Các loại rụng tóc
Mặc dù nhiều loại thuốc được ghi nhận có liên quan với tình trạng rụng tóc, nhưng mối quan hệ nhân quả thực sự chỉ được chứng minh với một số loại thuốc. Tùy thuộc vào loại thuốc, liều dùng của thuốc và tính nhạy cảm của người bệnh, thuốc có thể gây rụng tóc kiểu telogen, kiểu anagen, rụng tóc từng đám hoặc kiểu phối hợp. Rụng tóc do thuốc thường hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc, tuy nhiên, một số ít trường hợp có thể gây rụng tóc vĩnh viễn.
Telogen là kiểu rụng tóc thường gặp nhất gây ra do thuốc, đặc trưng bởi tình trạng tăng rụng tóc hằng ngày do tăng tỷ lệ tóc trong giai đoạn ngưng phát triển và bị gãy rụng. Rụng tóc thường xảy ra sau khi dùng thuốc khoảng 3 tháng, số lượng tóc rụng hằng ngày tăng lên và có thể đi kèm với dị cảm hoặc đau da đầu. Số lượng tóc rụng hằng ngày thường dao động trong khoảng 100 - 150 sợi, rụng tóc mức độ nặng với khoảng 200 - 300 sợi mỗi ngày tương đối ít gặp và hầu hết liên quan với các hóa chất chống ung thư, interferon, thuốc diệt virut và heparin.
Rụng tóc kiểu anagen đặc trưng bởi tình trạng rụng tóc lan tỏa do thuốc gây kìm hãm sự phát triển của tóc hoặc làm hư hại các sợi tóc đang trong giai đoạn phát triển, chủ yếu gặp sau dùng các thuốc gây độc tế bào và thường có liên quan với rụng tóc kiểu telogen. Rụng tóc kiểu anagen thường cấp tính và nặng, có thể gây mất toàn bộ tóc, lông mi, lông mày.
Trường hợp rụng tóc lan tỏa vĩnh viễn sau dùng thuốc do nang tóc bị phá hủy tương đối hiếm gặp, hầu hết là do sử dụng busulphan hoặc sau chiếu xạ để điều trị u.
Một số loại thuốc gây rụng tóc
Các thuốc chống đông: Rụng tóc kiểu telogen là một tác dụng phụ thường gặp của các thuốc chống đông, xảy ra ở gần một nửa số bệnh nhân sử dụng liều cao heparin và các dẫn xuất coumarin.
Các thuốc chống ung thư: Rụng tóc là tác dụng phụ trên da thường gặp nhất của các thuốc chống ung thư. Mức độ và tần suất xuất hiện của rụng tóc tăng lên khi dùng phối hợp đồng thời nhiều loại thuốc. Mức độ nhạy cảm đối với tác dụng gây rụng tóc của các thuốc chống ung thư có sự khác biệt lớn giữa các cá thể. Ví dụ, mức độ rụng tóc với cùng một phác đồ điều trị hoặc liều khởi đầu gây rụng tóc của mỗi loại thuốc là khác nhau giữa các bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân bắt đầu rụng tóc sau đợt hóa trị liệu thứ nhất hoặc thứ hai, tức là khoảng 4 - 8 tuần sau điều trị. Tóc thường mọc lại rất nhanh sau khi ngưng điều trị nhưng hình dạng và màu sắc của tóc có thể thay đổi.
Các thuốc diệt virut: Indinavir có thể gây rụng tóc kiểu telogen và mất tóc từng mảng ở khoảng 10% số bệnh nhân dùng thuốc, ngoài ra, lông ở chân, vai, ngực, nách và mu cũng thường bị rụng. Phối hợp điều trị indinavir với ritonavir có thể gây rụng tóc mức độ nặng do ritonavir làm tăng nồng độ của indinavir trong máu. Ngoài ra, dùng phối hợp giữa lopinavir với ritonavir cũng có thể gây rụng tóc trong một số trường hợp.
Thuốc tránh thai: Ngưng dùng đột ngột các thuốc tránh thai chứa estrogen thường gây rụng tóc kiểu telogen vì estrogen làm kéo dài giai đoạn phát triển của tóc và đồng bộ hóa chu kỳ phát triển của tóc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sau 3-5 tháng dùng thuốc tránh thai dạng uống đã xảy ra tình trạng rụng tóc thoáng qua.
Các thuốc ức chế miễn dịch: Rụng tóc là biến chứng thường gặp nhất trong điều trị chống thải ghép với thuốc tacrolimus đường uống, xảy ra trong khoảng 28% các trường hợp dùng thuốc. Biến chứng này cũng được ghi nhận sau điều trị với một số thuốc ức chế miễn dịch khác như mycophenolate mofetil và leflunomide.
Interferon: Rụng tóc xảy ra ở gần một nửa số bệnh nhân dùng interferon, không liên quan với liều dùng và có thể hồi phục sau khi ngưng điều trị. Một số trường hợp tình trạng rụng tóc có thể hồi phục ngay cả khi tiếp tục điều trị. Sự thay đổi hình dạng và màu sắc của tóc cũng được ghi nhận sau dùng interferon.
Các thuốc tâm thần kinh: Lithium gây rụng tóc ở gần 20% trường hợp dùng thuốc kéo dài, nguyên nhân có thể do thuốc gây suy tuyến giáp dẫn đến rụng tóc. Valproic acid cũng có thể gây rụng tóc ở khoảng 12% số người dùng thuốc, mức độ rụng phụ thuộc liều dùng của thuốc. Fluoxetine, một thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin cũng được ghi nhận có thể gây rụng tóc kiểu telogen, thường xảy ra sau khi bắt đầu dùng thuốc một vài tháng.
Vitamin A và các dẫn xuất retinoid: Liều cao của vitamin A có thể gây rụng tóc, nhưng thường ở mức độ nhẹ. Dùng phối hợp với vitamin E có thể làm tăng độc tính của vitamin A. Các dẫn xuất của vitamin A như acitretin và isotretinoin có thể gây rụng tóc ở một tỷ lệ khá lớn số người dùng thuốc, mức độ rụng phụ thuộc liều dùng và có thể ảnh hưởng đến lông ở các vị trí khác.
Bên cạnh những thuốc kể trên, nhiều loại thuốc khác cũng được ghi nhận có thể gây rụng tóc ở một tỷ lệ nhỏ số người dùng thuốc, ví dụ thuốc levodopa trong điều trị bệnh Parkinson, tamoxifen trong điều trị ung thư vú…