BS CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ thông tin đến Báo SK&ĐS, ông Đ. mắc bệnh trầm cảm được ngươi nhà đưa vào viện trong tình trạng tỉnh táo, đường kính đầu dị vật khoảng 5 mm ở đỉnh đầu bên trái gần đường giữa. Kết quả chẩn đoán hình ảnh: dị vật kim loại khoảng 3-4cm cắm vào não vùng đỉnh bên trái, cạnh xoang tĩnh mạch dọc trên.
Nhận định đây là trường hợp nghiêm trọng, thầy thuốc Khoa Ngoại Thần kinh tiến hành khám, hội chẩn phẫu thuật khẩn cấp lấy cây đinh ra.
Ê-kíp phẫu thuật gồm có BS.CKI Nguyễn Thanh Lâm, BS. Trần Duy Vũ - Khoa Ngoại Thần kinh, BS.CKII Nguyễn Thanh Liêm - Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức. Các bác sĩ tiến hành rạch da từ dị vật về 2 hướng song song đường giữa, bộc lộ sọ, khoan gặm sọ xung quanh dị vật, tiến hành lấy dị vật là cây đinh dài 4cm, mở màng cứng kiểm tra, cầm máu kỹ. Cuộc phẫu thuật kéo dài 2 giờ, bệnh nhân được "giải thoát" khỏi dị vật là chiếc đinh trên đỉnh đầu. Điều đáng nói, dị vật chỉ cách xoang tĩnh mạch 5-10mm.
Đến hôm nay bệnh nhân hồi phục tốt, tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, không sốt, không yếu liệt chi, đang được theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại Thần kinh kết hợp điều trị trầm cảm.
BS.CKII Chương Chấn Phước – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết: Đây là tai nạn rất ít gặp do bệnh nhân có chủ ý gây ra nhưng nguy hiểm đến tính mạng.
Ông Đ. rất may mắn khi cây đinh không đâm trúng các cấu trúc quan trọng của não. Đặc biệt, cây đinh nằm rất gần xoang tĩnh mạch sọ, chỉ cần lệch về bên phải 5-10mm thì tiên lượng rất nặng, khả năng phẫu thuật thất bại cao kể cả tử vong trên bàn mổ.
Dị vật xuyên não màng não là cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, tùy theo vị trí tổn thương của dị vật mà có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: yếu liệt chi, rối loạn chức năng sống, áp xe não, thậm chí nguy cơ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trường hợp bị dị vật đâm xuyên, không nên cố gắng rút dị vật ra mà nhanh chóng sơ cứu, rửa sạch và băng vết thương và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để xử trí kịp thời. Vì trong các trường hợp tổn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm thời, khi vội rút ra, bệnh nhân có thể tử vong vì chảy máu ồ ạt.
Chưa kể, rút dị vật không đúng phương pháp còn làm mạch máu, thần kinh tổn thương thêm nặng nề, gây khó khăn cho bác sĩ phẫu thuật. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ vô khuẩn bởi các bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật thần kinh, ê-kíp phẫu thuật có thể tính toán rút dị vật ra theo hướng nào và với góc bao nhiêu độ để giảm thiểu nguy cơ tổn thương mạch não và các cơ quan lân cận, nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Thông tin thêm về hoạt động của bệnh viện trong dịch COVID-19 căng thẳng ở Cần Thơ hiện nay, BS CKII Phạm Thanh Phong cho biết thêm, hoạt động của bệnh viện diễn ra bình thường. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1.300 - 1.400 bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Số bệnh nhân điều trị nội trú hiện dao động từ 800- 900 bệnh nhân.
"Bên cạnh nhiệm vụ chống dịch của Trung tâm Quốc gia điều trị COVID-19, tiếp nhận các ca nặng của cả khu vực ĐBSCL, BV luôn phải tập trung cao độ để đảm bảo nhiệm vụ điều trị cấp cứu các bệnh lý khác, kể cả các trường hợp cấp cứu kỹ thuật cao như mổ tim cấp cứu, can thiệp mạch vành cấp cứu, mạch não, chấn thương … Đồng thời đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch an toàn cần thiết nhưng thuận tiện nhất cho người dân đến khám và điều trị", BS Phong nói.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022