Hà Nội

Rong rêu ký ức về Bùi Giáng

11-09-2020 10:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mặc thiên hạ đánh giá, điên hay tỉnh Bùi Giáng vẫn cứ là loại “thiên tài không định nghĩa được”, lời của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn. Do đó, gặp được Bùi Giáng là niềm hạnh phúc lớn đối với nhiều người.

Giã từ cõi mộng điêu linh

Anh về buôn bán với mình phôi pha

(Bùi Giáng)

Duyên lành hạnh ngộ

Từ Đà Lạt tôi đáp xe buýt xuống Đức Trọng, tìm đến nhà ông Lâm Ngọc Duy. Căn nhà gỗ khiêm nhường nép mình giữa khu vườn đầy cây và hoa là nơi an trú của chủ nhân những bức ảnh, những cảm hoài về vị cố “trung niên thi sĩ”. Ông Duy quê ở Quảng Ngãi, sớm bị mê hoặc bởi những giọt “Mưa nguồn” của Bùi Giáng, cũng có thể coi đó như một duyên lành để về sau làm nên cuộc hạnh ngộ giữa hai người. Ông Lâm Ngọc Duy kể: “Năm 1980, vì hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, tôi phải mang theo đứa con nhỏ rời Đà Lạt xuống Sài Gòn tìm kế sinh nhai.

Nhà thơ Bùi Giáng lúc sinh thời.

Nhà thơ Bùi Giáng lúc sinh thời.

Một hôm, trên đường đi làm về, ngang qua chỗ bùng binh Trương Minh Giảng, tôi thấy một ông già đang nhảy múa, xung quanh đám trẻ nít bu lấy. Vì hiếu kỳ, tôi chạy lại xem. Ngó chừng dung mạo rất giống Bùi tiên sinh mà tôi đã từng nghe qua lời kể của bạn bè. Tôi liền hỏi: “Xin lỗi! Có phải ngài là Bùi Giáng không?”. Ông già nhướng mắt nhìn tôi, hỏi lại: “Sao anh biết ta?”. “Dạ, con là độc giả của ngài đây. Hâm mộ ngài từ lâu, hôm nay mới được gặp. Thật là một cơ duyên!”, tôi đáp. Rẽ đám trẻ nít, Bùi tiên sinh cầm lấy tay tôi kéo vào một con hẻm nhỏ trên đường Trương Minh Giảng. Tại đây, Bùi tiên sinh đã chép thơ lên vỏ bao thuốc lá tặng tôi. Bài thơ vỏn vẹn chỉ có một câu: “Chép lời bờ cỏ ra hoa”. Thấy câu thơ lạ, tôi hỏi: “Thơ ngài quá siêu phàm. Con không hiểu được ý thơ?”. Nghe Bùi tiên sinh giải nghĩa câu thơ xong, tôi lại càng kính phục ngài. Sau đó, tôi chở Bùi tiên sinh trên xe đạp dạo quanh Sài Gòn. Cứ chừng 200 mét, Bùi tiên sinh lại bảo tôi dừng xe, tạt vào lề đường làm mấy hớp rượu rồi mới chịu đi tiếp. Lúc nào bên mình ngài cũng có sẵn bầu rượu và túi thơ. Đến ngã ba, ngã tư, ngài lại xuống làm cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe cộ đi lại. Qua một ngày du ngoạn, Bùi tiên sinh cho tôi địa chỉ và dặn: “Anh muốn tìm ta thì đến đường Lê Quang Định, cứ hỏi nhà “ông già điên” thì ai cũng biết. Đến mà thấy ta bệnh thì ghé chơi, còn ta khỏe thì im lặng mà về”.

