Rừng xanh thì bản khỏe

27-05-2012 15:21 | Xã hội
google news

Cùng Vũ Văn Doanh - Chủ tịch xã, chúng tôi len lỏi trong mênh mông của những cánh rừng keo lai, bồ đề sắp đến kỳ thu hoạch.

(SKDS) - Cùng Vũ Văn Doanh - Chủ tịch xã, chúng tôi len lỏi trong mênh mông của những cánh rừng keo lai, bồ đề sắp đến kỳ thu hoạch. Trưởng bản Đồng Gianh - Triệu Tài Quý, con trưởng cụ cố Triệu Hữu Linh (dân tộc Dao), giọng chắc như rựa bổ:

- Thấm đòn rồi. Đói khổ chỉ vì hủy hoại rừng. Giờ thì chúng tôi mới nhận ra: Rừng xanh thì bản mới khỏe! Nói rồi, trưởng bản đưa bàn tay vạm vỡ vuốt vuốt vầng trán cao bóng lộn, thả tầm mắt về núi Nả cao xanh vời vợi: Ở với rừng. Hưởng dưỡng khí của rừng, khoan khoái lắm. Ngày trước nơi chúng ta đứng đây, rừng cũng xanh, cũng thâm u như ngọn Nả ấy chứ.
 
Dưới chân Dốc Đá kia, bố tôi đã bắn được con lợn rừng 12 người khênh vẫn nặng. Hồi ấy, cả gia đình, cả dòng họ chúng tôi du canh du cư. Sống nhờ rừng, nhưng lại đua nhau phá rừng để lấy gỗ, để làm nương, tra lúa, trồng sắn, gieo vừng. Càng phá rừng, càng đói khổ. Sắn khoai thay bữa, con cái bụng ỏng, đít vòn. Thất ăn, thất học!...
 Trưởng bản Triệu Tài Quý (người bên phải) giới thiệu với Chủ tịch xã về rừng trồng của gia đình.

Tự dưng ông lặng đi, hình như ký ức buồn xa xưa đang nghẹn ứ trong ông. Chủ tịch Vũ Văn Doanh đón lời:

- Bố tôi (xưa cũng là thợ săn bán chuyên) kể rằng: Mỗi khi giở giời, mây giăng mực mài đùng đùng trùm lên lớp lang màu xanh kỳ bí của núi Quân, ngọn Trưa, Chân Giác, đồi Lem, gò Thôi, gò Cụp... Mưa rào, cá dúi, cá đục lao ngược đen khe, đặc suối... Đất heo hút, hổ gầm, gấu hú này... cũng là nơi hội tụ của các bậc tiền nhân khai quốc công thần như Hoàng Quốc Việt (Hạ Bá Cang), Trần Quang Bình (Nguyễn Văn Dĩ), Nguyễn Bình Phương... lập nên Chiến khu Hiền Lương hồi tiền khởi nghĩa...
 
Nhưng rồi “khí thế” phá rừng, đốt rẫy tra nương... suốt những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước khiến rừng đồi Quân Khê trơ trọi, tiêu điều, khe suối cạn kiệt, mây đen mây trắng thôi lãng đãng bay. Đói nghèo ập đến. Quân Khê thành xã điển hình đặc biệt khó khăn của huyện Hạ Hòa, Phú Thọ. Liên tục cả chục năm trong diện đặc hưởng Dự án 135, nay mới thoát ra được!
 
Biết căn nguyên đói khổ, căn do cằn cỗi của đất đai, người ta đổ tội, đổ lỗi cho nhau. Nào là: Tại lâm nghiệp, lâm trường và xã buông lơi; tại các làng lân bang: Hiền Lương, Động Lâm, Xuân Áng...ùa vào khai thác; nào là Quân Khê mới là thủ phạm chính khiến rừng tàn tạ... Nhoáng nhoàng, gần nửa ngàn hécta rừng thâm niên cố đế bị triệt hạ.
 
