Rùng mình “công nghệ”chế biến bột sắn dây giả

28-06-2013 16:13 | Thời sự
google news

Theo lời Hoài, một tạ sắn tươi mua với 120 nghìn đồng sẽ chế biến được 40 kg bột. Tuy nhiên, cũng chừng ấy tiền anh có thể mua được cả tấn sắn thường.

Theo lời Hoài, một tạ sắn tươi mua với 120 nghìn đồng sẽ chế biến được 40 kg bột. Tuy nhiên, cũng chừng ấy tiền anh có thể mua được cả tấn sắn thường.
 
Rùng mình “công nghệ”chế biến bột sắn dây giả 1
 Dàn phơi bột sắn dây giả nhà anh Long.
Với công nghệ “phù phép” sắn thường thành sắn dây, người chế biến có thể đút túi của chục triệu đồng mỗi mẻ sắn ra lò. Vì lãi khủng, không ít người dân xã Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) đã nhẫn tâm dùng thuốc tẩy trắng “phù phép”, biến bột sắn thường thành bột sắn dây thơm ngon mà không để ý tới tác hại của nó tới sức khỏe người tiêu dùng.
 
Mục sở thị công nghệ làm tinh bột sắn bẩn

Kinh hoàng bột sắn tẩm bụi đường

Theo khảo sát của PV, xã Dương Liễu có trên 2.000 hộ sản xuất nông sản, trong đó có 270 hộ chế biến tinh bột sắn. Hai xã Minh Khai, Cát Quế cũng có khoảng 500 hộ làm nghề này. Đường làng, ruộng đồng, bất cứ chỗ nào trống đều trở thành sân phơi bột sắn. Hàng ngày nhiều đoàn xe tải ra vào vận chuyển hàng tấp lập cuốn theo những làn bụi bám bay mù mịt. Tuy nhiên, người dân vẫn thản nhiên phơi bột sắn mà không có sự che đậy nào cả. Những cục bột sắn ngả màu vàng vì bị tẩm bị đường.

Ô nhiễm môi trường là thực trạng chung của các làng nghề hiện nay. Ở các xã Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội), kinh đô sản xuất sắn dây lớn nhất Hà Nội cũng không phải ngoại lệ. Mấy tháng sau khi Sở Y tế Hà Nội thành lập Đoàn kiểm tra thì tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của 3 xã kể trên lại đâu vào đó. Vẫn là cảnh mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Một ngày có mặt ở nơi đây, chúng tôi cảm thấy “choáng” sau khi chứng kiến vì công nghệ chế biến sắn dây của người dân. Dọc các con đường đầy bụi bẩn, bột sắn dây sau khi sản xuất được đem phơi cạnh rãnh nước bãi rác, ngoài cánh đồng. Đường làng lênh láng nước thải chưa được xử lý bốc mùi thối hoắc, nồng nặc.

Trong vai khách hàng đi tìm mua bộ dàn máy làm bột sắn, chúng tôi được anh Hoài, chủ một cơ sở chế biến bột sắn nhỏ lẻ ở đội 7, xã Dương Liễu tiếp đón niềm nở. Nhà anh Hoài có hai bộ dàn máy chế sắn dây. Ông chủ này muốn bán đi một bộ để tậu con ô tô mới. Sau vài câu chào hỏi xã giao, Hoài không gần ngại dẫn chúng tôi vào thăm máy móc trong xưởng nhà mình.

Theo quan sát của chúng tôi, “dây chuyền” sản xuất bột sắn của nhà anh Hoài tít sau vườn, phải đi qua một cái ao nước đen ngòm bốc mùi hôi thối. Khu nhà xưởng hẹp, thấp lè tè chăng đầy màng nhện. Nền nhà ướt nhẹp, nhớp nháp với những vũng nước nhờ nhờ trắng đục ruồi nhặng bu đầy. Cái một mùi chua của sắn dây thiu xen lẫn mùi thum thủm xộc thẳng vào mũi khiến bất kì ai lần đầu bước chân vào đều cảm thấy nôn nao người.

 Đập vào mắt chúng tôi là chiếc máy nghiền sắn dây đã cáu bẩn. Trên mặt máy, một lớp bột sắn mày nhờ nhợ bám chặt do lâu ngày không được vệ sinh. Hoài  giải thích: “Bộ guồng làm vệ sinh vỏ sắn và máy nghiền này anh chỉ sử dụng được mấy tháng nay, vẫn còn mới lắm. Tôi đang định rửa thì cậu đến. Máy xịn nên có để cả năm không lau chùi, tra dầu nhưng vấy vẫn chạy êm ru. Mua hàng của anh, chú cứ yên tâm đi”

Thấy thái độ khó chịu trước mùi hôi thối của PV, anh hất hàm nói: “Ở đây nhà nào mà chẳng thế. Làm nghề mà không có mùi thì có mà chết đói. Cái giống thực phẩm nó thế. Cứ sểnh ra cái là thiu, thối ngay”. Quan sát một vòng nhà xưởng xong, chúng tôi hỏi anh Hoài về “công nghệ ” làm bột sắn. Suy nghĩ hồi lâu rồi người đàn ông này mới gật đầu hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn. Theo lời anh Hoài, trước hết, khi nhập củ sắn tươi về phải loại bỏ vỏ rồi cho vào máy nghiền sắn. Sau đó dùng màng lọc bỏ bã, hỗn hợp bột sắn nhão nhoét thu được sẽ cho vào bể lắng. Đợi khi tinh bột lắng xuống đáy bể sẽ xả bỏ nước ở trên đi và lấy bột.

Anh Hoài tiết lộ: “Không cần mua sắn ngon, chỉ cần loại bị gãy, vụn, thậm chí dập nát cũng được. Bởi như thế, giá sẽ rẻ, lợi nhuận được tăng lên. Nếu muốn tinh bột trắng mịn thì khi cho hỗn hợp nước cốt sắn dây vào bể lắng, nhỏ vài giọt thuốc tẩy lên trên đảm bảo bột sau khi ra lò sẽ trắng như vôi”.

Được biết, trung bình mỗi 1 tạ săn tươi cho 40 kg bột, mỗi một dây chuyền làm hết công xuất được khoảng 20 tấn sắn tươi mỗi ngày. Tuy nhiên, công đoạn chuyển từ củ sắn thành bột thường được làm vào mùa sắn (mùa đông- xuân). Khi tháo hết nước tại bể, người ta lấy xẻng xúc các tảng bột sắn như xúc đất cho vào bao tải đánh đống để tháng 4 đến tháng 8 làm bột sắn khô rồi mới mang đi bán.

Nhìn hai đống bột tươi to như hai đống bùn để ngoài vườn chuối bên cạnh chuồng vịt hôi thối khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Tôi thắc mắc về chất lượng hai đống bột tươi, anh Hoài liền cười lớn vỗ vai bảo: “Không sao đâu. Cứ để đấy đến khi nào chuẩn bị xuất kho “chế” một lần nữa là ổn ấy mà”.

Người đàn ông này cũng vô tư mở cho tôi xem từng đống bột sắn. Quả như anh Hoài nói, hai đống bột đặc quánh và đã ngả mầu cháo lòng. “Sau khi bột khô, cái màu cháo long này sẽ không thành vấn đề. Khi đánh bột ra anh lại cho ít thuốc tẩy nữa”, Hoài khẳng định như vậy.

Khi bột sắn khô sẽ có thương lái đến tận nơi thu mua. Gần như năm nào cũng vậy, bột sắn tinh cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo những người dân nơi đây, đa số bột sắn tinh được tiêu thụ tại các cơ sở  chế biến thành nha để sản xuất bánh kẹo tại xã Minh Khai bên cạnh.
 
Bột sắn dây được chế từ thuốc tẩy và hoa bưởi

Không dám dùngbột sắn do chính mình làm ra

Được biết, chính những người làm nghề cũng thừa nhận, họ sản xuất chỉ để bán chứ không ai dám dùng chính những sản phẩm của mình làm ra. Nếu làm để gia đình, họ hàng người thân sử dụng thì sẽ làm riêng một mẻ, đảm bảo vệ sinh và là hàng thật chứ không có chuyện bát nháo như làm bán cho người tiêu dùng trên thị trường.