Lần tương ngộ cuối cùng

Nhiều lần sau, tôi tìm đến nhà Bùi tiên sinh, nhưng không lần nào gặp được ngài. Hỏi hàng xóm, người ta bảo: “Hôm nào ông cũng đi từ lúc 3 giờ sáng, có khi cả nửa tháng mới về nhà”. Bận khác, tôi đi sớm tìm ngài. Lần đó, tôi mang theo bộ ấm trà, hai cái bánh pía và may mắn gặp được ngài trong một quán cà phê ở cuối con hẻm. Thấy tôi, Bùi tiên sinh lên tiếng: “Sao anh biết ta ở đây?”. “Dạ, con đi tìm ngài mấy bữa ni mà không gặp. Hôm nay, đi không ngờ lại gặp được ngài”. Ở quán cà phê đó, tôi pha trà mời Bùi tiên sinh. Bùi tiên sinh cúi xuống nâng hai tay lên cao quá đầu đón chén trà từ tay tôi như một nghi lễ. Cử chỉ đó của ngài làm tôi nhớ mãi.

Bùi tiên sinh làm thơ tặng tôi. Bài thơ không đề, có đoạn viết: Trăng thanh đầu ngọn yêu đào/ Hắc phong hải ngoại tự trào hoàng hôn/ Chẻ hai mảnh giấy vô hồn/ Lầm sương lạc tuyết là cồn điếu tang/ Còn nguyên phố thị hội đàm/ Với trăng châu thổ muôn vàn dưới kia. Phía dưới ghi: “Thân tặng Lâm Ngọc Duy, người bạn Quảng Nghĩa, tôi bạn Quảng Nam, ký tên Bùi Giáng”.

Sau khi tặng thơ cho tôi, Bùi tiên sinh đề nghị: “Anh đưa ta về thăm nhà anh. Ta ở lại một đêm rồi mai đi chơi tiếp”. Tôi đưa ngài về phòng trọ. Đó là một căn nhà lá nhỏ, chỉ độc mỗi chiếc giường. Tôi bèn mời ngài lên giường nghỉ, ngài không chịu: “Ta nằm dưới đất quen rồi. Anh để ta ở đây thoải mái hơn”. Ngài tiếp: “Anh có làm thơ không? Cho ta coi”. Tôi đưa thơ cho ngài, đọc xong ngài bảo: “Hay anh in chung với ta một tập đi?”. Tôi toát cả mồ hôi, trả lời: “Con chỉ đáng xách dép cho ngài, sao lại ngồi chung chiếu với ngài được”. Đêm ấy, hai chúng tôi đều ngủ muộn nhưng mới 3 giờ sáng tôi đã thấy Bùi tiên sinh thức dậy ngồi thiền. Và đó cũng là lần tương ngộ cuối cùng giữa tôi và Bùi tiên sinh”.

Một tấm lòng lặng lẽ

Chia tay ông Lâm Ngọc Duy, tôi cứ bâng khuâng mãi về một tấm lòng. Bởi trong khi người ta đang mải lo làm, lo ăn thì ông Lâm Ngọc Duy vẫn cứ âm thầm lặng lẽ tìm về với cái đẹp, cái thanh tao. Hàng tháng, ở nhà ông Lâm Ngọc Duy vẫn có những đêm thơ Bùi Giáng, đêm nhạc Trịnh Công Sơn và hàng năm, vẫn có ngày giỗ họ Trịnh, cũng như ngày tưởng niệm Bùi tiên sinh ly trần.

Martin Heidegger, triết gia trứ danh người Đức, từng nói: “Ngôn ngữ là ngôi nhà an cư của Tính thể. Thi sĩ và Tư tưởng gia là kẻ canh giữ Ngôi nhà ấy”. Bằng ngôn ngữ, Bùi Giáng đã tạo nên ngôi nhà tính thể của riêng mình. Ở đó, ông hả hê nói cười, ông phiêu linh đời mình trong biển cả văn chương vô tận, với hàng loạt sự kết hợp độc đáo giữa cổ và kim, giữa ngôn ngữ nghệ thuật và ngôn ngữ đời thường, giữa cách nói thông dụng và cách nói lái, giữa nghiêm trang và bỡn cợt,... Bởi ông dám hồn nhiên tin rằng: Đời là một cuộc chơi. Mà đã là chơi thì phải chơi cho thỏa, cho chán, cho lạc mất đường về và lạc mất ngay chính bản thân mình: Hỏi tên rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa.


TRỊNH CHU
Ý kiến của bạn