Cây đa cổ thụ, uy nghi, rễ vững như những chân voi ngoàm lấy đất đai trên ngọn đèo Quân cũng bị xả ngã. Nào là gia đình họ Triệu (dân tộc Dao), du cư từ Thanh Sơn tới, là chính nhân đốt phá rừng Quân Khê nhiều nhất!... Chủ tịch Doanh hạ thấp giọng, chậm rãi kết lại: Nhưng, bây giờ thì khác lắm rồi. Đại gia đình họ Triệu của anh Quý, anh Tỵ ở bản Đồng Gianh này lại là những hộ trồng rừng, giữ rừng và giàu nhanh nhất nhờ rừng. Ông Quý đón mạch chuyện:

- Mới khá lên thôi. Giàu có thì phải kể đến ông Giản, anh Hội ở xóm ngoài. Mỗi hộ có cả mấy chục ha rừng keo lai, thân gỗ sua sủa, cánh rừng nào rừng nấy lên xanh ngằn ngặt. Ngữ ấy rồi sẽ gặt bạc gặt vàng ấy chứ!

- Nghe nói, nhờ rừng nên gia đình ông đã kéo nhau đi du lịch tận Nhật Bản? - Tôi hỏi. Ông Quý, phân trần:

- Đâu có. Người ta đồn thổi vui thôi. Năm ngoái em được xã cho nhập với đoàn của trên sang thăm cách làm rừng của Trung Quốc thì có. Xem họ, nhìn lại mình cũng không nỗi nào. Ngày trước, mình ít học, ít hiểu nên mới phá rừng, phá núi. Nay thì cả Quân Khê, cả cái bản Đồng Gianh, Đồng Tiến nơi người Dao của chúng em định canh, rời lưng núi xuống làm lúa nước, cũng lại đua nhau nhận giao đất trồng rừng nên đâu đâu cũng bạt ngàn màu xanh.
 
Nói đâu xa, 18 gia đình anh chị em ruột chúng em (ông cười, đông đàn vì bố em lấy 2 bà) nhà nào cũng có rừng. Rừng vây kín bản, rừng bao quanh nhà. Hộ nhiều có tới 20ha. Nhà ít thì cũng một vài ha. Tất cả đều là rừng trồng. Trồng cho mình, cho dân, cho nước. Đích thực rừng xanh thì bản khỏe. Không khí trong lành. Khe suối thôi cạn. Nhà nhà hết khổ! Ngừng lời, ông Quý buông chuỗi cười âm oang cả núi rừng.
 
Triệu Tài Tỵ, em trai ông Triệu Tài Quý, chủ xưởng chế biến gỗ bóc Nguyễn Thị Mùi, giọng chan chan như suối đổ: “Mùi là tên chị gái. Gia đình hai chị em chúng em góp vốn, lập nên xưởng gỗ bóc từ 2 năm nay. Gọi là xưởng, nghe lớn, thực ra mỗi năm cũng mới chỉ bóc được ngàn tư đến ngàn rưởi khối gỗ nguyên liệu. Các xưởng khác của xã, công xuất lớn hơn nhiều. Thôi thì cũng gọi là sản xuất khép kín.
 
Tính lời lãi thì mỗi hécta rừng trồng sau 7 - 8 năm cho thu hoạch, trừ chi phí cũng chỉ lãi 3-4 chục triệu đồng, nếu chế biến thành gỗ bóc thì mỗi ha cho thêm khoảng 20 - 25 triệu nữa. Gộp lại thì phần lãi trên 1ha rừng cũng không phải nhỏ. Ở xứ núi này đồng tiền quý lắm, cho nên phải gắng để làm. Nhưng làm rồi, mới thấy cái hay còn ở chỗ tạo công ăn việc làm thường xuyên cho cả chục lao động trong xã, trong bản. Giúp bao tiêu nguyên liệu tại chỗ cho người trồng rừng, khiến tư thương không thể ép cấp, ép giá như xưa.
 
Cho nên nhiều năm nay, dân bản biết nâng niu đất, đất như cũng quyện lấy người”. Tỵ cười, nụ cười viên mãn. Giọng vẫn chan chan: “Ấy là cứ suy từ em ra. Đi lính về, năm 1995 - 1996 đúng dịp xã vận động nhân dân nhận giao đất, giao rừng thời hạn 50 năm, trồng rừng theo hướng dẫn của lâm nghiệp và sự quản lý của xã. Gia đình em hăng tiết nhận tới 11ha. 2 năm gieo trồng, rừng keo lai bời bời xanh tốt. Được đà, chúng em tiếp tục chuyển đổi đất đai, mua gom mua cóp thêm 9ha.
 
