Rủi ro cháy nổ tiềm ẩn từ xe điện giá rẻ, không rõ nguồn gốc

21-06-2024 13:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngoài việc chất lượng bị xuống cấp nhanh, xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ trong mùa mưa hay mùa nồm, vì ắc quy dễ bị ẩm và nhanh hỏng.

Những điều cần biết để ngăn ngừa nguy cơ cháy khi sạc xe điệnNhững điều cần biết để ngăn ngừa nguy cơ cháy khi sạc xe điện

SKĐS - Bên cạnh những tiện ích của xe điện, có nhiều vấn đề được quan tâm, trong đó có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện của xe.

Liên tiếp thu giữ xe điện không rõ nguồn gốc xuất xứ

Chị Nguyễn Mai Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cách đây mấy năm chị có mua một chiếc xe điện "no-name" (không có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng) có giá hơn chục triệu đồng với suy nghĩ vừa tiết kiệm chi phí, vừa thân thiện môi trường để đi làm hàng ngày. Nhưng sau 3 năm sử dụng, với vài lần thay ắc quy, chị cảm thấy hết kiên nhẫn với chiếc xe và quyết định rao bán.

Tuy nhiên, sau cả tháng đăng tin, chiếc xe vẫn chưa tìm được chủ mới. "Mọi người chắc hiểu rõ điểm yếu về chất lượng của xe điện không rõ nguồn gốc nên xe đã qua sử dụng hầu như không bán được cho ai, thôi đành bỏ xó. Tổng chi phí gần 20 triệu cho chiếc xe giờ đi tong, tưởng rẻ mà hoá ra không rẻ!", chị Mai Anh nói.

Theo chia sẻ của nhiều người, ngoài việc chất lượng bị xuống cấp nhanh, xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ trong mùa mưa hay mùa nồm, vì ắc quy dễ bị ẩm và nhanh hỏng. Nhiều xe sau một thời gian ngắn sử dụng còn gặp tình trạng khó tăng giảm tốc độ như mong muốn.

Rủi ro cháy nổ tiềm ẩn từ xe điện giá rẻ, không rõ nguồn gốc- Ảnh 2.

Xe điện không rõ nguồn gốc, tem mác, dễ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang tiến hành xác minh và làm việc với ông Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất Quốc An liên quan đến nghi vấn kinh doanh hàng hoá nhập lậu là 64 chiếc xe điện. Toàn bộ số hàng hóa trên được ông Hòa khai mua gom trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời. Trên sản phẩm của các hàng hóa có ghi chữ nước ngoài và là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. 

Tại tỉnh Bình Định, từ 27- 29/5, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định phối hợp với lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 89H-012xx, phát hiện 93 xe máy điện các loại và 413 sản phẩm phụ tùng xe điện. Được biết đây là xe chở hàng từ Lạng Sơn vào TPHCM.

Cũng khoảng thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 3 tiếp tục kiểm tra xe ô tô tải phát hiện và tạm giữ 26 chiếc xe đạp điện, 41 chiếc xe máy điện các loại và 1.000 chiếc đèn (led) xe điện, 5 động cơ xe điện, 5 bộ điều khiển. Thời điểm kiểm tra, các lái xe không xuất trình được hóa đơn hợp lệ, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa tạm giữ khoảng 1 tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Thanh Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay, các mẫu xe điện phổ biến trên thị trường sử dụng 2 loại động cơ là ắc quy và pin 100%. Những xe điện có thương hiệu đều được sản xuất và kiểm định an toàn, trong đó có phòng chống cháy nổ. Nhưng bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loại xe đạp điện, xe máy điện không rõ nguồn gốc, thương hiệu được bán tại các cửa hàng nhỏ lẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi không được kiểm định quy chuẩn an toàn.

Khi một chiếc xe bị cháy, nổ bình điện/ắc quy sẽ lan ra các xe khác dẫn đến tình trạng nổ lớn. Như trong vụ cháy tại ngõ 119 Trung Kính (Hà Nội), nhiều nhân chứng cho biết nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn trước khi ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Điều này cho thấy, việc cháy xe điện theo hệ thống là có thể xảy ra. Do đó, người dân cần thận trọng, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được công nhận hợp chuẩn, hợp quy.

