Hà Nội

Run tay chân do đâu, cách nào chữa trị?

22-04-2022 06:53 | An toàn dùng thuốc

SKĐS- Run tay chân có thể gặp khi ngồi nghỉ hay vận động. Vậy nguyên nhân nào gây tình trạng này, có cách nào để chữa?

1. Run tay chân là gì?

Hoạt động tay chân của cơ thể, nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phần của não bộ trung ương, thần kinh cột sống và thần kinh cơ bắp. Khi chúng ta bắt đầu cử động cơ bắp, có hai loại cử động từ thần kinh đến cơ bắp là kích thích và ức chế.

Khi kết hợp giữa các tính hiệu thần kinh kích thích và ức chế hợp lý sẽ giúp chúng ta vận động theo ý muốn. Hiểu về các vận động này, chúng ta sẽ hiểu hơn về các bệnh rối loạn cử động.

Run là những cử động có nhịp lặp lại và dao động. Run tay có thể xảy ra mức nhẹ, không thấy bằng mắt thường, cho đến mạnh, rõ ràng, khiến bệnh nhân không thể cử động tay để cầm nắm đồ. Tùy vào loại run, độ tuổi, hay bệnh sử mà bác sĩ có thể chẩn đoán các loại bệnh khác nhau.

Run tay chân do bệnh gì? Cách nào chữa trị? - Ảnh 1.

Run tay chân cần được khám để được dùng thuốc đúng bệnh.

Ngoài bệnh sử cần kết hợp với các kết quả cận lâm sàng như: Xét nghiệm máu và kiểm tra các hormone để tìm ra lý do run tay; xét nghiệm máu nồng độ thuốc (hay chất kích thích) nếu nghi ngờ run tay do ngộ độc thuốc; chụp MRI cộng hưởng từ để xem cấu trúc não bộ.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các phản xạ, độ mạnh yếu của các cơ, chi, dáng ngồi, cách di chuyển, đi đứng, cảm giác không gian… để chẩn đoán bệnh run và tìm hiểu các triệu chứng đi kèm run.

Run tay có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, cần gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu run ở tay, chân, hay mặt vì bệnh run cần phải tìm ra đúng nguyên nhân, chữa trị kịp thời để có kết quả tốt nhất.

2. Một số bệnh gây run tay chân và phương pháp điều trị

2.1. Run vô căn (ET)

Bệnh này gặp khá nhiều từ khi còn trẻ, xảy ra khoảng 1-2% dân số người trẻ và tăng dần lên đến 5% ở người lớn tuổi. Đây là loại run tay không có ý (người bệnh không có ý hay có thể kiểm soát tay run).

ET là bệnh rối loạn cử động hay gặp nhất. Run ET có thể xảy ra cả chi trên lẫn chi dưới, nhưng thường xảy ra ở chi trên (bàn tay). Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân run một bên cơ thể, run bên cổ hay bên mặt.

Không có lý do rõ ràng gây ra ET nhưng yếu tố di truyền chiếm khoảng 50%. Chỉ cần cha hoặc mẹ mắc bệnh run vô căn thì con cái có thể bị ảnh hưởng. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra có sự bất thường ở tỉ lệ ức chế/kích thích tín hiệu thần kinh (GABA+ /GLX) vùng tiểu não.

Bệnh nhân dùng rượu, cafe, trà, hay các chất kích thích thường xuyên có thể bị run vô căn nhiều hơn. Thiếu ngủ, lo âu, thiếu máu, hay thiếu hormone bướu cổ cũng có thể làm tay run.

Cách chữa run vô căn

Trước hết, với người có sử dụng các chất kích thích như: Uống rượu, hút thuốc, cà phê… có thể giảm các chất này. Tập thể dục giúp máu huyết lưu thông vùng chân tay có thể giảm run tay chân.

Về sử dụng thuốc, propranolol là loại thuốc ức chế tín hiệu thần kinh có thể giúp giảm run. Khi dùng thuốc này bệnh nhân nhớ theo dõi huyết áp và triệu chứng tụt huyết áp như giảm nhịp tim, nhức đầu hay chóng mặt

Thuốc primidone là thuốc chống động kinh, cũng là thuốc chỉ định để chữa run. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể kếp hợp cả propranolol và primidone để chữa bệnh run nặng. Khi dùng thuốc cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ, tái khám định kỳ hoặc thông báo cho bác sĩ biết ngay các triệu chứng bất thường sau khi uống thuốc.

Một số thuốc an thần cũng có thể là một trong những biện pháp điều trị run vô căn hữu hiệu. Việc sử dụng thuốc nhóm này trong thời gian ngắn thường an toàn và hiệu quả. Khi dùng thuốc an thần nhóm benzodiazepine kéo dài có khả năng gây nghiện và tác dụng phụ, nhất là khi dùng quá liều hoặc có uống rượu bia khi uống thuốc thì nguy cơ tác dụng phụ tăng cao, có thể dẫn đến tử vong. Do đó bệnh nhân phải hết sức thận trọng và không được lạm dụng thuốc.

Biện pháp tiêm botox cũng có thể là cách chữa trị run vùng đầu hay giọng nói. Lưu ý là tiêm botox chữa run tay nhưng lại có thể làm yếu các ngón tay. Thuốc botox chữa run thường tiêm lại mỗi 3-6 tháng.

Phẫu thuật can thiệp bằng cách đưa dòng điện vào não bộ có thể được áp dụng sau khi thuốc uống hay các liệu pháp khác không còn tác dụng.

2.2. Run tay chân do Parkinson

Run tay chân do Parkinson hay còn gọi là run lúc nghỉ. Loại run này chỉ xảy ra khi nghỉ ngơi, bàn tay để yên, chu kỳ khoảng 5 lần/giây. Khi bệnh nhân bắt đầu di chuyển tay thì run giảm hẳn hay biến mất. Loại run này hay xảy ra ở người lớn tuổi, trung bình khoảng 60 tuổi và mắc bệnh Parkinson. Người bệnh bị thiếu chất dẫn truyền thần kinh dopamine, do tế bào thần kinh ở vùng não Substantia Nigra bị mất đi. Khoảng 70% bệnh nhân mắc Parkinson sẽ bị run nghỉ ngơi vùng chi (thường ở bàn tay) và một số ít có thể bị các loại run khác như run ý định. Run loại này sẽ nặng theo thời gian nếu bệnh Parkinson không được chữa trị.

Run Parkinson thường kèm theo các triệu chứng giảm sút về thần kinh và vận động.

Run tay chân do bệnh gì? Cách nào chữa trị? - Ảnh 3.

Bệnh Parkinson dẫn đến run tay chân.

Chữa trị run do Parkinson

Cần chẩn đoán đúng và dùng thuốc điều trị bệnh Parkison - vì đây là nguyên nhân dẫn đến run tay chân.

Dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng của bệnh Parkinson có nhiều nhóm thuốc:

  • Nhóm ức chế cholin như artan, trihex;
  • Nhóm thuốc kích thích trực tiếp các thu thể dopamine như sifrol, trivastal;
  • Thuốc thay thế dopamine như levodopa để cung cấp dopamine bị thiếu (lưu ý khi dùng thuốc nhóm levodopa không dùng cùng vitamin B6).
  • Các thuốc ức chế dẫn xuất thần kinh khác như MAO B, anticholinergic, hay dmantadine.

Thường các thuốc được chữa trị kết hợp để có kết quả tốt nhất.

Tùy từng nhóm thuốc sẽ có các tác dụng không mong muốn khác nhau. Nhưng nhìn chung tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị Parkinson là: Khô mắt, khô miệng, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, dị ứng, hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim, đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, táo bón… Nếu liều cao có thể gây lú lẫn, ảo giác, kích động.

Để dùng thuốc hiệu quả và an toàn, bệnh nhân cần dùng đúng, đủ và đều. Khi có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào sau dùng thuốc cần thông báo cho bác sĩ điều trị ngay.

Ngoài ra còn loại bệnh run có ý định. Đây là loại run khi bệnh nhân ngồi nghỉ thì không sao, nhưng khi ý định đưa tay nắm hay làm gì việc gì thì tay bắt đầu run càng nhiều hơn. Run ý định thường run mạnh hơn, chậm hơn run vô căn.

Run có ý định thường do bệnh đa xơ cứng hay các bệnh xảy ra ở tiểu não (đột qụy) hoặc các bệnh thần kinh hay tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị run ý định bắt đầu bằng chữa bệnh gây ra run. Nếu run do thuốc thì cần điều chỉnh đổi thuốc. Run do các bệnh nêu trên thì dùng thuốc và vật lý trị liệu.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

PGS.TS.BS.Wynn Tran
Ý kiến của bạn