Chốn Kinh Bắc hào hoa cách Thăng Long kinh kỳ chỉ vẻn vẹn đôi bờ sông Đuống. Trải dọc dòng chảy êm đềm hiền hòa của con sông là chốn phát tích của đạo Phật, của các lễ hội độc đáo, câu hát đong đưa của những liền anh, liền chị quan họ, của những miếng trầu têm cánh phượng mặn mà. Đây là chốn của đền, chùa, miếu mạo - nơi phát tích của các dòng tộc đế vương. Nơi của chốn tiên rồng hợp phố. Nơi đó tồn tại dấu ấn rồng thiêng và những nỗi oan sầu thiên cổ.
Nghi án xuyên thế kỷ
Mỗi lần đi dọc đôi bờ sông Đuống, tôi đều nhẩm nghĩ và cố liên tưởng để giải nghĩa cho dáng chảy “nghiêng nghiêng” của con sông mà thi sĩ Hoàng Cầm đã từng nhắc tới trong bài thơ Bên kia sông Đuống. Dưới bóng hoàng hôn, từ trên triền đê nhìn xuống, thuyền bè tấp nập, làng mạc tre pheo, nương dâu mướt mát, đúng là con sông đang chảy nghiêng. Nó chảy nghiêng bởi sức nặng của bao nhiêu oan khiên trong sử cũ đã oằn mình trải dọc đôi bờ! Một khúc sông kỳ lạ bởi chỉ vài chục cây số dọc dài dòng chảy nhưng đã ghi dấu những vụ án oan “sầu thiên kỷ”. Đây là vụ trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam - Thái sư Lê Văn Thịnh - bị lưu đày mãn kiếp vì bị khép án “hóa hổ giết vua”; đây vị Sao Khuê vằng vặc Nguyễn Trãi và người đẹp Nguyễn Thị Lộ cùng nỗi oan khiên kinh thiên động địa mang tên “Lệ Chi Viên”; và đây vụ án Cao Lỗ Vương giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa rồi bị vua nghe lời xấu mà dèm pha hắt hủi một bề tôi trượng nghĩa… và nhiều nhiều nữa. Nhưng khi đã trải nghiệm với thực địa ở “khúc sông oan khiên”, ngẫm lại từng tình tiết của các án oan mà nạn nhân bao giờ cũng là các anh hùng cái thế, mỹ nhân “thiên cổ sầu” lừng lẫy trong lịch sử kia, thường thì nó sẽ đem cho chúng ta nhiều điều bổ ích, thấm thía hơn là những trang sử không sóng gió. Tôi bắt đầu thử giải mã án oan Thái sư Lê Văn Thịnh quanh pho tượng rồng đá độc nhất vô nhị trong lịch sử điêu khắc Việt Nam và cả Đông Nam Á. Một pho tượng rồng với thế rồng tạc ẩn chứa trong đó lời giải của cả một nghi án về vị Thái sư với bao chiến công hiển hách: Lê Văn Thịnh.
Pho tượng Rồng kỳ lạ được phát lộ tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. |
Đến năm 1096, Thái sư, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh uy danh lừng lẫy thiên hạ, bị vướng vào một nghi án “hóa hổ giết vua” xảy ra trên hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) khó tin như một giấc mộng và bị khép tội “chu di cửu tộc”. Sau xét công trạng và tài năng lớn của Lê Văn Thịnh, vua ân giảm xuống kiếp lưu đày. Có sách viết ông bị đày lên vùng ma thiêng nước độc sông Thao, tỉnh Phú Thọ ngày nay. Có sách ghi ông bị đưa đến với xứ Sơn Lam chướng khí độc địa (xưa kia) của Thanh Hóa ngày nay. Gần 10 thế kỷ qua, nghi án Lê Văn Thịnh cứ treo đó, thách thức bao nhiêu triều đại, bao nhiêu bậc quốc sĩ liên tài.
Nước mắt của “Rồng”
Có lẽ chìa khóa để giải mã nghi án này nằm chính trong bức tượng “ông Rồng” vẫn được dân gian truyền miệng với hình tạc thế rồng kiểu “miệng cắn thân, chân xé mình” được phát lộ tại chính cửa đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh thời gian qua. Theo giới nghiên cứu, đây là pho tượng rồng độc đáo chưa từng thấy trong hình ảnh rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử và cũng gần như chưa từng xuất hiện trong khu vực Đông Nam Á. Nếu mới nhìn vào tượng rồng không ít người sẽ phải dấy lên một cảm giác sợ hãi bởi hình dáng của rồng quá kỳ dị. Thân rồng uốn mình thành hình tròn, miệng há rộng, có những chiếc răng nanh dài nhọn, cắm phập vào thân mình. Đầu rồng to, không râu, không bờm nhưng hai mang phình ra, hơi gục xuống như dáng dấp của một con mãng xà lớn đang trong cơn giận dữ, phẫn uất tột độ. Đôi mắt trợn tròn, lồi ra ngoài, hai tai vừa phải, nổi lên hai bên đầu nhưng tai bên phải thì kín đặc còn tai trái lại trống rỗng. Hai chân trước dang rộng với những móng vuốt nhọn hoắt, gân guốc, mỗi chân xòe rộng năm ngón bấu chặt lấy thân mình. Tất cả những biểu lộ trên mình rồng rất sống động, thể hiện một trạng thái đau đớn, căm phẫn cùng cực mà rồng đang trải qua.
Bên bờ sông Đuống |
Hiện tại có rất nhiều giả thiết của các nhà sử học, khảo cổ học quanh bức tượng “ông Rồng” này. Có ý kiến cho rằng: bức tượng đã nói về nỗi oan khiên của Thái sư Lê Văn Thịnh (do ông cho tạc trước khi tạ thế)? Hay là người dân nơi đây, từ nhiều thế kỷ trước đã làm như vậy để bày tỏ nỗi buồn “vận khứ anh hùng ẩm hận đa” (thời vận qua, anh hùng nuốt hận) giúp Thái sư Thịnh? Hay chính vua Lý Nhân Tông đã tạc bức tượng để gửi gắm vào đó tâm sự của ông, sự day dứt lương tâm khi nghe lời dèm pha để rồi bức tử một người tài, một người nặng lòng báo quốc an dân, một vị trạng nguyên, thái sư, chính là thầy dạy học của mình? Nhiều người đã tin vào giả thiết này, khi xem kỹ bức tượng rồng. Sự phán xét công - tội vẫn để lại cho hậu thế, chỉ biết rằng hằng năm cứ đến mùa lễ hội, nơi đền linh miếu thiêng có đức “Long thần” ngự trị vẫn nghi ngút hương hoa vật phẩm.
Văn Hậu