Hà Nội

Rửa tay bằng xà phòng - Giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm

22-09-2014 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, rửa tay được coi là liều vaccin tự chế, đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện, có thể cứu sống hàng triệu người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, rửa tay được coi là liều vaccin tự chế, đơn giản, hiệu quả, dễ thực hiện, có thể cứu sống hàng triệu người. Chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp tới 19-45%...

Bàn tay bẩn là nơi vi sinh vật gây bệnh tồn tại và phát triển. Qua bàn tay bẩn, cơ thể chúng ta, đặc biệt là trẻ em rất dễ bị nhiễm các bệnh: tiêu chảy, viêm phổi, tay - chân - miệng, nhiễm giun sán, cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác. Theo nhiều báo cáo của các chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn trong và ngoài nước thì các bệnh truyền nhiễm đã và đang diễn ra trong cộng đồng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách giữ gìn vệ sinh, trong đó có rửa tay bằng xà phòng là biện pháp cơ bản nhất.

Rửa tay giúp trẻ phòng bệnh. Ảnh: TM

Rửa tay giúp trẻ phòng bệnh. Ảnh: TM

Theo PGS.TS. Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), 80% bệnh tật hiện nay có liên quan đến việc người dân thiếu nước sạch, thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, trong đó có việc người dân không có thói quen rửa tay bằng xà phòng... Thế nhưng, theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tại Việt Nam chỉ có 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, chỉ có 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Đây chính là nguyên nhân khiến người dân, đặc biệt là trẻ em dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn qua đường hô hấp và tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ, tiêu chảy do Rotavirus, nhiễm giun sán, nhiễm cúm, bệnh tay - chân - miệng, nhiễm sởi... là những căn bệnh nguy hiểm mà con người có thể phòng ngừa một cách dễ dàng thông qua ý thức giữ vệ sinh cho đôi bàn tay. Theo ông Nga, việc rửa tay bằng xà phòng tưởng như chỉ là chuyện nhỏ, nhưng trên thực tế, thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả, trong đó có bệnh tay - chân - miệng không chỉ giúp cho trẻ em mà còn cho cả người lớn.

ThS.BS. Định Thạc - BV Nhi đồng 1 - TP. Hồ Chí Minh cho biết, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lây lan bệnh tật cho cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay và kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người. Rửa tay thường xuyên sạch sẽ đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, chính là nguyên nhân gây tử vong cho hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em.

Thế nhưng trên thực tế, thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng chưa cao, đặc biệt là rửa tay chưa đúng cách. Thông thường khi rửa tay, mọi người chỉ sử dụng một lượng nhỏ xà phòng, xát qua lòng bàn tay và rửa nhanh lại với nước. Hầu hết người dân không chú ý đến việc rửa sạch mu bàn tay, cũng như các kẽ tay và kẽ móng tay, nơi tập trung chủ yếu của các mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Theo nghiên cứu của các chuyên gia của WHO đưa ra và được Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện, rửa tay bằng xà phòng thôi không đủ mà phải rửa đúng cách theo 6 bước thì mới đạt được hiệu quả cao trong việc diệt trừ vi khuẩn. “Vì vậy, việc tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng trong cộng đồng nhằm giảm các bệnh và vì một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh”- ông Nga nhấn mạnh.

6 bước rửa tay đúng cách

- Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

- Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

- Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

- Bước 5: Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

Rửa tay thường xuyên sạch sẽ đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy.

Mai Thanh

 


Ý kiến của bạn