Vốn có mái tóc rất dày, khỏe và óng ả nên khi ra tiệm gội đầu, chị Vũ Thanh Ch. lo lắng khi thợ gội đầu nói tóc chị rụng rất nhiều. Mọi người cũng cho biết có nhiều khách hàng bị rụng tóc nhiều sau khi bị sốt xuất huyết. Chị Ch. rất băn khoăn vì mình bị sốt xuất huyết cách đây đã 2 tháng, cơ thể đã khỏe khoắn như trước kia mà tại sao bây giờ lại rụng tóc nhiều thế.
Một số bạn đọc nêu câu hỏi đến báo Sức khỏe&Đời sống, người nhà sau một đợt sốt xuất huyết thì rụng tóc nhiều đến mức gần như hói trơ từng mảng da đầu, liệu tóc có thể mọc lại và cách nào để tóc mọc lại?
1. Vì sao dễ bị rụng tóc sau sốt xuất huyết?
Rụng tóc là một vấn đề ít nhiều gặp ở những người từng bị ảnh hưởng bởi sốt xuất huyết. Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên The Frontiers in Cellular and Transmission Microbiology cho biết mặc dù tình trạng rụng tóc này không phải là vĩnh viễn nhưng do khả năng miễn dịch suy yếu nên các nang tóc của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng và cần có thời gian để hồi phục.
Đối với tình trạng rụng tóc sau khi bị sốt xuất huyết, các chuyên gia giải thích do tình trạng sốt cao, máu và dưỡng chất cung cấp đến chân tóc không đủ. Khi lượng chất dinh dưỡng còn lưu trữ lại ở nang tóc cạn dần và khiến nang tóc teo, dẫn đến hiện tượng tóc khô xơ, gãy rụng, rụng nhiều gây mỏng tóc, hói đầu mất thẩm mỹ và thường thấy ở giai đoạn bệnh nhân đã khỏi, thậm chí tình trạng này còn có thể kéo dài 2-3 tháng hoặc trở thành mạn tính nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Theo ghi nhận từ nhiều dữ liệu nghiên cứu, rụng tóc do virus sốt xuất huyết là một trong những hội chứng mệt mỏi sau sốt xuất huyết và sinh lý bệnh của nó vẫn chưa được biết cụ thể, rõ ràng.
Mặc dù hầu hết bệnh nhân đều hồi phục sau sốt xuất huyết nhưng theo dữ liệu nghiên cứu hơn một nửa số bệnh nhân gặp phải hội chứng mệt mỏi sau sốt xuất huyết trong nhiều tháng sau khi hồi phục. Các biểu hiện bao gồm mệt mỏi mạn tính kéo dài, nhức đầu, sốt, rụng tóc, đau khớp, trầm cảm nặng, mất trí nhớ... thường kéo dài từ ba đến sáu tháng nhưng có thể kéo dài đến hai năm.
Về tình trạng rụng tóc, các phát hiện cho thấy chu kỳ phát triển của tóc bị xáo trộn do virus dengue gây nhiễm trùng dai dẳng ở các tế bào nhú ở nang lông. Nhiễm trùng dai dẳng này có thể gây rụng tóc kéo dài mạn tính ở những bệnh nhân sau sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nghiên cứu không trực tiếp xác định liệu nhiễm trùng dai dẳng có gây ra sự thay đổi lâu dài trong chu kỳ tóc hay không và vẫn thiếu bằng chứng trực tiếp về sự nhân lên của virus trong tóc người của nạn nhân sốt xuất huyết hoặc trong các mô hình lây nhiễm ở động vật.
Theo ThS.BS Trương Thị Huyền Trang, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương: Những bệnh nhân sau quá trình bệnh lý có hiện tượng rụng tóc như phụ nữ sau sinh, sau sốt xuất huyết, sau COVID-19 … Quá trình bệnh lý sẽ làm giảm nuôi dưỡng tóc từ đó dẫn đến tóc bị rụng. Nếu trung bình với một người bình thường có 100 nghìn sợi tóc trong đó có 100 sợi tóc rụng mỗi ngày. Khi số lượng tóc rụng từ trên 100-150 sợi tóc/ngày thì nên đi gặp bác sĩ để thăm khám.
2. Hội chứng telogen effluvium
Tiến sĩ Jeff Donovan là bác sĩ da liễu được hội đồng Canada và Hoa Kỳ chứng nhận chuyên về rụng tóc cho biết rụng tóc khá phổ biến khi bị sốt xuất huyết. Rụng tóc thường xảy ra vài tháng sau khi bệnh bắt đầu và kéo dài vài tháng. Thuật ngữ gọi loại rụng tóc này là "telogen effluvium". Tình trạng rụng tóc do sốt xuất huyết có thể khá nghiêm trọng. Nó thường mọc lại nhưng có thể mất 6-9 tháng. Rụng tóc do sốt xuất huyết cuối cùng sẽ tự dừng lại. Cách tốt nhất để cải thiện, phục hồi là tăng cường sức khỏe, chú ý chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm thực phẩm có chứa sắt, protein, trái cây và rau quả tươi có thể hữu ích. Cân nhắc việc dùng thực phẩm bổ sung nếu chế độ ăn uống của bạn bị hạn chế.
Telogen effluvium thường khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị trong vài tháng. Thời gian bình thường của telogen là khoảng 100 ngày (3 đến 6 tháng), sau đó tóc bắt đầu mọc trở lại. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ dài của tóc, có thể phải mất nhiều tháng để tổng thể lượng tóc dần trở lại bình thường. Telogen effluvium có thể quay trở lại, đặc biệt nếu nguyên nhân cơ bản không được điều trị hoặc tái phát và sẽ được gọi là telogen effluvium mạn tính nếu kéo dài hơn 6 tháng.
3. Nên ăn gì để khắc phục chứng rụng tóc sau sốt xuất huyết?
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp tóc bạn chắc khỏe và bóng mượt hơn, do đó những gì bạn ăn cũng có thể giúp bạn ít bị rụng tóc. Nếu không nhận được một số chất dinh dưỡng nhất định từ thực phẩm, chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng đến tóc của mình.
Những thực phẩm có hàm lượng protein và sắt cao giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu và tăng cường hệ thống miễn dịch, cả hai đều là yếu tố giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
Protein rất quan trọng để giữ cho mái tóc của bạn khỏe mạnh nhưng nhiều người không được cung cấp đủ. Cần bổ sung đủ protein từ các loại thịt nạc như cá, thịt gà, trứng và các sản phẩm từ đậu nành là những nguồn tốt.
Các acid béo thiết yếu, đặc biệt là omega-3, đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của da, tóc và móng tay, vì vậy nên ăn một số thực phẩm giàu omega-3 mỗi ngày, ví dụ như:
- Cá hồi, cá ngừ, cá thu và các loại cá béo khác
- Dầu hạt lanh, hạt chia, dầu hạt cải
- Quả óc chó
- Đậu nành, đậu phụ và họ cải
- Rau (bông cải xanh, súp lơ, cải Bruxen)
Vitamin B6, B12 và acid folic cũng rất quan trọng đối với tóc. Thực phẩm có B6 bao gồm chuối, khoai tây (cả trắng và ngọt) và rau bina. Các nguồn cung cấp B12 chính bao gồm thịt, gia cầm, cá và các sản phẩm từ sữa.
Bạn có thể nhận được acid folic với nhiều trái cây và rau quả tươi, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, cà chua, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, ngũ cốc tăng cường, đậu và đậu lăng...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Lý do khiến tóc rụng?