Rừng bị tàn phá: Nhân tai kích hoạt thiên tai

19-08-2016 18:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề do thiên tai xuất phát từ nhân tai - những kẻ phá rừng.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề do thiên tai xuất phát từ nhân tai - những kẻ phá rừng. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng, nhưng ở một số nơi rừng vẫn bị tàn phá bởi nhiều chiêu thức,...

Tàn phá rừng cây pơmu

Liên quan đến vụ tàn phá rừng vừa được phát hiện tại khu vực biên giới giữa huyện Nam Giang (Quảng Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào), hàng chục cây pơmu quý hiếm có tuổi đời hàng trăm năm bị đốn hạ, tập kết chuẩn bị chở về xuôi. Đây là vụ tàn phá cây pơmu lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Nam khiến dư luận “dậy sóng”. Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả điều tra, xử lý vụ việc phá rừng, khai thác gỗ pơmu trái phép tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trước ngày 25/8/2016.

Cơ quan chức năng kiểm tra số gỗ pơmu bị thu hồi.

Trước đó, ngày 9/7, một người dân phát hiện tại khoảnh 5, tiểu khu 351 gần cột mốc biên giới 717 (giáp ranh giữa huyện Nam Giang và huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) có hàng trăm phách gỗ được chất đống. Nhận được thông tin, Công an huyện Nam Giang phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đến ngay hiện trường. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm đếm có tới 280 phách gỗ pơmu, đường kính từ 1 - 2m, chiều dài từ 2,1 - 2,2 m, khối lượng gỗ là 28m3. Đây là loại gỗ pơmu quý hiếm, thuộc nhóm 2A, còn thơm mùi gỗ mới.

Sau khi vào rừng kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, số gỗ trên được cưa hạ từ khoảnh 10, tiểu khu 351, cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang hơn 1.500m, riêng vị trí mà lâm tặc tập kết gỗ chỉ cách chừng 50m.

Sau khi khởi tố vụ án, ngày 16/7, Công an huyện Nam Giang đã phát hiện 115 phách gỗ pơmu (8,2 khối) bị giấu ngay trong khuôn viên Chi cục Hải quan Cửa khẩu Nam Giang và lực lượng hải quan không lý giải được về nguồn gốc số gỗ này. Tối cùng ngày, Công an huyện Nam Giang tiếp tục thu giữ 25 phách (gần 1,2 khối) giấu tại một nhà dân cũng gần khu vực cửa khẩu này.

Đến trưa 17/7, lực lượng công an lại phát hiện 2 bãi tập kết gồm 85 phách gỗ pơmu bị giấu trong bụi rậm cách trụ sở hải quan khoảng 50m và cách Trạm Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc khoảng 500m.

Liên quan tới việc công an phát hiện 115 phách gỗ pơmu trong khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, tối 19/7, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam tạm đình chỉ công tác Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang Lê Trung Thịnh để giải trình, báo cáo cụ thể, kiểm tra chi tiết, xử lý kỷ luật theo quy định.

Rừng bị phá tại Bình Phước để thực hiện dự án chăn nuôi.

Phá hàng trăm héc-ta rừng để thực hiện dự án chăn nuôi

Trong khi Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định đóng cửa rừng thì tại Nông lâm trường Bù Đốp (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước), hàng trăm héc ta rừng lại được quy hoạch để thực hiện dự án chăn nuôi. Chuyện tưởng như đùa mà lại có thật khiến dư luận không khỏi bức xúc khi rừng phòng hộ biên giới bị tàn phá nặng nề, rừng già biến thành đất trống

Tại khoảnh 1, tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp, gần 130ha diện tích rừng tự nhiên có tuổi rừng hàng trăm năm nhưng chỉ trong vòng hơn 2 tháng đã bị đốn hạ toàn bộ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong quy hoạch 575ha dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng tại tiểu khu 69, đã được ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước phê duyệt. Chưa biết dự án sẽ mang lại hiệu quả đến đâu nhưng tổn hại trước mắt thì đã thấy rõ bởi đây là đai rừng phòng hộ đầu nguồn vô cùng quan trọng và là lá chắn bảo vệ lòng hồ thủy điện Cần Đơn mỗi khi mưa lũ về. Ông Nguyễn Văn Ách - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước cho biết: “Về chức năng phòng hộ rất là cao vì thế nếu chúng ta quy về giá trị rừng nghèo thì chúng ta sẽ đánh mất diện tích rừng phòng hộ rất lớn, do đó quy định giá trị rừng giàu nghèo không phù hợp với diện tích rừng này”.

Theo văn bản đã được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt vào tháng 7 mới đây, dự án “Chăn nuôi kết hợp trồng rừng” sẽ khai thác khoảng trên 575ha diện tích rừng nằm trong khoảnh 1, 2 và 3 của tiểu khu 69 thuộc Nông lâm trường Bù Đốp phục vụ cho dự án. Những diện tích rừng này được ngành chức năng quy về rừng nghèo kiệt và buộc phải chuyển đổi để phát triển kinh tế.

Trên thực tế, dù là những cánh rừng tự nhiên nghèo kiệt thì thảm thực vật tự nhiên được hình thành và tích luỹ qua hàng chục, hàng trăm năm vẫn có tác dụng sinh thủy đồng thời giảm thiểu lũ lụt, sạt lở. Nhưng khi chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng hoặc phá hủy hoàn toàn cho mục tiêu phát triển kinh tế thì thảm thực vật bị biến đổi, tác động sẽ mất đi khả năng này. Trước những lo ngại và bức xúc của người dân, tình trạng phá rừng để phục vụ dự án đã tạm thời bị đình chỉ để ngành chức năng xem xét giải quyết nhưng hơn 100ha diện tích rừng đã bị phá huỷ không biết đến khi nào mới có thể phục hồi.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do thiên tai xuất phát từ việc phá rừng. Trong đợt hạn hán vừa qua, nhiều địa phương trong đó có Bình Phước cũng bị thiệt hại hơn 500 tỷ đồng và Bù Đốp là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hạn hán với trên 1.200ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Thế nên, nếu đai rừng phòng hộ tiếp tục bị phá hủy thì điều mà Bù Đốp phải đối mặt không chỉ là nắng hạn mà còn là sự đe doạ của nước lũ từ thượng nguồn sông Đăk Quýt mỗi khi mùa mưa lũ về, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.


Quốc Đạt
Ý kiến của bạn