Rụng tóc có thể là triệu chứng báo hiệu bệnh đái tháo đường

20-08-2022 09:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Barbie Cervoni - một chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia giáo dục và chăm sóc bệnh đái tháo đường cho biết, một trong những triệu chứng tinh vi của bệnh có thể là rụng tóc.

Rụng tóc có thể là triệu chứng báo hiệu bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Một số vấn đề do bệnh đái tháo đường gây ra có thể dẫn đến rụng tóc

Rụng tóc là một vấn đề phổ biến. Gần một nửa số nam giới và phụ nữ sẽ gặp phải vấn đề này khi họ ngày càng lớn tuổi.

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ có ảnh hưởng nhất đối với việc rụng tóc, tuy nhiên di truyền cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng.

Song, còn có thể có một tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn đằng sau tình trạng rụng tóc của bạn – đó là bệnh đái tháo đường – vốn đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới và cần được quản lý suốt đời.

Đái tháo đường còn có thể gây ra một số biến chứng gây chết người, bao gồm bệnh tim, tổn thương thận, đau tim và đột quỵ, các vấn đề về thị lực và ung thư.

"Một số vấn đề do bệnh đái tháo đường gây ra có thể dẫn đến rụng tóc, bao gồm rối loạn hệ thống miễn dịch được gọi là rụng tóc từng vùng, tuần hoàn kém và lượng đường trong máu cao. Trong đó, rụng tóc thường liên quan đến bệnh đái tháo đường loại 1 hoặc loại 2" – bà Cervoni cho hay.

Bệnh đái tháo đường loại 1 là khi tuyến tụy không thể sản xuất insulin - hormone mang đường từ thức ăn đến các tế bào cơ thể. Loại 2 là khi cơ thể không sử dụng insulin đúng cách (kháng insulin), vì vậy cần một lượng insulin lớn hơn để quản lý lượng đường.

Bệnh đái tháo đường loại 2 là dạng bệnh phổ biến hơn - chiếm từ 85 đến 95% tổng số trường hợp mắc bệnh. Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường loại 2 trong nhiều năm mà không nhận ra vì các triệu chứng ban đầu có thể khó phát hiện.

Bệnh đái tháo đường gây rụng tóc như thế nào?

Chuyên gia Cervoni cho biết những người mắc bệnh đái tháo đường loại 1 có nhiều nguy cơ phát triển các rối loạn tự miễn dịch khác.

Bà Cervoni khẳng định: "Một trong những trường hợp phổ biến nhất là rụng tóc từng mảng. Điều này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các nang tóc, dẫn đến rụng tóc từng mảng trên da đầu và các bộ phận khác của cơ thể".

Rụng tóc từng mảng có khả năng dẫn đến rụng tóc toàn bộ da đầu. Tình trạng này xảy ra khi các tế bào bạch cầu tấn công các tế bào trong nang tóc, khiến chúng co lại và làm chậm quá trình sản xuất tóc.

Chuyên gia Cervoni cho biết thêm việc tăng đường huyết là một nguyên nhân khác gây rụng tóc ở bệnh đái tháo đường. Tăng đường huyết là khi lượng đường trong máu của người bệnh  vẫn tăng cao trong một thời gian dài.

Tạp chí chuyên khoa y tế NHS Inform cho biết tình trạng rụng róc có thể xảy ra ở những người bị đái tháo đường chưa được chẩn đoán bệnh. Cụ thể, lượng đường trong máu cao liên tục có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ, làm gián đoạn lưu lượng máu và chất dinh dưỡng đến nang tóc. Do đó, việc tăng đường huyết khiến tóc mỏng, tóc dễ gãy, rụng nhiều hoặc giảm tốc độ mọc tóc.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy bệnh tiểu đường loại 2 có liên quan đến việc tăng nguy cơ rụng tóc vùng da đầu nghiêm trọng ở phụ nữ da đen. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng phụ nữ da đen mắc bệnh đái tháo đường loại 2 nên được theo dõi chặt chẽ về tình trạng rụng tóc ở khu vực trung tâm da đầu để có thể đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

"Vì lượng đường trong máu tăng cao có liên quan đến sự gián đoạn mạch máu, lưu thông kém và mất cân bằng nội tiết tố, nên việc duy trì lượng đường trong máu ở mức bình thường có thể góp phần ngăn ngừa rụng tóc" - chuyên gia Cervoni giải thích.

Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể bị tăng đường huyết khi bị kích hoạt bởi căng thẳng, bệnh tật, ăn quá nhiều, không tập thể dục và thiếu thuốc điều trị.

Tìm ra thủ phạm số 1 gây bệnh tiểu đườngTìm ra thủ phạm số 1 gây bệnh tiểu đường

SKĐS - Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), 37,3 triệu người ở Mỹ mắc bệnh tiểu đường (11,3% dân số) và 96 triệu người bị tiền tiểu đường (38,0% dân số trưởng thành).


Hà Anh (Theo The Sun)
Ý kiến của bạn