Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, dấu hiệu phát hiện sớm cơn đột quỵ

26-07-2023 19:55 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Đột quỵ là một trong những biến chứng nặng nề nhất của rung nhĩ - căn bệnh dự đoán sẽ có ít nhất 72 triệu người mắc vào năm 2050.

Rung nhĩ - một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây trên toàn thế giới. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Hiện tại, ở Châu Âu cứ 3 người trên 55 tuổi có 1 người bị rung nhĩ.

Dự đoán đến năm 2050, số lượng người mắc rung nhĩ tiếp tục gia tăng thêm khoảng 23%, riêng tại Châu Á dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và có 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.

Hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề, nó không chỉ ảnh hưởng tới bệnh tật, tử vong mà còn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. So với người không bị rung nhĩ, người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần. Rung nhĩ gây ra 20-30% ca tai biến mạch não và làm giảm chất lượng cuộc sống của 60% bệnh nhân. Ngoài ra, rung nhĩ làm tăng nguy cơ suy tim, trầm cảm và làm tăng khả năng phải nhập viện để điều trị.

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, dấu hiệu phát hiện sớm cơn đột quỵ - Ảnh 1.

Rung nhĩ nguy cơ gây đột quỵ não gấp 5 lần.

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là bệnh lý gây ra do các rối loạn về điện học trong tim, hậu quả hai tâm nhĩ (hai buồng ở phía trên tim) co bóp không đều, dẫn đến tim bơm máu ra ngoài không hiệu quả, lượng máu bị tồn đọng lại trên hai tâm nhĩ tạo cục máu đông. Cục máu đông này di chuyển trong hệ tuần hoàn, đến bất cứ nơi đâu trong cơ thể, nhưng nặng nề nhất, cục máu đông di chuyển đến não, gây đột quỵ thiếu máu não - hay còn gọi là nhồi máu não.

Rung nhĩ gia tăng theo tuổi và có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành, …. ¼ số bệnh nhân trên 40 tuổi bị đột quỵ là do rung nhĩ. Những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với những bệnh nhân không có.

Đột quỵ do rung nhĩ thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, dẫn đến chi phí chăm sóc và điều trị gia tăng. 20 năm qua, tỷ suất đột quỵ ở Việt Nam tăng đáng kể từ 213,58/100.000 người/năm (1990) lên đến 254,78/100.000 người/năm (2010). Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong.

Triệu chứng của đột quỵ biểu hiện qua FAST:

Face (mặt) - Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

Arms (tay) - Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?

Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Rung nhĩ hay gặp ở những người nào?

Các nhà khoa học thấy rằng nam giới cao tuổi là những yếu tố làm gia tăng khả năng mắc rung nhĩ.

Ngoài ra, người bệnh có các tình trạng bệnh lý như bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tình trạng bệnh lý viêm, béo phì, chứng tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu/bia, rối loạn lipid máu, lười vận động, tình trạng bệnh lý cấp tính… cũng là các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc rung nhĩ.

Tại sao rung nhĩ lại làm tăng nguy cơ đột quỵ?

Đột quỵ là một trong những biến chứng nặng nề nhất của rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ, các thớ cơ tâm nhĩ không co bóp nhịp nhàng và dần dần bị giãn ra. Buồng tâm nhĩ giãn ra kết hợp với sự co bóp không đồng đều giữa các vùng cơ tâm nhĩ khác nhau làm cho dòng máu chảy từ tâm nhĩ xuống tâm thất không được nhịp nhàng từ đó dễ hình thành các cục máu đông trong tâm nhĩ.