 Phơi gỗ bóc.
Chi li thì 18 anh chị em trong nhà, gia đình em là nhiều rừng trồng nhất. Sau em là chị Mùi, chú Ngọ, mỗi gia đình cũng non chục hécta. Những nhà ít hơn là do khi xã giao đất, gia đình vẫn nằm trong lâm trường. Đất cho của nả. Rừng cho của nả. Đất núi, đất đồi đâu đâu keo lai cũng bời bời xanh tốt. Anh thấy đó, dưới vệ đồi nơi nhà em ở là ao cá, mặt nước tới cả hécta. Trung bình mỗi năm thu hơn tấn cá thịt, chủ yếu là trắm đen, trắm cỏ.
 
Trên rừng trồng khép tán, chúng em chăn thả dê bầy, dê đàn. Rừng thời nay, đất đồi núi thời nay cho dân bản Dao chúng em nhiều lắm. Ngày nay, thời nay, đất này, rừng trồng này, chỉ lười nhác thì mới nghèo. Ngày trước anh chị em chúng em nghèo là do tàn phá rừng. Ngày nay, chúng em nâng niu đất, đất như cũng quấn bện lấy người nên trời phù trợ cho gia đình anh chị em chúng em ai ai cũng có con học qua đại học hoặc cao đẳng”.

Tôi hỏi:

- Trồng theo hướng dẫn của lâm nghiệp và sự quản lý của xã nghĩa là sao?, Tỵ đáp ngay: Việc này thì Chủ tịch Doanh nắm chắc nhất! Nhưng miệng vẫn liến thoắng: Trồng rừng là kỹ thuật nhưng cũng là nghệ thuật. Tùy tiện thì hỏng bét, sẽ phá cả môi trường ấy chứ. Làm rừng không khó, nhưng nhất thiết phải tuân theo kỹ thuật, từ làm đất, lót phân, đặt hom tới chăm sóc, thu hoạch cũng phải đúng kỳ, đúng hẹn.
 
Với lại, muốn rừng liên tục xanh, môi trường rừng trong sạch, khe suối không cạn kiệt thì phải chia đất rừng trồng làm nhiều lô. Như thế thì lao động mới rải ra; như thế thì rừng mới xanh liên tục. Người tứ xứ đổ về du lịch Suối Tiên - Ao Giời, thực ra cũng còn vì rừng Quân Khê “gọi” họ. Tỵ cạn nhời, Chủ tịch Doanh điềm tĩnh cắt giải:
 Xưởng chế biến gỗ bóc Mùi - Tỵ.
- Nhiều năm nay, Quân Khê luôn đứng ở tốp đầu của huyện về trồng rừng và bảo vệ rừng. Hơn 700ha rừng đặc dụng khu Ao Giời - Suối Tiên cùng 41,2ha rừng đầu nguồn khoanh nuôi được bảo vệ và chăm sóc chu đáo là đương nhiên. Cái hơn là 400ha rừng trồng đều giao cho dân, nhưng xã không buông lơi công tác quản lý. Ban Chỉ đạo quản lý bảo vệ phát triển rừng do lãnh đạo chủ chốt xã làm trưởng ban, hoạt động chặt chẽ. Lực lượng xung kích bảo vệ rừng và chống cháy rừng luôn trong tư thế sẵn sàng.
 
Hằng tháng, xã thực hiện giao ban hành chính xoay quanh nội dung trồng rừng, phát triển rừng và bảo vệ rừng. Người trồng rừng khi khai thác theo lô, theo khoảnh phải có đơn xin phép xã và kiểm lâm. Nhờ thế, hàng chục năm nay, Quân Khê không để cháy rừng. Nhờ thế, rừng trồng đến kỳ vẫn khai thác, nhưng những cánh rừng lúc nào cũng ngút ngát một màu xanh.

Như để tiếp tục minh chứng, Chủ tịch xã Vũ Văn Doanh lại dẫn tôi len lỏi trong mênh mông của những cánh rừng trồng đã đến kỳ khai thác ở Đồng Gianh, Đồng Tiến. Lên đỉnh núi Trưa, nhìn tứ phía. Rừng điệp trùng. Rừng ngút ngàn. Rừng vây xanh làng xanh bản... Lời cô đọng, chắc như rựa bổ của Trưởng bản người Dao lại âm vang trong tôi: “Rừng xanh thì bản khỏe!

Quân Khê, tháng 5/2012

Bài và ảnh: Nguyễn Uyển


Ý kiến của bạn