Chợ phiên thường họp trong khoảng thời gian từ 27 đến 30 tháng Chạp, khi những người con xa quê đã trở về và ai cũng muốn chuẩn bị thật chu đáo cho năm mới đoàn viên. Ðến chợ ngày áp Tết, không chỉ là kẻ bán người mua mà còn có cả những người như tôi, đi chơi chợ Tết.
Từ khoảng 23 tháng Chạp trở đi, không khí chuẩn bị cho ngày Tết ở quê mới trở nên náo nhiệt, mà chợ là nơi tấp nập nhất. Khác chợ Tết nơi đô hội, tràn đầy màu sắc của bánh kẹo, đồ trang trí Tết rực rỡ, chợ Tết quê bình dị với nải chuối, buồng cau, quả quýt hay bòng bưởi hái nơi vườn nhà. Đó là những sản vật cây nhà lá vườn nhưng lại khiến những người xa quê đã đi chợ Tết không khỏi nhớ nhung khi về lại phố.
Phiên chợ Tết quê không thể thiếu hoa tươi như hồng, cúc, thược dược và đương nhiên là đào, quất và câu đối Tết... Chợ còn thoang thoảng mùi hương rất riêng của ngày Tết từ hàng bán hương trầm ngào ngạt, đặc biệt là hương hoa mùi già, phảng phất đâu đó nơi góc chợ.
Chợ Tết tấp nập kẻ bán, người mua.
Chợ Tết còn phảng phất hương hoa mùi già.
Lá dong là mặt hàng không thể thiếu và đậm nhất thông điệp của phiên chợ Tết.
30 Tết, phiên chợ mang sắc màu rực rỡ của câu đối Tết...
...và các mặt hàng trang trí Tết như lịch treo, phong bao lì xì... làm cho phiên chợ càng rực sắc xuân.
Đủ màu ngũ quả, đôi khi gom từ những mảnh vườn nhỏ, nơi có vài cây lưu niên như bòng, bưởi... cho quả. Cả năm chờ Tết, người nông dân mang những sản vật ít ỏi đó ra chợ bán, sắm vài thứ đồ.
Gấc, loại quả đặc biệt nhất nhuộm màu Tết bày bán ở chợ quê.
Theo quan niệm dân gian, trong mâm cúng thiêng liêng rước ông bà về ăn Tết ngày 30 tháng Chạp và ngày mùng 3 Tết làm mâm cơm để tiễn ông bà, không thể thiếu con gà trống luộc được chọn lựa kỹ càng. Vì vậy, ở phiên chợ Tết, những chú gà trống được nhiều người tìm mua, nhất là gà trống ta loại thả vườn, chân vàng.