Khi các cục máu đông trong tâm nhĩ này được tạo ra và trôi theo dòng máu, nó sẽ có nguy cơ gây ra tắc mạch. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới não, động mạch não sẽ bị tắc và gây ra tai biến mạch não hoặc đột quỵ não. Nếu cục máu đông trôi theo dòng máu tới động mạch vành sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim. Nếu cục máu đông đi theo dòng máu tới động mạch chi, nó sẽ gây tắc động mạch chi…

Đột quỵ do rung nhĩ có liên quan đến một số yếu tố gia tăng khả năng hình thành cục máu đông như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, lớn tuổi (trên 65 tuổi), bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu ngoại biên, có tiền sử đột quỵ hoặc huyết khối tắc mạch. Nguy cơ đột quỵ được đánh giá dựa vào thang điểm CHA2DS2-VASc.

Khi thang điểm trên từ 2 điểm, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc chống đông để dự phòng đột quỵ. Người bị rung nhĩ có thang điểm này càng cao thì nguy cơ mắc các biến cố tắc mạch càng lớn. Các bác sĩ cũng sử dụng thang điểm này để đánh giá xem người bệnh đã cần sử dụng thuốc chống đông hay chưa và loại thuốc chống đông nào phù hợp nhất.

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, dấu hiệu phát hiện sớm cơn đột quỵ - Ảnh 3.

Thuốc chống đông giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ.

Thuốc chống đông là loại thuốc kéo dài thời gian đông máu, từ đó ngừa sự hình thành cục máu đông xuất hiện trong buồng tim. Nói một cách dễ hiểu, người ta còn gọi là thuốc “loãng máu”, tuy rằng thật sự máu không được làm loãng đi. Sử dụng thuốc chống đông sẽ giúp bệnh nhân rung nhĩ giảm 50-70% nguy cơ mắc đột quỵ. Thuốc chống đông gồm 2 loại: thế hệ “cũ” - kháng vitamin K và thế hệ “mới”.

Thuốc kháng vitamin K có một số tên thường dùng trên thị trường: acenocoumarol, coumadin... Việc sử dụng kháng vitamin K giảm đến 60% nguy cơ đột quỵ tuy nhiên có nhiều bất lợi khi sử dụng nhóm thuốc này như: Khoảng điều trị hiệu quả hẹp, nguy cơ chảy máu tăng, tương tác với thức ăn, liều sử dụng thay đổi, cần xét nghiệm máu nhiều lần để điều chỉnh liều, do vậy hiệu quả kháng đông thường không ổn định.

Thuốc chống đông thế hệ “mới” gồm một số loại sẵn có tại Việt Nam: Rivaroxaban, dabigatran, Apixaban và Edoxaban những loại này có tác dụng dự phòng đột quỵ tốt hơn khoảng 20% so với nhóm kháng Vitamin K và đã khắc phục được những nhược điểm của loại kháng vitamin K: không cần xét nghiệm thường xuyên, liều dùng cố định, ít tương tác với đồ ăn...

Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ đột quỵ, chúng ta cần tuân thủ các hướng dẫn chung: tuân thủ sử dụng thuốc theo toa, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu tốt…

Như vậy, rung nhĩ là một rối loạn nhịp nhĩ thường gặp với số lượng người mắc trên thế giới có xu hướng ngày càng cao. Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nguy cơ mắc rung nhĩ như nam giới, tuổi cao, bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim, bệnh thận mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… Biến cố tắc mạch trong đó có đột quỵ là một biến cố thường gặp nhưng rất nặng nề của người bệnh rung nhĩ. Người bệnh rung nhĩ cần được thăm khám y tế, đánh giá nguy cơ tắc mạch và được điều trị phù hợp để giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.
Rung nhĩ làm tăng nguy cơ mất trí nhớRung nhĩ làm tăng nguy cơ mất trí nhớ

SKĐS - Mới đây, các nhà khoa học Thụy Điển cho biết, những người bị rung nhĩ (AF) - một loại rối loạn nhịp tim có thể bị suy giảm nhanh hơn về khả năng nhận thức như tư duy và kỹ năng ghi nhớ, có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn những người không mắc bệnh này.


PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, TS.TS Phạm Trần Linh
Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn