Theo ước tính, cháy rừng buổi sáng 8/7 đã thiêu rụi gần 2 ha rừng thông trên 40 năm tuổi và keo lá tràm. Vụ cháy xẩy ra trên đồi cao, lại gặp gió to nên các lực lượng gặp rất nhiều khó khăn trong việc dập lửa. Sau hơn 2 giờ đồng hồ sử dụng các phương tiện từ thô sơ đến hiện đại, đám cháy đã được dập tắt.
Vào khoảng 20h30" ngày 8/7, đám cháy tại khu vực núi Nầm, xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại tiếp tục bùng phát dữ dội. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ cùng người dân di chuyển đồ đạc, tài sản và người ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Mặc dù lực lượng chữa cháy khá đông nhưng do địa hình đồi núi dốc, cháy vào ban đêm nên rất khó khăn trong việc mở đường băng cản lửa, khống chế đám cháy.
Các lực lượng công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ, cùng người dân hai xã Sơn Châu và Sơn Thủy đã được huy động tham gia dập lửa. Một số người dân sống dưới chân núi Nầm cũng đã được các lực lượng chức năng sơ tán để đảm bảo an toàn.
Đến rạng sáng 9/7, đám cháy cơ bản được khống chế.
Cháy rừng bùng phát tối 8/7.
Bảo vệ lưới điện khỏi đám cháy rừng
Vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh cũng đã gây ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, đe dọa đến đường dây 110 kV từ Thủy điện Hương Sơn - Linh Cảm; đường dây 35 kV cấp điện cho trung tâm huyện Hương Sơn và các xã: Sơn Diệm, thị trấn Phố Châu, Sơn Phú, Sơn Bằng, Sơn Trung,...
Lưới điện hạ thế ở của khu vực khu dân cư nằm sát rừng cũng nằm trong diện phải cắt điện tạm thời để đảm bảo an toàn.
Sáng 8/7, Điện lực Hương Sơn đã huy động 20 cán bộ công nhân viên kịp thời có mặt phối hợp với chính quyền địa phương, công an, lực lượng phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, báo cáo Công ty Điện lực Hà Tĩnh để thực hiện cấp điện mạch vòng từ các huyện Đức Thọ, Vũ Quang về cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là ở trung tâm huyện Hương Sơn.
Sau đó, Điện lực Hương Sơn cũng đã đóng điện trở lại cho tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng.
Đến khoảng 22h đêm 8/7, đám cháy rừng ở khu vực Núi Nầm thuộc hai xã Sơn Châu và Sơn Thủy (huyện Hương Sơn) lại bùng phát dữ dội. Ngành điện đã phối hợp với lực lượng chức năng phun nước khu vực xung quanh các cột điện gần bìa rừng để bảo vệ lưới điện.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Điện lực Hương Sơn (Công ty Điện lực Hà Tĩnh) cho biết, khi ngọn lửa còn cách đường dây điện hạ thế khoảng 10 m, lực lượng chức năng đã điều xe cứu hỏa tới phun nước khu vực xung quanh các cột điện. Cùng với sự hỗ trợ của rất đông người dân trong khu vực, lưới điện đã được đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Dũng, dưới hành lang đường dây 110 kV và 35 kV, cây cối gần như đã bị cháy hết. Đáng lo ngại nhất hiện nay là đường dây điện hạ thế. Đây là khu vực sát nhà dân nên nguy cơ bị ảnh hưởng rất cao nếu cháy rừng trở lại.
Do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, đám cháy rừng có thể bùng phát trở lại bất kì lúc nào. Do đó, Điện lực Hương Sơn vẫn bố trí lực lượng ứng trực, nhằm xử lý nhanh nhất các sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn cho lưới điện và người dân.
Công nhân Điện lực thu gom các đường dây điện có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đám cháy.
Theo Thống kê của Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh trong 6 tháng đầu năm 2019, trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, tổng số diện tích rừng bị thiệt hại ước tính 71,41ha.
Trước đó, do nắng nóng kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp, tại các tỉnh miền Trung đã có hàng trăm điểm bùng phát cháy rừng, trong đó có 15 vụ cháy gây thiệt hại hàng trăm ha rừng.
Cụ thể, cả nước đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, số vụ cháy rừng tăng 61 vụ (tăng 64%) so với cùng kỳ năm 2018, diện tích rừng bị cháy 930ha, tăng 705ha (hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2018).
Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26/6 đến ngày 01/7 trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên.
Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293ha (có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại).