Rộn ràng phiên chợ vùng cao

25-01-2012 14:10 | Văn hóa – Giải trí

Mỗi phiên chợ của người dân vùng cao đều giống như một ngày Tết, phiên chợ là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt sôi động nhất, vui nhất.

Mỗi phiên chợ của người dân vùng cao đều giống như một ngày Tết, phiên chợ là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt sôi động nhất, vui nhất. Những lễ hội xuân cũng độc đáo, đặc sắc cũng chỉ diễn ra trong một số ngày, sau đó người dân lại trở về với ruộng nương, với công việc hằng ngày và mỗi phiên chợ đến họ lại hồ hởi tham dự.

Phụ nữ diện những bộ trang phục đẹp nhất khi đến phiên chợ.
1. Phiên chợ của người vùng cao giống như một ngày Tết, bởi vì, cả tuần, cả tháng họ sống và làm việc trên những nương rẫy cao, xa hun hút và hiu quạnh. Buổi tối về cũng chỉ có chiếc đài, chiếc tivi làm bạn rồi lại đi ngủ sớm. Thành quả lao động của họ là những bó củi, gánh lúa, cây mía, bắp ngô hay con gà, con lợn. Cũng có khi chỉ là những mớ rau nhỏ bé, nhưng cũng được họ chắt chiu mang đi bán.
 
Ðồ gia dụng và thịt động vật do đồng bào vùng cao tự chăn nuôi là những món hàng được nhiều du khách quan tâm.
Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai) họp vào sáng chủ nhật hằng tuần, là nơi giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc sống tại địa phương cũng như các huyện, tỉnh lân cận. Vào ngày này, cả thị trấn Bắc Hà vui như Tết. Các chị, các em diện váy, áo, đội khăn màu sắc rực rỡ. Ngay từ sáng sớm, bà con người dân tộc lần lượt đến chợ bằng cách đi bộ, đi xe máy hoặc cưỡi ngựa. Thậm chí có người rời nhà từ chiều hôm trước để kịp phiên chợ chỉ diễn ra một lần trong tuần.

Có những người đàn ông ở vùng cao Bắc Hà cõng một gùi rau đi chợ, có khi chỉ đủ để uống một bữa rượu đạm bạc với mấy người bạn, cùng lắm là mua được ba lạng thịt lợn về cho vợ con. Lại cũng có người sau cả tháng làm lụng cần mẫn, một ngày nhớ chợ thì vác một bao ngô xuống bán, chiều về đã ngất ngây trong hơi men. Du khách đến đây thường nhìn thấy hình ảnh người đàn ông say rượu, nằm vắt ngang lưng ngựa, còn người vợ thì dắt ngựa đi. Hoặc có người vợ nhẫn nại, đứng che ô cho chồng ngủ, hết cơn say mới tiếp tục về nhà. Đây có lẽ là những hình ảnh lãng mạn khá đặc sắc ở vùng cao Tây Bắc.

Tôi đến chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) và tận mắt thấy những sinh hoạt vừa bình dị, vừa đẹp ở đây. Cũng giống như chợ Bắc Hà, đây là một trong những chợ lớn và độc đáo nhất vùng. Chợ được họp ở một khu đất trống giữa cánh đồng, với một vài dãy nhà nứa tạm bợ nhưng cũng đủ để người dân nơi đây thắp lên tình yêu cuộc sống của mình.
 
 Rau, củ, quả tươi được bày bán nhiều trong phiên chợ.
Và cũng ở những phiên chợ, nhiều trai gái đã nên vợ nên chồng. Nhiều đứa trẻ lấm lem, nhem nhuốc cũng tranh thủ ngày nghỉ học, lon ton chạy bộ xuống chợ chỉ để ăn một que kem, một khúc mía, một chiếc bánh rán rồi lại tất tả vượt cả chục cây số đường về nhà. Nhiều gia đình vất vả cả tháng chắt chiu, rồi một phiên xuống chợ… tiêu sạch. Thế nhưng họ rất vui vẻ, mãn nguyện.
 
2. Vùng núi đá Hà Giang cũng có nhiều phiên chợ đẹp. Chợ Mèo Vạc ngày nào cũng họp, nhưng chính phiên là vào chủ nhật hằng tuần. Từ những nơi thâm sơn cùng cốc, những vách đá, những con đường mòn… từng nhóm người rủ nhau xuống chợ. Người ở gần đi bộ vài tiếng, người ở xa phải đi từ chiều hôm trước. Một số ôm gà, dắt lợn, dắt bò đi bán, có người vác điếu cày.
 
 Ði chợ và thưởng thức các món ăn tại phiên chợ cũng thật thú vị.
Nhiều người trong túi chẳng có đồng nào, trên tay chẳng cắp, dắt thứ gì cũng cứ đi chợ. Đi để mà ngắm nghía, mà nhìn thấy nhau cười nói, ăn uống, để cái tai nghe đủ tiếng vui, tiếng buồn cũng thỏa lòng. Đàn bà người Mông ở Hà Giang tranh thủ đi chợ để về còn tước lanh, se sợi, làm nương. Đàn ông đa phần xuống chỉ để uống rượu chứ không quan tâm lắm đến chuyện bán mua.
 
3. Người cần tiền làm đám cưới cho con thì dắt con trâu xuống chợ bán. Trẻ em thì cầm một nghìn đồng mua hai khúc mía, gặm xong thì về. Cuộc sống cứ diễn ra như vậy, thật đơn giản, tự nhiên, không cầu kỳ. Người dân cũng rất đỗi thật thà, chất phác. Họ không biết nói dối, chẳng mấy khi tính toán thiệt - hơn. Đến nỗi, một người đàn ông Mông ôm mèo đi bán.
 
Khách hỏi mèo này có bắt chuột giỏi không? Anh ta thật thà: “Chuột thì không bắt đâu, nhưng gà thì cứ phát một, phát một”! Người vùng cao là thế. Không nói dối, hàng xấu bảo là xấu, đồ tốt nói là tốt, không lèo lá, lừa lọc. Đến hàng rượu Bản Phố bán ở chợ Bắc Hà thì khách sẽ được nếm rượu rất thoải mái. Nếm hết mười hàng thì đảm bảo khách sẽ… say cả chấy, thế mà chẳng mất một đồng.

Vui là vậy, thú vị là vậy nên nhiều người dưới xuôi muốn trốn sự ngột ngạt nơi phố phường đã rủ nhau lên các chợ vùng cao chơi. Các chợ Cán Cấu, Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai); chợ Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang); chợ Pà Cò (Hòa Bình); chợ Mộc Châu (Sơn La)… là những điểm đến rất thú vị. Vào dịp Tết, chợ sẽ đông hơn, vui hơn. Nhiều nhóm du lịch cũng tổ chức “lãng du” dịp Tết đến xuân về, họ vẫn coi các phiên chợ vùng cao là “đặc sản” không thể bỏ qua. Bởi ở chợ, họ tìm thấy nhiều điều ý nghĩa.   

Ngô Thục Miên


Ý kiến của bạn