Rủi ro khi dùng thuốc gây mê

04-10-2016 14:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Có nhiều nguyên nhân gây ra các ca tử vong trong hoặc sau phẫu thuật, trong đó có không ít trường hợp do thuốc gây mê gây nên.

Có nhiều nguyên nhân gây ra các ca tử vong trong hoặc sau phẫu thuật, trong đó có không ít trường hợp do thuốc gây mê gây nên. Mặc dù đã hiểu rõ cơ chế tác dụng của các thuốc gây mê nhưng chúng ta vẫn chưa nhận thức được tất cả và tiên lượng chính xác những đáp ứng của bệnh nhân khi tiếp xúc với các chất gây ức chế thần kinh này.

Những yếu tố nguy cơ thường gặp

Có thể lúc đầu bệnh nhân sẽ không gặp trở ngại gì trong lúc gây mê nhưng sau một thời gian ngắn nếu các thuốc gây liệt sử dụng không được “đảo nghịch” - nghĩa là khử tác dụng của chúng bằng các chất đối kháng, bệnh nhân đang mê sâu hoặc liệt sẽ không tự thở được và bị thiếu ôxy.

Một nguyên nhân nữa gây tử vong thường gặp là việc dùng các thuốc an thần mạnh để bệnh nhân dễ chịu hơn khi thực hiện các thủ thuật “nhỏ”. Đôi khi những thuốc mạnh này lại được sử dụng bởi các nhân viên chưa được đào tạo đến nơi đến chốn và thiếu sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa gây mê. Ngoài tác dụng an thần, các thuốc này còn gây ức chế hô hấp (bệnh nhân ngưng thở) dẫn đến thiếu ôxy.

Sử dụng thuốc giảm đau gây thư giãn tâm thần mà không làm mất ý thức, tuy nhiên, ranh giới giữa hai tình trạng này rất mơ hồ và liều lượng thuốc sử dụng an toàn cho một bệnh nhân này có thể gây mất ý thức ở một bệnh nhân khác.

Trong quá trình phẫu thuật, trong một số trường hợp, máy thở có thể hoạt động sai lệch và không cung cấp các khí thở một cách thích hợp. Ngoài ra, việc tăng áp lực trong 2 phổi sẽ làm tổn thương phổi (tràn khí màng phổi). Áp suất này có thể tiếp tục gia tăng ngoài phổi đè ép lên các mạch máu có chức năng đưa máu trở về tim, do đó làm giảm cung lượng tim. Bệnh nhân có thể diễn tiến đến tử vong trừ phi phát hiện được tràn khí màng phổi và đặt ống dẫn lưu giảm áp qua thành ngực.

Dùng quá liều thuốc gây mê thể khí và thuốc gây mê tĩnh mạch sẽ làm tim ngừng đập. Mỗi bệnh nhân đều có những đáp ứng hơi khác nhau đối với thuốc gây mê. Một liều “trung bình” thuốc gây mê có thể gây ra sự cố ở những tình huống đặc biệt, như trong những trường hợp bệnh nhân bệnh nặng hoặc giảm thể tích máu. Bác sĩ gây mê cần nắm vững và nhận diện được những vấn đề này khi chúng xảy ra.

Một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đặc biệt như loạn dưỡng cơ, bỏng, tổn thương tủy sống… là những nguy cơ cao gây phản ứng thuốc.


	Gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Các thuốc gây phản ứng

Phản ứng dị ứng thuốc thường đe doạ tính mạng bệnh nhân, chỉ có thuốc gây mê thể khí không gây phản ứng. Các thuốc gây dị ứng làm tụt huyết áp, khó thở và dẫn đến mất khả năng tự thở. Các phản ứng này thường gặp khi dùng các thuốc phối hợp với thuốc mê, như các thuốc giãn cơ (tác nhân gây liệt), các thuốc gây mê tĩnh mạch và các kháng sinh.

Các thuốc gây tê tại chỗ đã được phát hiện cách đây 100 năm. Đó là các thuốc có gốc “caine”, novocaine, bupivicaine... Các thuốc này dùng tiêm chích hoặc thoa ngoài (ví dụ: kem bôi trĩ) để gây tê. Các thuốc gây tê tại chỗ thường xuyên được dùng bởi bác sĩ chuyên khoa gây mê hoặc bác sĩ không chuyên khoa.

Nếu thuốc gây tê tại chỗ được tiêm vào mạch máu với lượng nhiều, bệnh nhân có thể bị co giật và ngừng tim. Các chuyên gia gây mê hiểu rất rõ về vấn đề này vì họ thường dùng các thuốc này để gây tê tuỷ sống, gây tê ngoài màng cứng và một số thủ thuật phong bế thần kinh. Chẩn đoán và cấp cứu nhanh chóng sẽ tránh được tử vong.

Tuy nhiên, đôi khi bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ chuyên khoa tiêu hoá hoặc chuyên khoa da liễu có đánh giá không đầy đủ về độc tính của các thuốc này và không được chuẩn bị để đối phó với các biến chứng. Ví dụ, một kỹ thuật hút mỡ đã sử dụng một lượng lớn chất gây tê tại chỗ pha loãng tiêm dưới da. Nếu thuốc được hấp thu quá nhanh hoặc dùng nồng độ thuốc quá cao, ngộ độc sẽ có thể xảy ra. Nhiều trường hợp tử vong đã được báo cáo gần đây về vấn đề này.

Sự chú ý và thận trọng của thầy thuốc luôn là cần thiết ngay cả trong những trường hợp tưởng chừng như đơn giản nhất, bởi vì có thể có những vấn đề không lường trước được xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào. Mệt mỏi, stress, thiếu ngủ sẽ khiến phản ứng trở nên chậm chạp đối với các tình huống khẩn cấp.

Chuyên gia gây mê cần phải tiên lượng và phản ứng nhạy bén với những thay đổi do tình trạng phẫu thuật và những diễn biến xảy ra do đáp ứng thuốc men ở từng người bệnh. Bác sĩ chuyên khoa gây mê và các chuyên viên gây mê cần được huấn luyện thật tốt để có thể tiên lượng được một cách cặn kẽ nhất tình trạng của bệnh nhân.


BS. Khanh Ngọc
Ý kiến của bạn
Tags: