Rửa tay thường xuyên giúp phòng ngừa COVID-19 và giảm 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp

15-10-2020 08:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp dự phòng COVID-19 có hiệu quả, chi phí thấp, và có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô... có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

 

Từ ngày 8/10 - 15/10/2020, Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI Việt Nam) phối hợp với Sở Y Tế và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh các tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Ninh tổ chức tuần lễ rửa tay nhằm hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng 15/10 tại các nhà máy trên địa bàn, tiếp cận hơn 15.000 công nhân.

Trong hai giai đoạn của cuộc chiến với đại dịch COVID-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực quản lý và triển khai các công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, sự đồng lòng của các cấp chính quyền và nhân dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như dự thảo mở cửa đường bay quốc tế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô... có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

Chính vì vậy, các biện pháp dự phòng cá nhân cần được duy trì để ngăn ngừa dịch bệnh. Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp dự phòng COVID-19 có hiệu quả, chi phí thấp, và có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên với xà bông/xà phòng/dung dịch rửa tay khô... có thể giảm được 44% sự lây truyền các bệnh hô hấp.

Tuần lễ rửa tay hưởng ứng ngày thế giới rửa tay với xà phòng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà máy và công nhân với số lượng tiếp cận khoảng 15.000 người tham gia thông qua các kênh truyền thông và 4.000 người tham gia trực tiếp tại sự kiện với những hoạt động ý nghĩa như ghi dấu tay cam kết rửa tay với xà phòng, hướng dẫn thực hành rửa tay với thiết bị rửa tay di dộng và trao tặng các sản phẩm dự phòng như dung dịch rửa tay khô, khẩu trang cho người tham dự.

Chương trình là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER) do Bộ phát triển quốc tế Anh (DFID) và các đối tác đồng tài trợ, được PSI Việt Nam thực hiện trên 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên với mục tiêu  nâng cao kiến thức và áp dụng các biện pháp dự phòng bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng; tăng cường sự đóng góp của khu vực tư nhân để giảm thiểu ca mắc COVID-19 thông qua việc đẩy mạnh các biện pháp dự phòng và củng cố hệ thống giám sát quốc gia. Dự án dự kiến tiếp cận khoảng 6.5 triệu người, bao gồm các y bác sĩ, dược sĩ tại các cơ sở y tế tư nhân và người dân trực tiếp hoặc gián tiếp tới khám chữa bệnh hoặc mua thuốc.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Giám đốc PSI Việt Nam chia sẻ, PSI nhận thấy chuỗi sự kiện này là cơ hội tốt để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các thói quen vệ sinh đơn giản nhưng có ý nghĩa cao trong công tác dự phòng dịch bệnh. Đây cũng là một trong những thông điệp mà dự án PEPHER muốn truyền tải tới cộng đồng. Và chúng tôi cũng rất vui khi thấy các cá nhân cũng như đối tác khối tư nhân đã có những hành động thiết thực, chung tay cùng chính phủ trong cuộc chiến với dịch COVID-19


Truyền thông về rửa tay để phòng chống dịch bệnh

Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế (PSI) là tổ chức phi chính phủ được thành lập từ năm 1970, hiện diện tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2005, PSI đã sử dụng các kỹ thuật tiếp thị xã hội để cải thiện các hành vi sức khỏe liên quan đến nước và vệ sinh an toàn, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, lao, HIV / AIDS, viêm gan C, sốt rét và sức khỏe sinh sản...


Thái Bình
Ý kiến của bạn