Rúng động những vụ trẻ mầm non bị bạo hành

29-11-2017 06:24 | Thời sự
google news

SKĐS - * Khởi tố bị can, tạm giam chủ cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh.

* Cần áp dụng khung hình phạt tăng nặng với các vụ bạo hành trẻ em.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều cảnh hành hạ trẻ nhỏ được phanh phui cho thấy một thực trạng đáng báo động về tình trạng bạo hành trẻ em. Mới đây, những hình ảnh bạo hành trẻ tại Cơ sở mầm non Mầm Xanh ở quận 12 TP.HCM xuất hiện thêm một lần nữa khiến các bậc phụ huynh bàng hoàng, phẫn nộ, đồng thời tỏ ra vô cùng lo lắng khi có con em đang gửi tại các trường mầm non.

Liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em khắp cả nước

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 12 (TP.HCM) đã quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ Cơ sở mầm non Mầm Xanh để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Theo Đại tá Đoàn Văn Phúc - Trưởng Công an quận 12 cho biết, Viện KSND quận 12 đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Mỹ Linh về tội “Hành hạ người khác” được quy định tại Khoản 2, Điều 110 Bộ luật Hình sự. Trước đó, Công an phường Hiệp Thành phối hợp cùng Công an quận 12 mời bà Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1974, tạm trú phường Hiệp Thành, quận 12) - chủ Cơ sở mầm non Mầm Xanh và 2 bảo mẫu liên quan lên làm việc. Tại cơ quan điều tra, bà Linh thừa nhận nhiều lần thực hiện các hành vi như đánh, tát, đạp, đập bình nhựa vào đầu... các bé 2-5 tuổi được gửi tại Cơ sở Mầm Xanh. Theo lời phân trần của chủ Cơ sở mầm non Mầm Xanh, do các bé đông, hiếu động, không nghe lời nên đánh dọa để chúng sợ mà ngoan.Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ lớp mẫu giáo Mầm Xanh làm việc với công an.

Bà Phạm Thị Mỹ Linh - chủ lớp mẫu giáo Mầm Xanh làm việc với công an.

Theo kết quả thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM, đây là cơ sở mầm non tư thục trông giữ 36 trẻ; trong đó có 25 trẻ độ tuổi từ 3-5 tuổi, 11 trẻ từ 18-36 tháng, chủ yếu là con của các công nhân sinh sống trên địa bàn quận. Tại cơ sở này, chủ cơ sở là bà Phạm Thị Mỹ Linh có bằng chuyên môn Sư phạm Mầm non, có một cấp dưỡng có bằng sơ cấp nấu ăn và hai người giữ trẻ không có bằng cấp chuyên môn.

Đáng chú ý, vụ việc nêu trên không phải là trường hợp duy nhất bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận thời gian qua. Trước đó, nhiều vụ bạo hành tương tự cũng đã từng xảy ra như: ngày 23/11, Công an TP. Phủ Lý (Hà Nam) đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với bà Nguyễn Thị Hàn (còn gọi là Hoàn, 58 tuổi, trú tại Bình Thượng, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, Nam Định) để điều tra hành vi hành hạ cháu bé gần 2 tháng tuổi con chị N.T.P. (ở phường Quang Trung, TP. Phủ Lý). Bà Hàn chính là người giúp việc đã tung hứng, đập vào đầu, dùng tay bóp miệng bé gần 2 tháng tuổi, trong 3 đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội. Tại Hà Nội, cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc xảy ra tại Trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh cô giáo dùng dép đánh vào đầu bé trai khiến bé bật khóc. Tiếp đó là cảnh giáo viên dùng vòi nước xịt rửa cho các bé. Clip cho thấy trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, các cô giáo ở trường thường xuyên có hành vi bạo lực và đe dọa trẻ nhỏ khiến dư luận xôn xao.

Bạo hành trẻ em, phải áp dụng khung hình phạt tăng nặng

Liên quan đến vụ bạo hành trẻ em tại Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh, chiều ngày 27/11, UBND TP.HCM đã họp khẩn với các sở, ngành và 24 quận, huyện tìm giải pháp để chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em tại các trường mầm non trên địa bàn. Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành và quận, huyện, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định phải truy cứu trách nhiệm hình sự thật nặng hành vi hành hạ trẻ em gây bàng hoàng dư luận. Giải pháp trước mắt để chấm dứt ngay tình trạng bạo hành trẻ em là lắp camera giám sát ở các cơ sở trông giữ trẻ. Đây cũng sẽ là điều kiện bắt buộc khi xem xét cấp giấy phép thành lập trường mầm non trên địa bàn thời gian tới. Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, trong thời gian qua, mặc dù thành phố đã phát hiện nhiều vụ việc tương tự nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Chính vì vậy, ngay trong tháng 12, thành phố sẽ hoàn thành quy chế thành lập trường mầm non.

Phân tích nguyên nhân của các vụ bạo hành trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cho rằng, xu hướng các vụ bạo hành trẻ em tăng lên thời gian gần đây do người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu hiểu biết về pháp luật. Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và các văn bản pháp luật khác quy định xử lý nặng hành vi xâm hại trẻ em. Trẻ càng nhỏ, mức độ xử phạt càng tăng. Tiếp đến là nguyên nhân những người trực tiếp gần gũi với trẻ thiếu kỹ năng làm việc với trẻ. Với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non ở các cơ sở tư thục, ngoài công lập thì ngoài việc trang bị cho họ những kiến thức về dạy trẻ, chăm sóc trẻ về mặt dinh dưỡng, giáo dục thể chất thì còn một điều rất quan trọng là phải học những kĩ năng về bảo vệ trẻ và không xâm hại trẻ, kìm chế những cơn tức giận. Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, sau khi có thông tin về các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em, biện pháp can thiệp đầu tiên là phải ưu tiên quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ nạn nhân. Cần tách trẻ em ra khỏi người nghi xâm hại, bạo lực cho trẻ. Hoặc chuyển trẻ tới cơ sở chăm sóc y tế, thể chất, tâm thần để kịp thời điều trị sang chấn, phục hồi tốt nhất cho trẻ.

Hiện nay, Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật cũng đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan, trách nhiệm của các cấp, cấp cơ sở.  Theo đó, trách nhiệm các xã phường là phải triển khai ngay lập tức các biện pháp can thiệp. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em. Thủ tướng cũng đã có yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về tất cả sự chậm trễ, không xử lý với các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em. Về cơ bản thì việc xét xử các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em đã tuân thủ theo pháp luật nhưng đối với các vụ việc trên cần áp dụng triệt để khung hình phạt tăng nặng, mang tính chất răn đe. Sau khi bị xét xử rồi thì phải có biện pháp truyền thông rộng rãi để xã hội thấy được việc bạo hành, xâm hại trẻ em sẽ bị pháp luật nghiêm trị.


H. Phong - Ngọc Đỗ
Ý kiến của bạn