Câu chuyện về những người trẻ tuổi ở Nhật Bản những năm 1960 đi tìm ý nghĩa đích thực cuộc sống chứa chan biết bao cảm xúc. Người xem như được thăng hoa, được gột rửa và được tái sinh…
Không phải câu chuyện tình yêu tay ba thông thường, cách mà các nhân vật đến với nhau, đến với tình yêu hay phải rời xa nhau được miêu tả đầy sống động và tinh tế. Vào đêm sinh nhật của Naoko, cô thèm khát Watanabe và họ đến với nhau. Khi biết Naoko còn trinh, Watanabe hỏi vì sao Naoko và Kizuki chưa quan hệ khi họ đã yêu nhau. Câu hỏi đụng đến nỗi đau tột cùng, cũng trở thành nỗi ám ảnh triền miên đối với Naoko. Nỗi mặc cảm và day dứt khiến Naoko phải tìm đến trung tâm điều dưỡng… Lúc đó, cô mới thú thật nỗi đau thầm kín với Watanabe. Cô và Kizuki đã quan hệ với nhau bằng tay, bằng miệng. Và cô đề nghị làm điều đó với Watanabe khi hai người gần gũi nhau...
Một cảnh trong phim Rừng Na Uy. |
Yếu tố tính dục có thể hiểu là những trải nghiệm của Watanabe trong quá trình tìm đến bản ngã đích thực. Anh cũng có những phút vui vẻ với gái mại dâm, thậm chí đổi bạn tình với người bạn thân... Tất cả đều được kể ra, thẳng thắn và thành thực, cho người cần được nghe. Những người trẻ tuổi ấy đối diện với tình dục như một phần tất yếu của cuộc sống. Họ nói về điều đó và làm điều đó bởi cảm xúc tột cùng và sâu thẳm của tình yêu, của sẻ chia… chứ không chỉ ham muốn xác thịt hay cảm xúc tức thời. Đạo diễn Trần Anh Hùng, bằng sự tinh tế, nhạy cảm của trái tim Việt Nam, đã thể hiện những triết lý này bằng hình ảnh đầy cảm xúc khiến người xem thăng hoa và nức nở cùng nhân vật... Không chỉ những cảm xúc tình dục, thế giới tình cảm phong phú của con người được bộc lộ, lúc mê say nhiệt thành mãnh liệt, lúc hoang vắng xót xa và cả những khoảng trống vô bờ trong lòng mà không sao lấp đầy…
Rừng Na Uy do Trần Anh Hùng chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Anh đã vượt qua thách thức khi diễn tả bằng hình ảnh sự cô đơn đến trống rỗng, những cảm xúc vô định đến hoang tưởng của con người không chỉ bằng những khung cảnh mênh mông với màu xanh ngút ngàn của những đồng cỏ trải dài, những cánh rừng ngút mắt, của những vùng đất phủ mờ tuyết trắng... mà còn bằng những thể hiện cảm xúc của nhân vật khắc chạm vào trái tim người xem trong hành trình cùng nhân vật lang thang đi tìm cái tôi đã mất.
Câu chuyện thật gần gũi và ý nghĩa với người xem hôm nay, dù được đặt trong bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 1960 đầy biến động với cuộc đấu tranh giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, giữa cái cũ và cái mới… Có lẽ chân dung những người trẻ tuổi với nhiều mê đắm, thăng hoa, lạc lối và cả những bi kịch xót xa thì ở thời nào cũng có. Và khi những nhà làm phim chạm đến tận cùng cảm xúc của người xem thì khán giả ở bất kỳ đâu hay thời đại nào đều có thể nức nở…
Âm nhạc là một trong nhiều điểm nhấn làm nên thành công của tác phẩm điện ảnh Rừng Na Uy. Điểm mạnh trong âm nhạc của Jonny Greenwood là sự phong phú, hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại. Điều này sẽ tạo điều kiện mở rộng cảm quan và thế giới tinh thần của bộ phim. Các nhân vật trong Rừng Na Uy thường rơi vào trạng thái tâm lý phức tạp, mâu thuẫn, âm nhạc vừa dịu dàng vừa da diết sẽ gợi mở cho khán giả khám phá chiều sâu của tâm lý nhân vật. Sự cầu kỳ của đạo diễn trong việc ghi những thanh âm của tiếng suối chạy tự nhiên, tiếng róc rách của nước, tiếng bước chân nhẹ trong gió sẽ là những điểm nhấn cho sự thăng hoa cảm xúc của bộ phim được mong chờ suốt 2 năm qua.
Từ 31/12/2010, Rừng Na Uy sẽ ra mắt khán giả Việt Nam.
Mai Chi