1. Vì sao lại bị rụng tóc?
Rất nhiều người cho rằng rụng tóc sau sinh hoặc xảy ra khi đến tuổi trung niên là bình thường, nhưng đây là một quan niệm sai lầm.
Nếu không nhận biết tình trạng rụng tóc sớm và xử lý sớm, mái tóc sẽ thưa dần và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Đặc biệt là rụng tóc bất thường còn do nguyên nhân bệnh lý như:
- Rụng tóc do vấn đề ở tuyến giáp.
- Rụng tóc do hội chứng buồng trứng đa nang.
- Hói đầu do hệ thống miễn dịch bị "nhầm lẫn".
- Rụng tóc do nấm tóc.
- Rụng tóc do dùng thuốc.
- Rụng tóc do ăn kiêng quá mức.
- Rụng tóc do stress mạnh...
Các kiểu rụng tóc này cần nhận biết sớm để điều trị nguyên nhân, từ đó sẽ làm giảm tình trạng rụng tóc.
Thông thường, 40% phụ nữ bị rụng tóc tạm thời; một số khác thì mái tóc sẽ thưa dần, nhưng một số người lại bị rụng tóc làm thưa mỏng, tóc rộng dần ở vùng giữa của da đầu. Không giống như nam giới, phụ nữ ít khi bị thưa mỏng tóc, thành mảng hói đầu ở vùng trán hoặc đỉnh đầu.
Rụng tóc bất thường có thể xảy ra trong một số trường hợp và rất dễ nhận biết. Có thể nhận thấy số lượng tóc lớn rơi ra khi gội đầu hoặc chải tóc. Các trường hợp tóc rụng nhiều hơn bình thường được coi là bị chứng rụng tóc. Nếu lo ngại về sự thay đổi mái tóc, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra, xác định nguyên nhân.
2. Các biện pháp đơn giản giúp hạn chế rụng tóc
2.1 Cải thiện chế độ ăn uống
Một chế độ ăn uống với những dưỡng chất cần thiết sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề từ bên trong. Các chất dinh dưỡng cần thiết để có mái tóc khỏe là:
- Protein: Các nang tóc được tạo thành từ một loại protein là keratin, vì vậy chế độ ăn giàu protein có thể giúp chống rụng tóc. Một số loại thực phẩm giàu protein như: Trứng, các loại hạt, đậu, cá, sản phẩm từ sữa (ít béo), thịt gà…
- Vitamin A: Vitamin A thúc đẩy sự tăng trưởng của tóc, đồng thời sản xuất bã nhờn để duy trì sự khỏe mạnh, độ bóng cho mái tóc, chống rụng tóc. Một số loại thực phẩm giàu vitamin A: Khoai lang, cà rốt, ớt ngọt, rau bina…
- Sắt: Thiếu sắt là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu và có thể khiến tóc dễ gãy rụng. Do vậy hãy đảm bảo bổ sung đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Một số loại thực phẩm giàu sắt: Trứng, bông cải xanh, thịt bò, khoai tây, đậu, hải sản…
- Các vitamin C, E, D, B7… cũng là những dưỡng chất rất cần thiết cho sự phát triển của mái tóc và giúp ngăn rụng tóc khá hiệu quả. Vì thế nên bổ sung thêm vào chế độ ăn hằng ngày.
2.2 Bổ sung các loại vitamin dạng uống
Trong chế độ ăn có thể khó đảm bảo hàm lượng vitamin cần thiết mỗi ngày, do vậy bên cạnh chế độ ăn uống, cũng có thể chọn cách sử dụng các sản bổ sung chứa các loại vitamin, dưỡng chất có khả năng chống rụng tóc.
Ngoài việc sử dụng các sản phẩm vitamin, khoáng chất tổng hợp có chứa đầy đủ các vitamin như vitamin A, B, C, D, sắt, selen và kẽm, thì cũng có thể lựa chọn bổ sung những loại vitamin đơn độc mà mình thiếu hụt để cải thiện mái tóc.
Một số loại vitamin, dưỡng chất nên bổ sung để ngăn rụng tóc là:
- Vitamin D: Vitamin D có vai trò kích thích các nang tóc mới và cũ, đồng thời điều chỉnh sự tăng trưởng và biệt hóa của tế bào keratinocytes của tóc. Khi cơ thể không có đủ vitamin D sẽ cản trở quá trình phát triển của tóc mới. Vì thế thiếu hụt vitamin D có thể gây nên tình trạng rụng tóc.
- Biotin (vitamin B7): Biotin liên quan đến quá trình tổng hợp acid béo trong cơ thể, mà quá trình này lại rất cần thiết cho sự phát triển của tóc. Mặc dù tình trạng thiếu biotin là ít gặp, nhưng chỉ cần cơ thể có hàm lượng biotin thấp thì đã dẫn đến tình trạng tóc mỏng, dễ rụng và móng tay/chân giòn, dễ gãy. Vì thế có thể bổ sung biotin bằng dầu gội dầu dưỡng hoặc dầu ủ tóc có thành phần này.
- Nhân sâm: Chứa một số chất phytochemical có khả năng thúc đẩy sự phát triển của tóc khiến chúng khỏe mạnh và ít rụng hơn.
3. Chăm sóc tóc đúng cách
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể, cách chăm sóc tóc và cả sức khỏe về tinh thần sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng rụng tóc của bạn.
- Giữ cho da đầu luôn khỏe mạnh và sạch sẽ: Gội đầu bằng sản phẩm dịu nhẹ không chứa sulfate hay chất tẩy mạnh để không khiến tóc bị gãy, rụng.
- Chú ý đến các dụng cụ, vật dụng tiếp xúc trực tiếp với tóc: Nên sử dụng lược răng thưa hoặc được làm từ chất liệu thân thiện với mái tóc và da đầu.
- Dùng khăn bông mềm cho tóc và gối đầu có chất liệu từ lụa để hạn chế làm rụng tóc.
- Hạn chế tạo kiểu (với nhiệt và với hóa chất) và buộc tóc chặt: Việc tạo kiểu hay buộc tóc có thể khiến tóc bị gãy rụng, hỏng tóc.
- Chăm sóc tóc bằng các nguyên liệu từ thiên nhiên: Dầu dừa hay dầu ô liu đều có thể nuôi dưỡng, phục hồi và kích thích sự phát triển của các sợi tóc rất tốt.
- Massage da đầu: Massage vừa làm giảm stress mà còn cải thiện lưu lượng máu dưới da đầu, từ đó khiến tóc khỏe mạnh, phát triển tốt hơn. Để tăng cường hiệu quả chống rụng tóc bạn có thể sử dụng thêm tinh dầu để massage.
- Tránh căng thẳng: Stress là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc khá phổ biến. Bạn nên ngủ đủ giấc, có thể kết hợp với tập yoga để thư giãn tinh thần, đầu óc được thoải mái, từ đó làm giảm tình trạng rụng tóc.
Mời độc giả xem thêm video:
Căn bệnh hiếm khiến thiếu niên 15 tuổi đột ngột đau yếu tứ chi