải quyết được biến chứng của tắc mạch mạc treo. Sau mổ nếu không điều trị nội khoa và hồi sức tốt bệnh nhân hoàn toàn có thể bị tắc mạch ở những vị trị khác cũng như chảy máu sau phẫu thuật..." - bác sĩ Duy cho hay.