Những món giải nhiệt được làm từ bột sắn dây khiến nhiều người thèm khát trong mùa hè oi bức. Nhưng tận mắt chứng kiến quy trình làm ra thứ bột trắng tinh, thơm mát đó không ít người phải rùng mình. Không chỉ mất vệ sinh và sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để sản xuất ra tinh bột sắn bình thường mà mà một số hộ dân trên địa bàn còn “phù phép” biến tinh bột sắn thường thành bột sắn dây hảo hạng. Ngỏ ý muốn tìm hiểu thêm về máy móc, anh Hoài liền giới thiệu cho tôi tới một người họ hàng tên Long tại xóm Me Táo (xã Dương Liễu). Được biết, anh Long cũng muốn bán một bộ dàn máy. Đã từ lâu, người đàn ông này chuyên cung cấp bột sắn dây giả cho các đầu nậu.

Khu nhà anh Long kín cổng, cao tường. Nghe tiếng gọi cổng, người đàn ông to béo mặt bặm trợn ra mở cửa. Ngước nhìn PV từ đầu đến chân như dò xét, hắn hất hàm hỏi chúng tôi từ đâu đến? Khi biết tôi là khách của Hoài  giới thiệu qua, Long có vẻ bớt căng thẳng mời chúng tôi vào nhà.

Sau mấy câu hỏi vu vơ, Long tin chúng tôi đến mua máy thật. Anh ta cũng không ngại ngần dẫn tôi đi xem khu chế biến bột sắn. Xưởng nhà Long cũng bẩn, hôi hám mất vệ sinh không khác các cơ sở sản xuất bột sắn ở các gia đình trong xã Dương Liễu. Con trai anh Long mặc độc chiếc quần đùi đang ngồi đánh bột. Ngồi bên cạnh, một người phụ nữ tay thoăn thoắt lọc bột vào rồi đổ vào thùng phi 120 lít. Trên người, dưới đất, bột bắn tung tóe, nhòe nhoẹt bước chân. Thấy mùi chua, bột không được trắng, Long nhắc con: “ Bột để lâu quá mất mầu rồi, cho thêm bột tẩy vào đi”. Con trai anh Long năm nay mới học lớp 10 với tay lấy một gói bột trắng như vôi, không nhãn mác, vội vàng bịt mũi rồi nhanh tay đổ 5 chén vào bộ sắn. Cu cậu miệng lẩm bẩm: “50 cân bột tươi mà cho 10 chén bột tẩy, bột bỏng con không chịu trách nhiệm đâu”.

Tôi cầm túi bột xem, vừa đưa lên mũi, một mùi hắc xộc đến tận óc. Thử chạm tay vào xô bột thì cu cậu vội bảo: “Anh đừng động vào, bỏng đấy”. Đúng như lời cậu ta nói, một lúc sau, tôi cảm thấy nóng rát ở đầu ngón tay. Long giải thích: “Thuốc tẩy này mua ở trung quốc, dân làm mỳ làm miến cũng thường dùng cái này để tẩy bột. Thuốc tẩy này mạnh lắm, chạm vào rất dễ tổn thương da”.

Nói chuyện một lúc, anh Long tiết lộ, làm giả bột sắn thường thành bột sắn dây, nếu không cho nhiều thuốc tẩy bột sẽ không trắng được. Bột sắn thường phải được lọc đi lọc lại từ 5 đến 7 lần mới sạch và trắng như trứng vôi. Lúc đó, cho them ít thuốc tẩy, nhìn mầu không thể phân biết được đâu là bột sắn dây và sắn thường.

Vườn nhà Long khá rộng, ngoài giàn phơi hàng tấn bộ sắn đã lọc. Anh ta bảo, muốn làm giả sắn dây ngoài quy trình lọc bột, khâu phơi cũng cực kỳ quan trọng. Nếu bột sắn thường phơi một mạch đến khi khô sẽ bị nở vụn như vôi gặp nước. Bột sắn dây thật khi phơi không bao giờ nở vụn mà toác ra thành những viên nhỏ. Vì vậy muốn làm giả bột sắn dây, khi phơi phải trời nắng nhẹ, một ngày bê ra, bưng vào nhiều lần.

Theo kinh nghiệm của những người chuyên sản xuất sắn dây, nếu là hàng thật thì khi ngửi sẽ thấy mùi thơm dịu mát còn sắn thường mùi hắc, nồng. Tuy nhiên, để đối phó với điều này, Long đã có bí quyết không những đánh lừa thị giác mà còn cả khứu giác, xúc giác người khác.  Được biết, khi phơi bột sắn thường, anh ta sẽ cho những cánh hoa bưởi, hoa chanh phơi cùng. Khi đó, mùi thơm của các loại hoa này sẽ dính vào khiến bột sắn dây giả mất đi mùi hắc, nồng.

 Ông chủ xưởng sản xuất sắn dây còn cho biết thêm, nếu không làm bột sắn dây giả thì không tài nào sản xuất đủ hàng cung cấp cho thị trường. Với lại một tạ sắn tươi mua mất 120 nghìn đồng thì được 40 kg bột. Hiện bột sắn dây dao động trên thị trường từ 90 nghìn đến 150 nghìn đồng/kg. Vì lãi “khủng” nên không ít người lao vào làm giả bột sắn dây kiếm lời.
 
Chính quyền địa phương vẫn chưa hề hay biết?!
 
Đem băn khoăn về tình trạng một số hộ sản xuất bột sắn dây giả trên địa bàn trao đổi với bà Hồ Thị Huê, Phó chủ tịch xã Dương Liễu, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tôi chưa hề biết xã mình có cơ sở làm bột sắn dây giả. Nếu phát hiện cơ sở nào làm giả bột sắn dây chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý nghiêm(!?)”.
Được biết, mỗi năm xã Dương Liễu chế biến được xấp xỉ 25000 tấn tinh bột sắn thành phẩm cung ứng cho thị trường. Chẳng ai biết, trong số đó có bao nhiêu phần trăm bột sắn ra lò từ công nghệ bẩn. Theo một tay chuyên thu mua bột sắn dây ở Dương Liễu, tình trạng làm sắn dây giả ở đây mới xuất hiện nhưng số lượng bột sắn làm giả đã ra thị trường không hề nhỏ. Ước tính từ đầu năm đến nay có cả chục tấn bột sắn dây giả được tuồn đi khắp các nơi tiêu thụ, nhiều nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…
 
Bột sắn dây giả uống vào không những không có dinh dưỡng mà còn có khả năng ngộ độc, ảnh hưởng xấu đến bộ máy tiêu hóa. Theo các bác sĩ dinh dưỡng, có nhiều cách phân biệt bột sắn thường và bột sắn dây giả. Chúng ta nên quan sát miếng bột sắn thật kĩ trước khi mua. Bột sắn thật phải còn nguyên dạng sau khi phơi sấy, cánh bột còn sắc cạnh Phi pha với nước, chúng không có hiện tượng dính bết vào thành túi hoặc vào nhau. Bột sắn dây thật khi đưa vào miệng nhai thấy giòn, khi đặt đầu lưỡi vào miếng bột có cảm giác bột hút nước rất mạnh từ đầu lưỡi, quá trình bột sắn tan trong miệng bạn sẽ thấy bột sắn mềm, mịn không có hạt sạn nào cả. Một cách nhận biết nữa là, mang bột hòa vào nước tinh khiết đựng trong cốc thủy tinh, sau đó rót sang một cốc khác. Nếu bột sắn dây xịn thì rót đến đâu cốc sạch đến đó, không có khiện tượng cặn bột bám vào thành cốc hoặc lắng xuống đáy. Để cốc bột đã pha một thời gian cho bột lắng hết xuống đáy cốc, chúng ta quan sát phần bột sắn lắng xuống đó phải trắng đều từ trên xuống dưới, phần nước ở trên trong veo trở lại như ban đầu. Khi chắt hết phần nước bên trên sẽ thấy phần bột lắng dưới đáy cốc trắng mịn, bám chặt vào đáy, úp cốc xuống khó chảy ra.
Theo Gia đình & Xã hội
 

Ý kiến của bạn