Chưa bao giờ, vấn đề có nên ăn thịt chó hay không lại gây tranh cãi lớn như thời gian gần đây. Theo thống kê của Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA) thì có tới 5 triệu cá thể chó bị giết thịt mỗi năm ở Việt Nam. Các quán nhậu, các cửa hàng bán lẻ thịt chó có mặt ở khắp nơi từ thành thị tới nông thôn.
Nhiều người nhận định, đây chính là một trong những nguyên nhân rất lớn khiến cho nạn cẩu tặc gia tăng. Ngược lại, các đối tượng trộm chó vì lợi nhuận mà ngày càng manh động. Chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để tấn công người dân khi bị phát hiện. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận.
Khoảng 3 năm trở lại đây, các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, Quảng Trị, thậm chí ngay ở Thủ đô Hà Nội… liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả giữa người dân và cẩu tặc, để lại nhiều cái chết thương tâm.
“Có cung thì ắt có cầu. Người dân nước ta ăn thịt chó nhiều như vậy bảo làm sao tội phạm trộm cắp không gia tăng. Thật xót xa là mâu thuẫn giữa người với người cũng từ các vụ trộm chó mà nảy sinh. Đã có quá nhiều người chết và bị thương chỉ vì con chó. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc vấn đề có nên ăn thịt chó hay không”, ông Nguyễn Văn Giang, một cán bộ về hưu ở quận Hà Đông chia sẻ quan điểm.
Một vấn đề khác đáng quan tâm hiện nay là các con chó được làm thịt trong các cửa hàng, quán nhậu từ đâu mà ra, có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?
Theo chủ một cửa hàng chuyên bán thịt chó ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm tiết lộ thì cửa hàng anh này trung bình tiêu thụ hết 7 con chó, tương đương với 100kg thịt chó mỗi ngày.
“Tôi nhập hàng từ mối quen ở Phú Thọ. Mỗi khi hết hàng, tôi chỉ cần gọi điện trước 1 ngày là người ta lại mang hàng xuống tận nơi. Chó được thu mua ở các vùng quê nên chất lượng đảm bảo. Tôi chưa thấy cơ quan y tế lại đi kiểm tra thịt chó bao giờ”, chủ cửa hàng cho hay.
Anh Sơn, một trong những người chuyên nhập chó từ Sơn Đông (Thành Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) để bán cho các cửa hàng, quán nhậu tại Hà Nội cũng thừa nhận, trong suốt 5 năm làm nghề, anh chưa bị cơ quan quản lý thị trường, hay phía cơ quan y tế kiểm tra hàng bao giờ cả.
Có thể nói, công tác kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt chó hiện nay còn hết sức lỏng lẻo.
“Các cửa hàng treo thịt chó lủng lẳng trên vỉa hè, trong khi bụi đường bay mù mịt, nhìn đã thấy mất vệ sinh. Bây giờ chó đã mổ ra, ai biết được con chó đó có nguồn gốc từ đâu, có phải do trộm cắp mà ra không? Nếu chẳng may con chó đó do những tên trộm đánh bả cho chết rồi bán cho các cửa hàng thì sao?
Bây giờ vì lợi nhuận, nhiều người sẽ bất chấp thất cả. Trộm thì dùng bả chó, cửa hàng thì nhập chó dính bả với giá rẻ để giết thịt bán cho khách với giá cao. Nghĩ tới điều đó mà rùng mình.
Tôi cũng thấy rất lạ là các cơ quan chức năng hầu như không kiểm tra các của hàng thịt chó để xem chúng có nguồn gốc từ đâu, có phải trộm cắp hay không, có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay không?” anh Long, quê Phú Thọ, tạm trú ở phường Mễ Trì, Nam Từ Liêm cho biết.
Cùng quan điểm của anh Long, anh Trần Văn Nam ở quận Cầu Giấy cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp tăng cường kiểm tra việc buôn bán chó.
“Cần kiểm tra tại các cơ sở buôn bán, vận chuyển chó. Từ đó xác minh xem nguồn gốc chó là từ đâu. Nếu là tài sản trộm cắp mà có thì có thể truy tìm ra thủ phạm. Từ đó có hình thức xử lý, răn đe và có thể hạn chế được nạn cẩu tặc. Việc kiểm tra thường xuyên còn để kịp thời phát hiện tình trạng chó chết, chó bị đánh thuốc… Nếu cứ buông lỏng như hiện nay thì rất nguy hiểm cho sức khỏe người dân”, anh Long nói.