Rubella nguy hiểm cho thai phụ - Vì sao?

09-05-2014 06:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường như hiện nay là yếu tố thuận lợi cho bệnh Rubella xuất hiện và lây lan thành dịch.

Thời tiết thay đổi, mưa nắng thất thường như hiện nay là yếu tố thuận lợi cho bệnh Rubella xuất hiện và lây lan thành dịch. Đây là bệnh do virut gây ra cho người lớn và trẻ em, nhưng đặc biệt ở thai phụ có thể gây dị dạng thai nhi nếu người mẹ bị nhiễm bệnh ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Hơn nữa, biểu hiện của Rubella là sốt kèm theo phát ban, vì vậy có thể nhầm với một số bệnh khác, nhất là bệnh sởi, trong khi đó ở nước ta hiện nay đang có dịch sởi xuất hiện.

Rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Bệnh Rubella (còn gọi là bệnh sởi Đức), gặp chủ yếu ở trẻ nhưng người lớn vẫn có thể bị nếu chưa có miễn dịch, trong đó phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ cần hết sức lưu ý, không nên xem thường vì có thể gây dị tật thai nhi.

Hình ảnh virut RNA gây bệnh Rubella.

Hình ảnh virut RNA gây bệnh Rubella.

Bệnh Rubella thường có 3 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh (nung bệnh) thường kéo dài khoảng từ 2 - 3 tuần lễ ngay sau khi có sự tiếp xúc với nguồn bệnh. Giai đoạn này thường không có biểu hiện gì khác thường, vì vậy, khó phát hiện, sau giai đoạn nung bệnh là bệnh khởi phát, có sốt nhẹ (khoảng 37,3 - 38oC), chảy nước mũi, ho, có khi đi ngoài phân lỏng và phát ban (rất giống bệnh sởi). Đối với trẻ lớn và người trưởng thành thì có sốt cao hơn, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, chảy nước mũi, đôi khi mắt bị đỏ và phát ban. Ban của bệnh rubella lúc đầu xuất hiện ở da vùng mặt, sau đó lan ra thân mình, tứ chi. Ban dạng dát sần, màu đỏ, mọc rải rác, từng đốm trên một vùng da, có thể kèm theo đau, sưng khớp và ngứa. Triệu chứng đau và sưng khớp trong bệnh Rubella thường gặp nhiều nhất ở phụ nữ lớn tuổi (chiếm tỷ lệ khoảng 70%), kéo dài một thời gian sau khi ban và các triệu chứng khác của bệnh đã hết. Ngoài ra xuất hiện nổi hạch sau tai, hai bên cổ nhưng không đau.

Sau khi hết sốt là giai đoạn lui bệnh, các ban lặn mất dần và không theo tuần tự (khác hẳn với bệnh sởi). Bệnh Rubella có thể gây biến chứng, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, nhất là 3 tháng đầu của thai kỳ do bào thai đang ở trong giai đoạn phân bào và hình thành các cơ quan. Lúc này, virut sẽ phá hủy hoặc làm chậm sự phát triển của phôi thai gây nên các dị tật bẩm sinh cho trẻ. Dị tật gặp ở thai nhi sau khi sinh (bệnh Rubella bẩm sinh) có thể là điếc, tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bại não hoặc các dị dạng về xương.

Đục nhân mắt - một biến chứng của Rubella khi mang thai.

Đục nhân mắt - một biến chứng của Rubella khi mang thai.

Cần phân biệt với bệnh sởi

Bệnh Rubella có thể nhầm với bệnh sởi bởi có một số biểu hiện tương đối giống nhau. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ từ 1 tuổi trở lên và có thể gặp ở những trẻ lớn mà chưa có miễn dịch chống virut sởi. Thời kỳ nung bệnh của bệnh sởi ngắn hơn bệnh Rubella (khoảng từ 7 - 10 ngày). Bệnh khởi phát sốt đột ngột trên 38oC, mắt ướt, nhiều ghèn làm cho mắt bị kèm nhèm, chảy mũi nước, ho và có thể bị rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy). Đặc biệt khi bệnh sởi toàn phát thì sốt rất cao, có khi thân nhiệt lên tới 39 - 40oC, thể trạng li bì, mệt mỏi nhiều. Ban của sởi xuất hiện đầu tiên ở sau tai rồi lan ra mặt, mắt, cổ, thân mình và tứ chi trong vòng từ 1 - 2 ngày. Khi hết sốt thì ban sởi bắt đầu mất dần (sởi bay) và sau khi sởi bay có để lại các nốt thâm trên da trong một thời gian làm cho da bị loang lổ trông giống da hổ. Các ban của sởi mất dần theo tuần tự (nơi nào ban xuất hiện trước thì bay trước, xuất hiện sau thì bay sau). Bệnh sởi cũng có nhiều loại biến chứng khác nhau nhưng thông thường hay gặp nhất là gây viêm phổi, viêm phế quản - phổi từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Ngoài ra, bệnh sởi cũng có thể gây biến chứng viêm tai, viêm xoang, viêm răng lợi (nguy hiểm nhất là gây nên bệnh cam tẩu mã), viêm loét giác mạc mắt.

Lời khuyên của bác sĩ

Khi nghi ngờ bị bệnh Rubella, cần đi khám bệnh để được xác định bệnh. Với trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ thì có thể cho trẻ ở nhà và chăm sóc tại gia đình, với phụ nữ đang mang thai cần khám ở khoa sản phụ để được tư vấn cụ thể cho từng trường hợp. Cần cách ly với trẻ lành và những người chưa có miễn dịch chống bệnh Rubella, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Cần quan tâm đến chế độ ăn, uống của trẻ bị bệnh, tốt nhất là cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu (cháo, súp, sữa...), uống nhiều nước (dung dịch orezol, các loại nước hoa quả tươi) để bù lượng nước và chất điện giải đã bị mất do sốt.

Việc phòng bệnh Rubella hữu hiệu nhất là tiêm phòng vaccin: Hiện nay có loại vaccin phối hợp quai bị, sởi và Rubella (MMR). Đối với trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi cần tiêm 2 mũi vaccin phòng bệnh Rubella. Mũi thứ hai tiêm nhắc lại sau 2 - 3 năm sau khi tiêm mũi thứ nhất, nhưng nhớ là không để quá khi trẻ 10 - 12 tuổi. Trẻ lớn trên 13 tuổi và người lớn chưa có miễn dịch đối với bệnh Rubella thì chỉ tiêm 1 mũi vaccin. Những phụ nữ đang độ tuổi sinh đẻ nếu chưa tiêm vaccin Rubella hoặc chưa mắc bệnh Rubella bao giờ muốn chuẩn bị mang thai thì nên tiêm vaccin phòng bệnh trước đó ít nhất là 3 tháng để cơ thể có đủ kháng thể chống lại bệnh khi đang mang thai.

Một số trường hợp sau đây không nên tiêm vaccin phòng bệnh Rubella: phụ nữ đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, những trường hợp xác định bị dị ứng với thuốc kháng sinh neomyxin, những trường hợp bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc làm giảm miễn dịch (bệnh nhân đang dùng thuốc chống ung thư, bệnh nhân AIDS...), đang mắc bệnh ác tính về máu hoặc đang mắc các bệnh nhiễm khuẩn nặng (cấp tính hoặc mạn tính).

BS. Bùi Anh

 


Ý kiến của bạn