Hà Nội

Rong kinh là biểu hiện của bệnh gì?

11-09-2023 15:47 | Bệnh phụ nữ
google news

SKĐS - Nhiều chị em rong kinh nhưng chủ quan không đi khám vì cho rằng đó là biểu hiện thường gặp. Tuy nhiên, rong kinh ở từng đối tượng phụ nữ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Rong kinh là gì?

Rong kinh là tình trạng hành kinh đúng chu kỳ kinh nguyệt nhưng kéo dài trên 7 ngày. Lượng máu có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Cùng với đó, chị em có thể xuất hiện những biểu hiện đi kèm như những cơn đau bụng dữ dội ở phần bụng dưới, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Màu sắc máu thường có màu đỏ sẫm. Quan sát kỹ có thể thấy kèm theo các tế bào chết ở niêm mạc âm đạotử cung bị bong tróc.

Rong kinh có thể khiến chị em chủ quan với nhiều vấn đề bệnh lý và nhầm tưởng đó là kinh nguyệt. Tuy nhiên, rất nhiều những trường hợp ra máu bất thường được xem là bệnh lý.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh giải đáp về một số trường hợp rong kinh cảnh báo bệnh lý.

Rong kinh, rong huyết có khác nhau không?

Với chị em có chu kỳ kinh đều, lượng kinh ra đúng kỳ nhưng kéo dài trên 7 ngày thì được gọi là rong kinh.

Rong huyết là tình trạng phụ nữ ra máu bất thường nhưng không đúng chu kỳ kinh và lượng kinh cũng kéo dài trên 7 ngày.

Rong kinh là biểu hiện của bệnh gì?

Mới đây, Khoa khám chuyên gia (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) vừa tiếp nhận một bệnh nhân 47 tuổi đến khám với tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Bệnh nhân cho biết 10 năm nay quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có con và trước đó có tiền sử vô sinh, từng làm IVF. Sau khi làm xét nghiệm cho kết quả nồng độ rau thai quá cao. Trên hình ảnh siêu âm phát hiện bệnh nhân có thai trứng. Đối với phụ nữ lớn tuổi, thai trứng là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm có thể dẫn tới ung thư.

Những phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường chủ quan khi có dấu hiệu kinh nguyệt bất thường do nghĩ rằng ở giai đoạn này tình trạng như vậy là bình thường. Với giai đoạn mãn kinh và tiền mãn kinh, rong kinh thường là dấu hiệu của ung thư niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung hoặc những bất thường của niêm mạc tử cung, cổ tử cung.

Rong kinh là biểu hiện của bệnh gì?  - Ảnh 2.

Khi ra máu dù là đúng kỳ kinh hay ngoài kỳ kinh nhưng có lượng máu khác so với bình thường (số lượng, số ngày) chị em nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.

Đối với bác sĩ sản khoa, khi gặp các trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có quan hệ tình dục nếu rong kinh thì luôn nghĩ tới trường hợp có thai. Ví dụ một số trường hợp chửa ngoài tử cung, hiện tượng ra máu có thể xuất hiện dai dẳng từ lúc xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt cho tới 10 ngày. Khi có hiện tượng đau bụng, sốc thì lúc này thai có nguy cơ vỡ và ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ. Hoặc khi rong kinh và chẩn đoán có thai thì có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, thai lưu, chửa ngoài tử cung, thai trứng hoặc những dấu hiệu bất thường về cổ tử cung.

Do vậy với chị em, khi ra máu dù là đúng kỳ kinh hay ngoài kỳ kinh nhưng có lượng máu khác so với bình thường (số lượng, số ngày) nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Tình trạng rong kinh nhiều, kéo dài sẽ gây nên tình trạng mất máu, thiếu máu. Bên cạnh đó còn gây ảnh hưởng tới tâm lý gây lo lắng, mất ngủ… Tùy từng trường hợp rong kinh rong huyết các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị.

Rong kinh khi nào nên đi khám bác sĩ?

Rong kinh là biểu hiện của bệnh gì?  - Ảnh 3.

ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Trưởng khoa khám chuyên gia (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội).

Rong kinh và rong huyết đều là những dấu hiệu không bình thường. Bởi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt do lo âu stress… Bệnh nhân nên thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Vì với mỗi đối tượng phụ nữ lại có những nguy cơ khác nhau như tuổi dậy thì, độ tuổi sinh sản, độ tuổi tiền mãn kinh…

Với tất cả phụ nữ dù quan hệ hay chưa quan hệ nên đi thăm khám chuyên khoa để xem có bất thường gì bộ phận sinh dục hay không.

Phụ nữ trong quá trình sinh sản cũng nên đi thăm khám định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, không chỉ kiểm tra về sức khỏe mà còn kiểm tra về khả năng sinh sản.

Ở độ tuổi tiền mãn kinh hay mãn kinh cũng nên đi thăm khám định kỳ để phát hiện ra các bệnh lý sớm nhất có thể để can thiệp và điều trị sớm.

Ngoài ra bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường về rong kinh, rong huyết, rối loạn kinh nguyệt, quan hệ ra máu… cũng nên đi thăm khám các bác sĩ chuyên khoa.

Xem thêm video được quan tâm:

Phải cắt tử cung sau khi bị rong kinh 4 tháng | SKĐS


Ths.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh
Trưởng khoa khám chuyên gia - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Ý kiến của bạn