Pin xe trôi nổi dễ cháy nổ không kiểm soát

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, tất cả các dòng xe khi bán ra thị trường đều phải được kiểm tra đánh giá chất lượng qua Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Ông Lê Yên Thanh, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa MaaS, xe đạp điện gắn bình điện hay pin đều có nguy cơ cháy, nổ như nhau. Pin sử dụng trong xe đạp điện là pin lithium - loại pin dùng cho điện thoại và laptop. Các hãng sản xuất xe dùng loại pin tốt, xấu khác nhau. Pin tốt bảo đảm quy chuẩn về an toàn, còn pin kém chất lượng sẽ có mạch điện tử bảo vệ pin kém, thiếu hụt cực âm dương. 

Khi gặp các yếu tố như sạc quá mức, bị nguồn nhiệt từ bên ngoài ảnh hưởng hoặc bị tác động cơ học như va đập, pin sẽ bị phù, nóng lên và phát cháy. Pin có chất lượng tốt nhưng nếu dùng quá lâu ngày, được cắm sạc qua đêm nhiều lần cũng bị quá tải, ảnh hưởng đến công suất và dễ cháy, nổ khi bị va đập.

Nguy cơ cháy, nổ cũng xảy ra với xe dùng bình điện, nếu bình kém chất lượng, mối nối trên bình không được cách điện tốt, chì và a-xít trong bình bị tràn ra ngoài hoặc dùng lâu ngày nhưng không bảo dưỡng, sạc bình quá lâu, nguồn điện sạc không ổn định. "Mỗi sản phẩm pin/ắc quy, mô tơ trên xe đều có công suất nhất định. Việc các chủ cửa hàng tự thay đổi kết cấu, độ thêm nhiều phụ kiện dễ dẫn tới quá tải nguồn điện, hoặc khiến thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện làm xe phát nổ" - ông Lê Yên Thanh khuyến cáo.

Ngoài ra, sự nguy hiểm cháy nổ của xe điện liên quan chủ yếu tới kích thước và dung lượng của các khối pin. Các khối pin có năng lượng càng lớn thì càng dễ gây ra những rủi ro về cháy. Một khi pin xe điện cháy sẽ rất khó kiểm soát. Pin Lithium-ion (pin thường sử dụng cho xe điện) cháy ở nhiệt độ cực cao, có thể kéo dài nhiều ngày và gây ra thiệt hại lớn. Chúng có thể bùng phát trở lại ngay sau khi ngọn lửa tưởng như đã được dập tắt. Nếu không được quản lý đúng cách, cháy pin có thể thải ra khí và chất hóa học cực độc trong nhiều giờ và rất khó xử lý.

Thực chất loại phương thiện này không dễ cháy nổ, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách thì vẫn có thể xảy ra những trường hợp không mong muốn. Nhiều người mua xe điện giá rẻ rồi cứ thế đi không quan tâm đến bảo dưỡng định kỳ nên nguy cơ xảy ra cháy nổ cao hơn.

Đặc biệt, xe điện nếu sạc qua đêm, quá thời gian pin mà không được rút điện cũng có thể xảy ra cháy nổ. Hay pin/ắc quy sử dụng lâu ngày, bị chai cũng gia tăng nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Do vậy người dân nên chọn mua xe của những thương hiệu uy tín, được kiểm định về độ an toàn. Không mua những dòng xe giá rẻ, trôi nổi trên thị trường. Quá trình sử dụng, người dân cần tuân thủ cần chở đúng số người quy định, định kỳ kiểm tra bảo dưỡng ắc quy, pin và hệ thống điện. Một trong những lưu ý quan trọng khi sử dụng xe điện là cần thay bình ắc quy hoặc pin sau khoảng 2 năm sử dụng.

Giải pháp nào đảm bảo PCCC cho các trạm sạc xe điện?Giải pháp nào đảm bảo PCCC cho các trạm sạc xe điện?

SKĐS - Các trạm sạc xe điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do chập điện và quá tải.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 21/6 | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn