Hai Phiếm buồn lắm:
- Chỉ một trận lũ quét thôi mà đoạt mạng đến 8 người và làm mất tích hơn 23 người ở hai huyện Mường La (Sơn La) và Mù Cang Chải (Yên Bái) vào rạng sáng 3/8!
- Chả riêng Sơn La, Yên Bái, cứ vào mùa mưa lũ là sạt lở nặng, ngập to và kéo dài, làm chết người trong nhiều năm gần đây!
- Sao “ông trời” ác vậy?
- Chả có ông trời nào sất mà chỉ do các ông “con trời” gây ra! Đó là hậu quả nhãn tiền của tình trạng phá rừng đầu nguồn. Rừng có chức năng giữ nước, cân bằng sinh học, xưa “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, nay rừng đã bị phá rỗng ruột, hễ mưa xuống là bao nhiêu nước đổ tuột hết về đồng bằng, nói thiên tai cũng đúng mà gọi nhân tai cũng chẳng sai.
- Đúng là nạn phá rừng hầu như không được kiểm soát, như Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh nói: “Tôi đi cả nước thấy rằng về cơ bản rừng đã phá hết rồi do nạn phá rừng, có lãnh đạo còn nói là đi nhìn bên ngoài xanh tốt nhưng bên trong viêm đại tràng nặng, vì cây quý ở trong bị rút hết”.
- Nhưng “từ rừng về thành phố” có bao nhiêu trạm kiểm soát mà sao lâm tặc qua được hết nhỉ?
- Lâm tặc lén lút phá rừng để lấy gỗ bán rồi các chủ đầu tư công khai phá rừng để làm thủy điện. Cả hai đều là kẻ thù trực tiếp của nền kinh tế và đời sống người dân ở hạ lưu.
- Ờ ờ… Hàng trăm thủy điện lớn nhỏ trên những vùng cao vì quản lý - điều hành kém và thường xuyên làm sai nguyên tắc vì chạy theo lợi nhuận. Nhiều khi kiếm cớ làm thủy điện để “kiếm” gỗ quý!
- Rõ là những đợt lũ quét hay những trận ngập lụt gây chết người, thiệt hại tài sản thời gian qua và hôm nay gây thiệt hại nhỡn tiền mà còn là tiền đồ của đất nước mai sau.
- Chuẩn! Một quốc gia không thể phát triển, thậm chí không thể trụ vững nếu cứ ăn bám vào tài nguyên khoáng sản. Mà “ăn của rừng” thì “rưng rưng nước mắt”, như chúng ta đã thấy!