Rộn ràng Ngày thơ Việt Nam xuân Bính Thân

21-02-2016 19:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau Tết Bính Thân, vào dịp Rằm tháng Giêng, các tỉnh thành ở nước ta lại tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong không khí ấm áp, vui tươi của mùa xuân mới. Không khí thi ca trên dải đất hình chữ S lại hòa cùng đất trời

Hà Nội: Tưng bừng Ngày thơ tại Văn miếu Quốc Tử Giám

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 tại Hà Nội sẽ diễn ra tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào Rằm tháng Giêng năm Bính Thân, tức ngày 22/2/2016.

Điểm nhấn của năm nay là chủ đề chung của Sân thơ Thiếu nhi và thơ Trẻ có tên “Đường Xuân”. Nền sân khấu năm nay là một bức tranh sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với hình mặt trời chiếu sáng trên nền trời xanh choán chủ đạo diện tích, bên dưới là con đường rực rỡ màu sắc, mang biểu tượng ngũ hành xuân.

Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) sẽ trở thành sân khấu chính của Ngày thơ Việt Nam như mọi năm

Sân thơ Thiếu nhi sẽ hội tụ các bài thơ quen thuộc với các thế hệ trẻ em Việt Nam bên cạnh những bài thơ do chính các tác giả nhí sáng tác. Hai nhân vật chính sẽ chạy xuyên suốt câu chuyện thơ trên sân thơ Thiếu nhi năm nay. Nhà thơ Hữu Việt - người phụ trách Sân thơ Trẻ cũng là tác giả kịch bản, đạo diễn chương trình.

Đặc biệt tại sân chơi này trong số 13 tác giả sẽ có 10 tác giả trẻ, 1 tác giả/tiết mục thơ địa phương, 2 tác giả thơ quốc tế đến từ cộng đồng Châu Âu (trong đó có tác giả đoạt giải thưởng văn học Goncourt). Ngoài ra, trong số 10 tác giả trẻ đọc thơ, có 8 tác giả lần đầu tiên xuất hiện tại Sân thơ Văn Miếu, tác giả trẻ nhất là một nữ học sinh lớp 11, năm nay 17 tuổi đã từng giành được một số giải thưởng văn học.

Bên cạnh việc ra mắt Sân thơ Thiếu nhi cũng giống như 13 lần tổ chức trước thì ở lần tổ chức thứ 14 này chương trình đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ và hoạt động của các đoàn nghệ thuật trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn vẫn diễn ra bình thường.

Gia Lai tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14

Năm nay là năm thứ 14 Gia Lai tổ chức Ngày thơ Việt Nam kể từ lần đầu tiên vào ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mùi-2003, sau khi Hội Nhà văn Việt Nam quyết định lấy ngày này là Ngày thơ Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai là đơn vị chịu trách nhiệm chính đứng ra tổ chức Ngày thơ Việt Nam trên địa bàn tỉnh với  nhiều hình thức và nội dung phong phú theo chủ đề từng năm. Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã lần lượt tổ chức các đêm thơ-nhạc ở nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và được đánh giá cao.

Nhà thơ Văn Công Hùng bên cạnh poster in chân dung thơ của mình trưng bày tại khu vực diễn ra ngày thơ.

Ở Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 năm nay, nhằm chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, dựa trên chủ đề “Đón Xuân, mừng Đảng”, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã quyết định lấy chủ đề cho Ngày thơ Việt Nam là “Tưng bừng Xuân Tổ quốc”. Theo nhà thơ Văn Công Hùng-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, trong Ngày thơ Việt Nam tại Gia Lai năm nay, Hội sẽ tổ chức 2 đêm thơ-nhạc trên địa bàn thành phố Pleiku. Tối 21-2 (nhằm ngày 14 tháng Giêng Âm lịch) đêm thơ sẽ được tổ chức tại Cà phê Vườn Tranh, Khách sạn Tre Xanh Plaza với sự phối hợp tổ chức của Công ty cổ phần Văn hóa-Du lịch Gia Lai (Gia Lai CTC). Đêm thơ thứ hai được tổ chức đúng vào Rằm tháng Giêng tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với sự phối hợp của Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai. Các đêm thơ sẽ diễn ra với một chương trình gồm 18 bài thơ của các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu… và của một số tác giả thơ trong tỉnh. Bên cạnh đó là một số bài hát phổ thơ cũng được biểu diễn xen kẽ. Đặc biệt, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã làm những poster in chân dung 20 tác giả thơ trong tỉnh cùng tác phẩm hay nhất của họ để trưng bày tại khu vực diễn ra ngày thơ.

