1. Rửa mũi cho trẻ khi nào?
Rửa mũi là phương pháp phổ biến giúp loại bỏ bụi bẩn, làm sạch các chất dịch nhầy trong mũi, giảm nguy cơ kích ứng, hỗ trợ quá trình hô hấp, tăng lượng không khí lưu thông qua mũi và làm thông thoáng đường thở, hạn chế các nguy cơ bị tổn thương ở vùng mũi, giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn…
Hy vọng có thể ngăn ngừa mắc một số bệnh đường hô hấp, nhiều bậc cha mẹ mua nước muối sinh lý 0,9% về rửa mũi hàng ngày cho trẻ. Tuy nhiên, theo BS. Nguyễn Hữu Thảo, Bệnh viện Sản Nhi, Vĩnh Phúc, đây là việc làm không cần thiết. Đường thở tự nhiên của con người bắt đầu từ mũi rồi vào đến họng và thanh quản, sau đó xuống khí quản, các phế quản lớn nhỏ và tận cùng là các phế nang. Đường thở của trẻ nhỏ và hẹp hơn của người lớn rất nhiều nên chỉ cần bị bít tắc một chút là trẻ sẽ dễ bị khó thở hơn người lớn.
- Nếu nước mũi của trẻ ít, không ảnh hưởng đến thở của trẻ (trẻ không phải há miệng để thở, không cáu gắt khi bú vì tắc mũi không thở được, hoặc đêm không phải thức dậy vì ho do chảy mũi sau...) thì không nên rửa mũi cho trẻ.
- Nếu nước mũi của trẻ đặc, không thở được bằng mũi mà thường xuyên há miệng để thở, ăn bú khó khăn... thì cần loại bỏ dịch nhầy mũi bằng cách rửa hoặc hút mũi để làm bé dễ chịu hơn.
2. Mối nguy khi lạm dụng rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Hiện nay, nước muối sinh lý 0,9 % là dung dịch phổ biến nhất được lựa chọn để rửa mũi. Tuy nhiên, BS. Nguyễn Hữu Thảo cho hay, nước muối sinh lý 0,9% chỉ hiệu quả khi trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi nhiều, ho có đờm, viêm xoang…
Mục đích của việc nhỏ mũi/rửa mũi là để làm sạch mũi (nếu mũi viêm, nhiều dịch). Không có khuyến cáo nào rửa/nhỏ mũi thường quy cho trẻ khỏe mạnh hằng ngày để ngừa viêm mũi. Nghĩa là cứ có mũi là rửa hoặc không có mũi nhưng ngày nào cũng rửa hoặc nhỏ mũi cho sạch.
Không những thế, nếu lạm dụng nước muối sinh lý rửa mũi sẽ làm mất lớp chất nhầy bảo vệ mũi của trẻ. Nước muối sinh lý có thể làm khô và bào mỏng niêm mạc mũi. Về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng mũi mất đi hệ miễn dịch vốn có, giảm đi khả năng chống lại vi trùng, nấm, khói bụi, vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập qua đường thở ở mũi và virus bên trong cơ thể tạo ra.
3. Lưu ý khi dùng nước muối sinh lý rửa mũi cho trẻ
Để dùng nước muối sinh lý rửa mũi an toàn cho trẻ, BS. Nguyễn Hữu Thảo khuyến cáo:
- Rửa mũi là cần thiết trong một số ít trường hợp để giúp trẻ dễ chịu hơn. Chỉ rửa khi đờm mũi làm ảnh hưởng đến thở và việc ăn uống của bé.
- Giảm dần số lần rửa và dừng khi các triệu chứng cải thiện hơn.
- Không rửa mũi thường quy cho các trường hợp chảy nước mũi.
- Lựa chọn phương pháp rửa mũi phù hợp với từng lứa tuổi: Với trẻ sơ sinh và trẻ bú mẹ (nhỏ hơn 1 tuổi) thì rửa mũi tư thế nằm nghiêng và dùng lọ nước muối sinh lý (loại 10 ml, đầu tù thân dài mềm) là thích hợp hơn. Với trẻ lớn hơn nên dùng bình rửa mũi chuyên dụng.
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị.
- Nên sử dụng các loại nước muối sinh lý chất lượng, được bán ở các nhà thuốc uy tín.
- Nên ngâm ấm lọ trước khi nhỏ mũi cho trẻ.
- Vệ sinh tay trước khi rửa mũi cho trẻ.
- Nếu nước mũi có màu vàng đục kèm dịch nhầy, cần báo cho bác sĩ để có phương pháp xử lý kịp thời và đúng cách.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc.