Hà Nội

Rụng tóc do đái tháo đường: Nguyên nhân và cách khắc phục

02-03-2020 13:14 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bệnh đái tháo đường là một rối loạn chuyển hóa mạn tính mà hệ quả là nồng độ insulin trong máu cao bất thường sẽ gây tổn hại cho các cơ quan và mô cơ thể khác nhau.

Nồng độ insulin cao hơn cũng có thể dẫn đến rụng tóc.

Tại sao bệnh đái tháo đường gây rụng tóc?

Vấn đề tuần hoàn: Những người mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Lượng đường trong máu cao gây suy yếu hệ tuần hoàn, phản ứng hóa học với các tế bào hồng cầu, tạo ra huyết sắc tố glycosyl hóa. Phiên bản sửa đổi này của huyết sắc tố làm cho các tế bào hồng cầu thay đổi hình dạng và hoạt động bất thường. Huyết sắc tố glycosylated thiếu linh hoạt bị kẹt khi đi vào mao mạch, các mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể. Điều này sẽ dẫn đến các vấn đề tuần hoàn, nếu xảy ra trong các mao mạch cung cấp máu cho nang lông, nang tóc sẽ chết, gây rụng tóc.

Bất thường nội tiết: Bệnh ĐTĐ làm gián đoạn hoạt động của hệ thống nội tiết, bao gồm nhiều loại hormon kiểm soát nhiều chức năng trong cơ thể. Lượng đường trong máu cao làm gián đoạn hoạt động bình thường của các hormon này dẫn đến các biến chứng trong đó có rụng tóc. Trong trường hợp khi bệnh ĐTĐ được kiểm soát, nồng độ androgen sẽ trở về bình thường, tóc sẽ mọc trở lại.

Rối loạn tự miễn: Rối loạn tự miễn là các bệnh mạn tính đặc trưng bởi sự tấn công của hệ thống miễn dịch đến các mô khỏe mạnh do nhiều lý do. Bệnh ĐTĐ có thể có ảnh hưởng gián tiếp gây rụng tóc ở những bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn tự miễn. Đó là vì hệ thống miễn dịch có thể tấn công các tế bào beta sản xuất insulin từ tuyến tụy, làm tăng mức đường trong máu. Khi các nang tóc bị tấn công dẫn đến rụng tóc và thậm chí hói.

Rụng tóc là biến chứng khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.

Rụng tóc là biến chứng khá phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường.

Một số nguyên nhân gây rụng tóc khác ở bệnh nhân ĐTĐ:

Căng thẳng về thể chất: Bệnh ĐTĐ có tác động lớn đến toàn bộ cơ thể dẫn đến căng thẳng về thể chất, làm gián đoạn hoạt động bình thường của nang tóc và chu kỳ phát triển của tóc.

Căng thẳng cảm xúc: Vì bệnh ĐTĐ là một bệnh mạn tính cần kiểm tra đường huyết thường xuyên, dùng thuốc hoặc tiêm insulin trong suốt quãng đời còn lại, một số người gặp khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh này. Căng thẳng cảm xúc do bệnh ĐTĐ, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi được chẩn đoán có thể dẫn đến rụng tóc.

Nhiễm trùng: Do lượng đường trong máu cao, hệ miễn dịch dễ bị tổn thương hơn, người bệnh đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể can thiệp vào chu kỳ tăng trưởng tóc bình thường dẫn đến rụng tóc.

Bệnh tuyến giáp: Các vấn đề về tuyến giáp cũng phổ biến ở những người mắc bệnh ĐTĐ và gây rụng tóc.

Thuốc: Người mắc bệnh ĐTĐ cần dùng nhiều loại thuốc khác nhau trong suốt quãng đời còn lại để duy trì mức đường trong máu bình thường. Một vài loại thuốc có thể gây rụng tóc ở một số bệnh nhân.

Giảm cân nhanh chóng: Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng đối với bệnh nhân ĐTĐ. Điều này có thể dẫn đến giảm cân đáng kể. Giảm cân quá  nhanh do chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên có thể dẫn đến rụng tóc ở một mức độ nào đó.

Thiếu kẽm: Bệnh nhân ĐTĐ thường bị thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc khỏe mạnh.

Làm thế nào để đối phó với rụng tóc?

Rụng tóc là một điều không ai mong muốn, quan trọng là phải biết nguyên nhân thực sự của nó và được điều trị đúng. Đôi khi rụng tóc chỉ là tạm thời. Trong các trường hợp khác, nó có thể là vĩnh viễn dẫn đến hói đầu. Các phương pháp điều trị rụng tóc phổ biến bao gồm:

Dinh dưỡng: Nếu bạn muốn có mái tóc khỏe mạnh, bạn sẽ cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu hụt một số chất như kẽm, sắt, đồng... có thể dẫn đến rụng tóc vì những chất dinh dưỡng này rất quan trọng trong quá trình tóc phát triển.

Một số loại tinh dầu như tinh dầu bưởi, hoa oải hương, húng tây, hương thảo hoặc gỗ tuyết tùng được cho là có tác dụng giúp mọc tóc và bạn có thể thử dùng.

Các loại thuốc như finasteride, minoxidil để điều trị rụng tóc. Nhưng hãy nhớ rằng cả 2 loại thuốc này đều có tác dụng phụ. Finasteride chỉ dành cho nam giới. Tác dụng của các loại thuốc này tùy thuộc từng người.

Phương pháp điều trị bằng laser có xu hướng kích thích các nang tóc dẫn đến mọc lại tóc. Kết quả của phương pháp điều trị bằng laser khác nhau tùy từng người.

Phẫu thuật phục hồi hoặc cấy tóc có thể là lựa chọn cho những người rụng tóc nghiêm trọng. Các tác dụng phụ của các phương pháp điều trị này là có thể nhiễm trùng, để sẹo... và khá tốn kém.

Một số mẹo chăm sóc tóc mỏng thưa

Nếu tóc mỏng và bạn muốn thúc đẩy sự phát triển của tóc hoặc làm cho nó trông dày hơn thì có thể cắt kiểu tóc ngắn không quá vai; Tránh buộc tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím tóc vì có thể gây tổn thương cho những sợi tóc vốn mỏng và yếu; Tránh sấy tóc hoặc uốn tóc; Sử dụng lược thưa để chải tóc; Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc; Tránh cho tóc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gió hoặc clo; Giảm căng thẳng; Ngủ ngon; Tập thể dục thường xuyên; Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh.


BS. Hoàng Duy
Ý kiến của bạn