Năm ngoái, đêm thơ-nhạc với chủ đề “Hướng về biển đảo” được tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) đã thu hút rất đông công chúng yêu thơ, nhạc. Những bài thơ, bài hát được biểu diễn trong đêm đó đã góp phần khắc sâu trong lòng công chúng bằng tình yêu thiêng liêng dành cho biển đảo của Tổ quốc. Hay trước đó, vào năm 2013, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam với “kỷ lục” về thời gian 3 đêm liên tục từ đêm 13 đến đêm 15 tháng Giêng ở 3 địa điểm khác nhau là TP. Pleiku và 2 huyện: Chư Sê và Mang Yang. Đặc biệt, tại huyện Chư Sê, ngay trong đêm thơ, UBND huyện đã tổ chức quyên góp quỹ khuyến học dành cho học sinh nghèo của huyện với số tiền thu được lên tới 200 triệu đồng.

Thành công nối tiếp thành công, với sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực, cùng với tình yêu dành cho thơ ca của người dân Phố núi, chắc chắn rằng Ngày thơ Việt Nam tại Gia Lai năm nay sẽ thành công. Và một lần nữa, ngôn ngữ của thơ ca sẽ tiếp tục khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng, góp phần làm cho hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh Gia Lai thêm khởi sắc.

Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Đón Xuân, mừng Đảng” tại Vĩnh Phúc

Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Đón Xuân, mừng Đảng” tại Vĩnh PhúcNgày Thơ Việt Nam 2016 tại Vĩnh Phúc đã quy tụ các văn nghệ sĩ, các hội viên Hội VHNT Vĩnh Phúc và sự góp mặt của giáo viên, học sinh trường THPT Bến Tre, được tổ chức vào ngày 20-2.Sau lễ khai mạc, đã diễn ra các hoạt động đọc thơ, trình diễn nghệ thuật, thả thơ truyền thống với các chủ đề ca ngợi quê hương đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày thơ tại tỉnh Vĩnh Phúc

Nhà thơ Hải Thanh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phúc cho biết, Ngày Thơ Việt Nam 2016 là một sự kiện văn hóa thường niên mỗi khi xuân về, nhằm tôn vinh giá trị thi ca, đưa thi ca nhập thế ngày càng sâu sắc hơn với cuộc sống. Ngoài ra, ngày thơ còn thiệu một cách về thành tựu, bản sắc của văn học Việt giúp cho công chúng hiểu hơn về các tác phẩm của đội ngũ những người làm thơ, trong đó có nhiều tác phẩm mới giàu tính nhân văn, giúp bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.Các hoạt động bên lề tại Ngày Thơ Việt Nam bao gồm: Triển lãm ảnh “Tiếng làng”, Cho chữ đầu Xuân, ký họa chân dung và công bố cuộc thi chọn thơ “Đảng và mùa Xuân đất nước”.

Lễ hội Thơ Nguyên tiêu Thái Nguyên 2016: Những khát vọng mùa xuân

Ngày 21/02 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Bính Thân), tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ hội Thơ Thái Nguyên 2016 nhân ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề “Khát vọng mùa xuân”. Chương trình có sự tham gia, phối hợp thực hiện của các đơn vị: Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Hội VHNT thành phố Thái Nguyên; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; các trường đại học, cao đẳng, trung học cơ sở trên địa bàn; các Câu lạc bộ Thơ trong tỉnh; Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên; Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh… Trong 90 phút của phần Lễ chính là chương trình trình diễn các tác phẩm thơ, nhạc, múa, diễn xướng về đề tài đất nước, quê hương cách mạng, tình yêu cuộc sống và con người… mang đậm bản sắc các dân tộc Thái Nguyên. Với sự góp mặt của các nghệ sĩ, nhà thơ trung ương, các văn nghệ sĩ, các Câu lạc bộ, trường học trong tỉnh; nội dung tiết mục được đầu tư dàn dựng tỉ mỉ, chất lượng, mang lại những sắc thái văn hóa ấn tượng với công chúng yêu thơ Thái Nguyên.

