Hà Nội

Rủi ro nghề y cần được nhìn nhận và bảo vệ

BS. Ngô Đức Hùng

BS. Ngô Đức Hùng

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai

04-03-2014 06:45 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Câu chuyện xảy ra hết sức tình cờ, rơi vào hai khoảng thời gian khác nhau và nhân vật chính của chuyện lại chính là hai người bạn thân của tôi. Chúng giống nhau một cách kỳ lạ đến mức tôi đã nhảy dựng lên khi gặp lại nó.

Câu chuyện xảy ra hết sức tình cờ, rơi vào hai khoảng thời gian khác nhau và nhân vật chính của chuyện lại chính là hai người bạn thân của tôi. Chúng giống nhau một cách kỳ lạ đến mức tôi đã nhảy dựng lên khi gặp lại nó.

Chụp Xquang chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.

Chụp Xquang chỉ là một trong những yếu tố nguy cơ chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.

Chuyện thứ nhất xảy ra với một người bạn tốt nghiệp bác sĩ nội trú, đi làm đến giờ cũng giống như tôi, đã được 7 năm. Một bệnh nhân đứng tuổi đến khám vì triệu chứng nhiễm khuẩn tiết niệu. Bệnh nhân đã được hỏi về kinh nguyệt và việc có thai hay không, câu trả lời là không biết. Anh ta cho bệnh nhân xét nghiệm HCG test âm tính. Vậy là bệnh nhân được đi chụp Xquang, cho thuốc về điều trị vài ngày, rồi quyết định chuyên môn cần chụp CT bụng loại trừ những dị dạng đường niệu. Sau đó được bổ sung thuốc về điều trị tiếp.

3 tuần sau, bệnh nhân không thấy kinh, đi khám lại tại một cơ sở khác phát hiện thấy thai trong buồng tử cung. Bệnh nhân khám ở đâu đó nữa và vội vàng tự đi phá thai rồi quay lại kiện bác sĩ với lý do chụp CT khi có thai gây nguy cơ dị dạng. Ròng rã 6 tháng liền đòi bồi thường, nhắn tin, rồi lập hẳn trang facebook bêu riếu các kiểu, rồi lên các forum đem ra bàn tán, mổ xẻ hết sức kinh dị câu chuyện này với các bà nội trợ rảnh rỗi. Đỉnh điểm là hẳn mấy trang mạng có tiếng đăng đơn kiện và phỏng vấn tìm hiểu một cách hết sức hào hứng.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao và từ đâu người ta truyền tai nhau cái chuyện không được chụp Xquang ở phụ nữ có thai kẻo gây dị dạng thai nhi. Đùa. Hàng ngày người ta phơi cái mặt giữa trời, hứng tia tử ngoại vào người mỗi năm lượng tia có đến hàng nghìn lần chụp phim, mà cả đời vui vẻ có sao đâu. Dị dạng thai nhi do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, từ ăn uống đến ngay cả cái tuổi đứng lên đứng xuống kia cũng đã gây nguy cơ cao gấp nhiều lần chụp 1 cái phim rồi. Còn nữa, nếu ai đọc và tìm hiểu về lịch sử phát triển ngành y thì ngày xưa khi chưa có siêu âm, các bà đẻ khó hay đa thai toàn phải chụp Xquang bụng để bác sĩ xem ngôi thai đã thuận chưa, có sinh đôi không. Rồi từ khi siêu âm ra đời, nó không còn cần thiết nữa và dần bị lãng quên. Mình vẫn không hiểu tại sao và từ bao giờ một chút tia X đó trở thành con ngáo ộp phủ bóng tối lên đầu các bà bầu và gây áp lực lên nhân viên y tế mặc dù nó được cho vào yếu tố nguy cơ chứ không phải nguyên nhân. Bởi nếu chúng trở thành nguyên nhân thì dân châu Phi có lẽ đến giờ chết hết vì ung thư và dị dạng rồi.

Câu chuyện thứ hai xảy ra với một người bạn tôi đang định cư tại Nhật Bản, một nước phát triển hàng đầu thế giới, y tế miễn chê. Bạn lấy chồng và có 1 đứa con, năm nay có ý định thêm đứa nữa nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. Một ngày bạn đau bụng, vào cấp cứu, bác sĩ phát hiện ra bị viêm tụy cấp rồi chỉ định cho chụp CT bụng. Cô ấy bảo với bác sĩ rằng, vợ chồng tôi đang chờ có con nên không biết đã có gì hay chưa. Bác sĩ cho thử HCG test âm tính nên cô ấy được cho đi chụp CT bụng xác định viêm tụy cấp, về nhà điều trị thuốc 2 tuần.

Đến tuần thứ 3, cô bạn không thấy kinh nguyệt nên vội vàng đi khám bác sĩ sản khoa và được thông báo có thai được khoảng gần 1 tháng. Bạn mình tá hỏa nói với bác sĩ sản, tôi bị chụp CT bụng vì viêm tụy cấp cách đây 2 tuần có sao không? Bác sĩ sản nói, cô bị viêm tụy cấp nên ưu tiên sức khỏe mẹ là chính, nếu cần thì bỏ thai đi. Bạn mình quay lại bác sĩ tiêu hóa đang điều trị viêm tụy, bác sĩ bảo cứ về đi 2 tháng sau quay lại, bệnh viêm tụy ổn rồi thì chẳng có lý do gì bỏ cái thai đấy cả. Vẫn không yên tâm, cô bạn gọi điện cho tôi trình bày lo lắng. Tôi cười bảo bạn hãy nghe bác sĩ tiêu hóa khuyên đi vì bác sĩ tiêu hóa là người nắm được bệnh hiện tại của bạn tốt nhất. Còn chuyện chụp CT chỉ là yếu tố nguy cơ rất nhỏ không đáng để quan tâm. Cái sợ nhất là viêm tụy tái phát trong lúc mang thai, bác sĩ nói ok là ok. Và cô ấy quyết định đẻ. Câu chuyện hết sức nhẹ nhàng.

Nhân tiện tôi kể cho nó chuyện của anh bạn tôi bị kiện vì chuyện tương tự này. Đứa bạn ở nước ngoài gào lên: Ối giời, bên này mà kiện sai người ta phạt cho chết luôn.

Hai câu chuyện giống hệt nhau xảy ra ở hai khoảng thời gian khác nhau, tại hai đất nước khác nhau, có kết cục khác nhau. Có lẽ đây là điều đáng suy nghĩ về cách hành xử cũng như tầm văn hóa của con người. Do vậy, không phải việc gì cũng do lỗi của người bác sĩ, đôi khi những rủi ro nghề nghiệp cũng cần phải nhìn nhận và được bảo vệ.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS

BS. Ngô Đức Hùng

Ý kiến của bạn