Có phải tôi bị rụng tóc do uống thuốc không và có nên ngừng thuốc? Khi ngừng thuốc bao lâu thì tóc sẽ mọc lại?
Trần Thu Nga (Bắc Ninh)
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, trong đó có việc dùng thuốc. Mức độ và thời gian rụng tóc phụ thuộc vào loại thuốc mà người đó đang dùng cũng như liều lượng sử dụng.
Thuốc có thể ảnh hưởng đến các giai đoạn khác nhau của chu kỳ tăng trưởng tóc như: ảnh hưởng đến tóc trong giai đoạn nghỉ ngơi (telogen) gồm các thuốc như: chất kích thích, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chống trầm cảm (paroxetine, fluoxetine và sertraline), thuốc chống động kinh, thuốc tránh thai, thuốc chẹn beta, chất làm loãng máu, NSAID, steroid...; ảnh hưởng đến tóc trong giai đoạn phát triển (anagen) gồm: Thuốc hóa trị, asen, bismuth, axit boric... Colchicine mà các bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh gút, đôi khi cũng có thể gây ra rụng tóc trong giai đoạn phát triển.
Như vậy, paroxetine mà bạn dùng ảnh hưởng đến tóc trong giai đoạn telogen. Mọi người thường mất ít nhất 100 sợi tóc pha telogen mỗi ngày. Tuy nhiên, một số tác nhân gây căng thẳng, chẳng hạn như sốt, mất cân bằng dinh dưỡng và một số loại thuốc có thể khiến số tóc có thể rụng nhiều hơn.
Các dấu hiệu nhận biết rụng tóc sớm như: Nhận thấy tóc rụng trên gối, khi chải đầu tóc rụng mắc vào lược, rụng nhiều hơn bình thường...
Cách tốt nhất để điều trị rụng tóc do thuốc là ngừng dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng dùng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ, nhất là việc điều trị bệnh trầm cảm của bạn. Vì đây là bệnh cần điều trị lâu dài. Trong điều trị trầm cảm, thông thường khi điều trị đã đạt kết quả, thì vẫn phải được duy trì điều trị ít nhất là 6 tháng, có theo dõi chặt chẽ để đảm bảo đạt được sự ổn định và đề phòng tái phát. Vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng này, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của thuốc. Nếu thấy cần thiết bác sĩ sẽ giảm liều hoặc thay thế thuốc khác ít gây rụng tóc hơn. Hầu hết, tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại một vài tháng sau khi ngừng dùng thuốc.