Hà Nội

Rủi ro tiềm ẩn khi dùng thuốc chống rối loạn nhịp tim

20-12-2020 21:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Không phải ai bị rối loạn nhịp tim cũng có thể dùng thuốc chống loạn nhịp. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định dùng liều khẩn cấp hoặc duy trì cho người bệnh. Rối loạn nhịp tim là một bệnh lý hết sức phức tạp, nguy hiểm, cần được các bác sĩ tim mạch thăm khám và điều trị liên tục, nhằm hạn chế các hậu quả không mong muốn.

Có nhiều nguyên nhân khiến tim của bạn có thể đập quá nhanh hoặc đập không đều. Nếu nguyên nhân là do bạn đang hồi hộp, lo lắng, thì sau vài giây khi bình tĩnh trở lại thì nhịp tim cũng dần ổn định. Nhưng nếu nhịp tim đập nhanh kéo dài do mắc các bệnh lý liên quan đến tim mạch thì chắc chắn cần đến sự trợ giúp của thuốc điều trị rối loạn nhịp tim.

Thuốc chống rối loạn nhịp tim có tác dụng ngăn chặn sự xuất hiện xung điện bất thường trong tim, giúp làm giảm nhịp tim, điều hòa nhịp về trạng thái ổn định. Khi được sử dụng, mục tiêu của thuốc là khôi phục nhịp điệu bình thường - liên tục hoặc trong trường hợp cấp cứu tim. Trong trường hợp loạn nhịp tim mạn tính, những can thiệp dược lý này có thể được kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc.

Không phải ai bị rối loạn nhịp tim cũng phải dùng thuốc.

Không phải ai bị rối loạn nhịp tim cũng phải dùng thuốc.

Các loại thuốc chống loạn nhịp tim

Các loại thuốc chống loạn nhịp tim khác nhau, có các cơ chế hoạt động khác nhau. Tất cả các loại thuốc này đều làm thay đổi độ dẫn của ion màng, trực tiếp hoặc gián tiếp, sau đó làm thay đổi các đặc điểm vật lý của điện thế hoạt động của tim. Dưới đây là một số loại thuốc chống loạn nhịp tim phổ biến nhất:

Nhóm thuốc chống loạn nhịp (amiodaron, dronedaron, sotalol, propafenon...) có tác dụng kéo dài thời gian trơ của tim và ngăn chặn tính tự động bất thường của nhịp tim.

Nhóm thuốc chẹn beta (metoprolol, atenolol, bisopropol) có tác dụng làm chậm nhịp tim, thư giãn cơ tim nên làm giảm gánh nặng hoạt động của tim và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.

Nhóm thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem…) có tác dụng giãn mạch và làm giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.

Cũng có những thuốc chống loạn nhịp chưa được phân loại, chẳng hạn như adenosine, đạt được tác dụng chống loạn nhịp bằng cách làm chậm sự dẫn truyền của tim (đặc biệt ảnh hưởng đến sự dẫn truyền qua nút nhĩ thất).

Digoxin là một glycoside tim làm tăng sức co bóp cơ tim và giảm dẫn truyền xung điện tim qua nút nhĩ thất.

Những rủi ro tiềm ẩn

Cũng giống như với bất kỳ loại thuốc nào, thuốc chống loạn nhịp tim có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất là chứng rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn. Đây cũng là một nghịch lý khi cố gắng dùng thuốc để điều trị chứng loạn nhịp tim.

Những loại thuốc này cũng khá độc với số lượng quá nhiều và quá liều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ quy định rằng chỉ nên dùng tối đa 2,2gam amiodarone trong vòng 24 giờ. Mức độ độc hại liên quan đến liều lượng không chính xác khác nhau, nhưng các triệu chứng có thể bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, buồn ngủ và tác dụng kháng cholinergic khi dùng quá liều nhẹ và co giật, hạ huyết áp, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim và hôn mê khi dùng quá liều đáng kể.

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim là loại thuốc không thể thiếu trong điều trị các bệnh lý rối loạn tim mạch. Giống như tất cả các loại thuốc Tây y khác, khi sử dụng đều có tác dụng phụ. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiểu quả cao và tránh tác dụng không mong muốn có thể gặp phải. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều hay ngưng sử dụng mà chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Và điều quan trọng cần nhớ là hãy chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt bằng cách tập thể dục vừa phải, không hút thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý và có chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp cho trái tim của bạn luôn ở trạng thái tốt nhất để ngăn ngừa rối loạn nhịp tim và các bệnh lý tim mạch khác.


DS. Nguyễn Trang
Ý kiến của bạn