Nói chung, không khó để phát hiện tình trạng thiếu máu vì thầy thuốc chỉ cần tiến hành xét nghiệm công thức máu để xem hồng huyết cầu có ít hơn 4 triệu ở phụ nữ và 4,5 triệu ở giới mày râu hay không. Bên cạnh đó, cũng được coi là thiếu máu nếu huyết cầu tố dưới 12 g/dl ở phụ nữ và 14 g/dl ở đàn ông.
Nếu chỉ xét về cấu trúc của hồng cầu, thiếu máu có nhiều nguyên nhân, thông thường do thiếu sắt nhưng cũng có thể vì thiếu sinh tố B6, B12, axít folic hay khoáng tố đồng. Công việc của thầy thuốc vì thế không thể đơn giản theo kiểu cho ngay thuốc có chất sắt nếu nghi ngờ thiếu máu. Thầy thuốc cần truy tìm lý do dẫn đến thiếu máu bằng cách so sánh số lượng hồng cầu và hàm lượng huyết cầu tố.
Cần lưu ý các trường hợp thiếu máu:
- Do thiếu sắt thì số lượng hồng huyết cầu có thể vẫn bình thường nhưng tế bào máu nhạt màu vì chứa ít huyết cầu tố, nghĩa là hàm lượng thấp hơn định mức bình thường.
- Do hoại huyết vì bệnh sốt rét, nhiễm trùng, xuất huyết, ung bướu... thì số lượng hồng cầu tuy giảm nhưng huyết cầu tố vẫn trong định mức bình thường.
- Do không đủ sinh tố B12 hay axít folic thì hồng huyết cầu tuy thiếu nhưng kích thước lại lớn và sẫm màu hơn bình thường vì huyết cầu tố. Huyết cầu tố trong trường hợp này cao hơn bình thường.
Phân tích dông dài nêu trên cho thấy chữa hoài nhưng bệnh nhân vẫn thiếu máu nếu dùng thuốc chứa chất sắt cho người không thiếu sắt! Đáng lo hơn nhiều là tình trạng ngộ độc do tích lũy sắt với hậu quả bất lợi trên hệ thần kinh, nội tiết, da niêm... Đừng quên sắt là khoáng tố tương tranh ráo riết với kẽm. Thừa sắt bao giờ cũng khiến dễ thiếu kẽm, nhân tố cần thiết cho sức kháng bệnh, cho chức năng sinh lý của cả 2 phái. Không lạ gì nếu một số bệnh nhân thiếu máu càng uống thuốc có sắt càng mệt, càng thêm sắt càng mau... thất sắc vì “chuyện đó” càng lúc càng mờ nhạt!
Chưa dừng lại ở đó, thiếu kẽm là nguyên nhân dẫn đến rụng tóc. Nhiều bệnh nhân tốn tiền cho thuốc mọc tóc nhưng tật vẫn mang mà không ngờ cơ thể thiếu gì chưa biết nhưng lại thừa sắt.
Thiếu máu là bệnh còn rất phổ biến ở nước ta. Cơ chế sinh bệnh tuy vậy lại không quá phức tạp. Liệu pháp cũng không quá nhiêu khê. Chẩn đoán lại khá đơn giản vì chỉ cần một xét nghiệm rất thông thường với chi phí không cao. Nhưng không ít bệnh nhân vẫn đang hoặc “bị” điều trị với toa thuốc in sẵn thuốc chứa chất sắt hoặc tự chữa bệnh theo kiểu thuốc có sắt là thuốc bổ máu. Trị thiếu máu mà chỉ nghĩ đến nguyên nhân thiếu sắt thì không lạ gì khi không ít bệnh nhân sau đó thừa sắt nhưng vẫn thiếu máu, lại còn thêm hói đầu!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng