Rùng mình với hình ảnh rận ký sinh ở bộ phận sinh dục “chui” lên mí mắt bé gái

09-05-2019 07:42 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Bé gái đến phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Ký sinh trùng và Côn trùng TP.HCM với tình trạng sưng tấy, đỏ kèm theo ngứa vùng quanh mắt. Qua thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán bị rận mu kí sinh quanh mi mắt.

Đây là một trường hợp điển hình bị rận mu sống chủ yếu ở bộ phận sinh dục tấn công lên mắt.

Theo Bs. Nguyễn Bá Nam, Phòng khám Chuyên khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng TP HCM, rận mu ký sinh bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng đối với người lớn thường thấy ở lông bộ phận sinh dục, lông mu và khu vực ven hậu môn, tóc, bụng, hố nách, râu, ria mép. Ở trẻ em thì thường thấy ký sinh ở lông mi.

Rận mu gây ngứa là các triệu chứng phổ biến nhất. Ngứa xảy ra sau 1 - 2 tuần nhiễm bệnh. Ngứa dẫn đến gãi, gãi nhiều gây ra lở loét và nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu lông mi bị nhiễm rận, kèm theo nhiễm trùng thứ cấp có thể đưa tới viêm kết mạc mụn rộp và viêm giác mạc. Sẩn đỏ ngứa là biểu hiện phổ biến nhất, ngứa nhiều vào ban đêm do sau khi nghỉ ngơi, ngủ say rận mới cào cấu da, hút máu gây ngứa, khó chịu, mất ngủ.

Rận mu được truyền qua tiếp xúc cơ thể, như hôn, quan hệ tình dục hoặc các tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Ngoài ra, Rận mu còn có thể lây qua chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm, … dùng chung.

Bs. Nam cũng cho biết, điều trị rận mu không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, việc gãi ngứa gây trầy xước da có thể dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn. Vì vậy, khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến các phòng khám chuyên khoa để khám và điều trị triệt để.

Được biết, trước đó các bác sĩ của bệnh viện cũng tiếp nhận một cháu bé 6 tuổi nhập viện với các triệu chứng trên và cũng bị rận mu tấn công vùng mí mắt.

Rận mu ký sinh trùng trên mí mắt bé gái

Rận mu có kích thước 0,8 - 1,2 mm. Đầu của rận mu là đầu giả (Gnathosoma), ngắn và nằm trong một lõm ngực rận. Ngực của rận có bề ngang lớn và dính liền với bụng thành một khối. Chúng có 6 chân, cuối chân là móng vuốt.

Theo GS. Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng bộ môn ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội, Rận sống chủ yếu trên cơ quan sinh dục, trứng dài 0,6 - 0,8mm, dính vào lông, tóc hay sợi vải nhờ chất keo. Trứng đẻ ra môi trường, thường đẻ trứng ở gốc lông sau một tuần nở thành ấu trùng, ấu trùng lột xác 3 lần trong vòng hai tuần thì trưởng thành. Trong suốt cuộc đời rận đẻ khoảng 50 trứng, vòng đời khoảng một tháng

Đây là loài côn trùng có chu kỳ phát triển nội sinh tức hoàn tất vòng đời ngay trên cơ thể ký chủ (con người). Rận có chu kỳ phát triển biến thái không hoàn toàn (tức ấu trùng và con trưởng thành có hình dáng không khác nhau là mấy). Rận sống được 2 ngày ở 50C không cần ăn và thường gặp ở người ở bẩn, ít tắm rửa.

HÌnh ảnh rận mu qua kính hiển vi

Khi nhiệt độ cơ thể tăng (sốt) hay giảm (lúc sắp chết), rận sẽ rời vật chủ, đi tìm vật chủ khác

Để phòng tránh loài rận này, cách tốt nhất là thường xuyên vệ sinh, tắm rửa hàng ngày để giữ cho cơ thể sạch sẽ, không cho rận mu môi trường lý tưởng để ký sinh.

Chú ý quan hệ tình dục an toàn và lành mạnh để tránh lây nhiễm bệnh. Không nên mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không quan hệ tình dục bừa bãi, không mặc quần lót chật, nhất là vào mùa nắng nóng. Vệ sinh cơ thể, đặc biệt là vệ sinh vùng kín sạch sẽ, giữ vùng kín luôn khô thoáng.

Phương pháp diệt rận hàng loạt ở khu tập thể hay gia đình bằng cách tẩm hóa chất diệt côn trùng vào chăn, màn, quần áo đem lại hiệu quả cao.

Người dân hay nhân viên y tế đi vào vùng dịch bệnh lưu hành cần mặc quần áo bảo hộ tẩm hóa chất xua, diệt côn trùng; quần áo trơn láng, bó sát cổ, cổ tay, cổ chân.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn