Rủ nhau đan giỏ để thoát nghèo

14-10-2020 14:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Có một vùng quê làm kinh tế giỏi, ở đó, đa số người nông dân và cộng đồng các dân tộc thiểu số không phải làm ruộng. Đó là thôn Tân Sinh Tây (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Họ sống bằng nghề đan lát, trong đó đan giỏ là chủ yếu.

Tạo đột phá

Một trong những người đầu tiên khởi xướng nghề đan giỏ ở Tân Sinh Tây là Hồ Ngọc Thanh (còn có biệt danh Bảy Ky). Ông Thanh từng tâm niệm rằng: Làm nghề gì cũng phải say mê và tận tâm thì sẽ không nghèo. Nhìn những người Rắk Lây quanh năm quần quật nương rẫy mà không đủ ăn, những nông dân khác thì cũng chẳng khá hơn. Muốn thoát ra tình cảnh này cần phải đột phá bằng nghề đan giỏ.

Từ sự khởi sướng của ông Thanh, trải qua hơn 30 năm, đến nay trong xã, trong huyện vẫn duy trì và phát triển ngành nghề đan giỏ đựng nông-hải sản. Ông Thanh bộc bạch rằng: Trước đây xã này nghèo lắm. Từ khi nghề đan giỏ phát triển mạnh, nhà nhà đều nói chuyện đan giỏ vì chính nghề này đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Để làm ra được một sản phẩm giỏ, đòi hỏi phải có sự kiên trì, chịu khó, có kỹ thuật, nhất là trong khâu chọn nguyên liệu làm sao cho chắc, bền, đẹp.

Mỗi hộ gia đình là một cơ sở sản xuất giỏ, tự bỏ vốn mua nguyên liệu về sản xuất và tìm nơi tiêu thụ. Từ việc có 30 người nay đã có 290 hộ tương ứng với gần 1.000 lao động trong xã làm nghề truyền thống này. Ông Mang Long (dân tộc Rắk Lây) vui mừng chia sẻ: Học cái nghề này cũng không khó. Chỉ cần cẩn thận là được thôi. Trước đây còn lo lắng đầu ra nhưng nay sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thậm chí các cơ sở sản xuất nông sản, hải sản còn đến đặt hàng trước cả tháng. Nông dân không lo thiếu việc nữa. Ai cũng cam kết không làm hàng kém chất lượng thì sẽ được khách hàng tin cậy thôi.

Người dân hăng hái đan giỏ để thoát nghèo

Ông Trần Văn Dũng, người dẫn đầu về thu nhập từ nghề đan giỏ ở thôn Tân Sinh Tây cho biết: Trung bình một chiếc giỏ đựng nông sản có giá 50.000 đồng, mỗi năm 7 lao động trong gia đình ông sản xuất trên 16.000 chiếc, sau khi trừ mọi chi phí lời trên 400 triệu đồng/năm. Trước đây đan bằng tay là chủ yếu nhưng hiện nay, khách hàng đặt hàng liên tục nên nhiều hộ gia đình đã mua thêm máy móc về để làm cho năng suất cao hơn.

Kinh nghiệm vươn lên thoát nghèo của gia đình ông Dũng được bà con trong thôn, trong xã học tập phát triển và nhân rộng. Hiện người dân cả thôn Tân Sinh Tây sống khỏe nhờ làm nghề đan giỏ. Đa số người dân coi đây là nghề chính để tăng thu nhập cho gia đình. Mỗi người trong một ngày có thể làm ra từ 8-10 sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá giao động từ 45-50.000đồng/cái, thu nhập bình quân đạt 190.000đồng/người/ngày, cao nhất là 270.000 đồng/người/ngày. Mức thu nhập này tương đối cao so với người lao động làm thuê ở những vùng quê.

Sẵn sàng truyền nghề

Sản phẩm được ưa chuộng

Từ nghề đan giỏ ở Cam Thành Bắc, đến nay đã nhân rộng ra các địa phương trong và ngoài huyện Cam Lâm như: xã Cam Hiệp Nam, Cam Hiệp Bắc, Suối Cát (Cam Lâm), Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) và một số địa phương ở huyện Khánh Sơn. Nguyên liệu làm ra sản phẩm này hiện còn rất dồi dào, đó là cây lồ ô, tre, nứa, vầu, nhất là hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu chính để nông dân phát triển nghề.

Ông Cao Dinh, nông dân sản xuất giỏi của huyện Khánh Vĩnh cho biết: Trước đây chúng tôi chủ yếu đi chặt nguyên liệu là lồ ô, vầu…xuống bán cho những người dân ở Cam Thành Bắc nhưng rồi thấy họ đan giỏ cũng hay và sẵn sàng dạy nghề cho mình nên những người Rắk Lây ở Khánh Vĩnh cần mẫn rủ nhau xuống học nghề, bây giờ không chỉ đi lấy nguyên liệu bán mà còn tự sản xuất nữa, cuộc sống đã khá lên rất nhiều.

Theo Hội nông dân xã Cam Thành Bắc, người dân trong xã rất tâm huyết với việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống đan giỏ. Chính thế nên xã luôn khích lệ và ủng hộ. Sản phẩm truyền thống của làng, của xã đã có từ lâu, nhưng đặc biệt từ mấy năm nay, sau khi nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản phát triển thì sản phẩm giỏ càng được tiêu thụ mạnh và vươn ra thị trường các tỉnh duyên hải Miền Trung và Quảng Nam đến bà Rịa - Vũng Tàu. Nhờ chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp, nhất là những tháng được mùa thủy, hải sản, sản xuất ra không đủ cầu, trở thành nghề chủ lực, đóng góp phần lớn giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của địa phương, từ đó người nông dân được đảm bảo cuộc sống, nhiều hộ đã làm giàu.


Bài, ảnh: Hà Đạo - Hồng Quang
Ý kiến của bạn