Lễ hội Thơ nguyên tiêu tại Thái Nguyên

 

Ở Lễ hội Thơ năm nay, bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch được các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn ngâm và múa phụ họa. Những tuyệt tác thơ của Vua Lê Thánh Tông sẽ do các nghệ sĩ Hội VHNT thành phố Thái Nguyên trình diễn, ngâm theo lối cổ. Bám sát chủ đề “Khát vọng mùa xuân”, nhạc phẩm “Mùa xuân đầu tiên” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao như một “nốt trầm xao xuyến” mà rộn rã đi qua bao mùa xuân đất nước; tình yêu được khai thác là yếu tố then chốt làm nên những điều kỳ diệu nhất. Lột tả tinh thần yêu nước thương nòi, niềm tự hào dân tộc, tình yêu với từng tấc đất biển trời quê hương là những thi phẩm mang âm hưởng hùng tráng mà chất chứa như “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi” của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; “Tổ quốc ở Trường Sa” của Nguyễn Việt Chiến… 
Những điệu múa dân gian về tình yêu, những khúc dân ca dân vũ đặc sắc ra đời từ trong lao động sản xuất… cũng là một nét mới trong nội dung Lễ hội Thơ năm nay. Hoạt cảnh thơ về Thái Nguyên, hay tiết mục hát chầu văn Hương chè quê em (Hội VHNT Đại Từ)…, thể hiện tâm tư tình cảm của con người Thái Nguyên; hương chè đậm đà lan tỏa không phải bằng vị đắng chát, ngọt hậu, mà đó là tình người chân thành, giản dị.

Sau chương trình Lễ chính là nhiều hoạt động phụ trợ phong phú ở các vườn thơ: Vườn thơ Thành phố Thái Nguyên, Vườn Thơ Trẻ, Vườn thơ Muôn nhà; Các chuyên ngành Nhiếp ảnh, Mỹ thuật với những không gian trưng bày, sáng tạo riêng sẽ mang đến cho Lễ hội Thơ những mảng màu xuân thú vị: thi đề thơ vào ảnh nghệ thuật, thi vẽ tranh theo thơ… Đó là sân chơi lý thú của người yêu thơ, là không gian náo nhiệt và thu hút để các em học sinh thỏa sức sáng tạo. Phần trưng bày 50 câu thơ hay và các gian hàng sách, báo của Hội VHNT tỉnh, Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, CLB Văn học Trẻ… cũng được các đơn vị chăm chút kỹ lưỡng, sao cho thật đa dạng và bắt mắt là một hoạt động đem lại cho Lễ hội Thơ không gian sang trọng, góp phần đưa sức sống thi ca lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 trên quê hương Xuân Diệu

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Xuân Diệu, chiều 20/2, Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh phối hợp với huyện Can Lộc tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 trên quê hương nhà thơ.

Ông Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh khẳng định: “Hà Tĩnh là vùng đất giàu trầm tích văn hoá, có truyền thống yêu chuộng và sáng tạo văn chương, từng được mệnh danh là “quê thơ”, góp phần tạo nguồn mạch nuôi dưỡng và làm nhuần thắm nền văn chương của cả nước. Hà Tĩnh cũng chính là quê hương, nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu”.

Các đại biểu và những người yêu thơ đã cùng nhau thả bóng thơ tại ngày thơ ở Hà Tĩnh

Phát biểu chúc mừng Ngày thơ Việt Nam tại Hà Tĩnh, nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định: “Hà Tĩnh là mảnh đất địa linh nhân kiệt, là nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc, hoạ bao đời. Ông bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tài năng và nhân cách của thi sỹ Xuân Diệu và mong muốn, quê hương Xuân Diệu sẽ trở thành địa chỉ văn hoá để những người yêu văn chương cả nước hướng về”.

Với 15 tác phẩm thơ, nhạc được trình bày, ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 đã giới thiệu tới đông đảo độc giả những thành quả trong quá trình sáng tác thi ca của các văn nghệ sỹ. Mong rằng, ngày thơ là nhịp cầu nối tác giả, tác phẩm và công chúng, bạn đọc, khơi gợi nỗi khát khao vươn tới cõi chân, thiện, mỹ.

Kết thúc ngày thơ, các đại biểu và những người yêu thơ đã cùng nhau thả bóng thơ.


Ngày thơ Việt Nam 2016 tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức trong 3 ngày

Ngày Thơ Việt Nam xuân Bính Thân 2016 tại TP Hồ Chí Minh sẽ không còn tập trung chính vào một ngày Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng) như trước đây, mà sẽ được chia làm 3 chương trình hoạt động trong 3 ngày liên tiếp.

1. Hội thảo “Sức sống thi ca đô thị”, tổ chức tại trụ sở Hội Nhà văn Thành phố vào sáng ngày 13 tháng Giêng năm Bính Thân (Âm lịch), với khoảng hơn 20 bản tham luận được trình bày trực tiếp.

2. Chương trình giao lưu thơ do Hội Nhà văn thành phố phối hợp với Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tại trường này vào sáng ngày 14 tháng Giêng.

3. Ngày thơ chính được tổ chức trọn 1 ngày tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP Hồ Chí Minh vào 15 tháng Giêng năm Bính Thân.

Hải Phòng: chủ đề Ngày thơ Đón Xuân, mừng Đảng, âm vang sóng nước Bạch Đằng

Ngày thơ tại Hải Phòng khai mạc từ 8:30 ngày 20/2/2016 tức 13 tết tại Khu đền Tràng Kênh (Thủy Nguyên,HP).Tại Ngày thơ, có lễ trao giải cuộc thi Truyện và ký tạp chí Cửa Biển 2014-2015 & lễ kết nạp hội viên mới.

Hưng Yên tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV

Ngày 19.2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hưng Yên tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV với chủ đề “Đón xuân, mừng Đảng”.

Tại lễ dâng hương, các đại biểu, những người yêu thơ cùng nghe lại bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Trần Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phát biểu và nổi hồi trống khai mạc ngày thơ. Sau hồi trống khai mạc, người yêu thơ được thưởng thức những bài thơ hay của các nhà thơ lớn, những sáng tác thơ mới tại chương trình đọc, ngâm thơ do các tác giả, diễn viên Nhà hát chèo Hưng Yên trình diễn… Các bài thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mùa xuân, tình yêu quê hương đất nước, con người với nhiều cung bậc cảm xúc, cái nhìn khác lạ…

Ngày Thơ Việt Nam nơi thành Tuyên

Ngày Thơ Việt Nam là dịp để các hội viên thơ ca của các câu lạc bộ thơ, của Hội Văn học  - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang khoe tài làm thơ, giới thiệu đến bạn bè những sáng tác mới. Điều đó khẳng định, thơ ngày càng có vị trí quan trọng trong văn học - nghệ thuật. Thơ ngày càng được quan tâm và phát triển ở phạm vi rộng khắp, với mọi đối tượng và chất lượng cũng ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Trường Kỳ ở xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) từng là công nhân của Hạt Giao thông đường bộ tỉnh nhưng lại yêu thơ và thích làm thơ. Bởi vậy, khi nghỉ hưu, ông tham gia Câu lạc bộ thơ Hương Sắc Nông Tiến (TP Tuyên Quang) và có nhiều sáng tác thể hiện tâm tư, tình cảm của mình với quê hương, đất nước. Với Vui được mùa, ông ca ngợi tình yêu trong lao động. Giọng thơ ông reo vui như đứa trẻ: “Tưng bừng rộn tiếng hát ca vang/Đung đưa gánh lúa, bay tà áo/Nhún nhảy đôi chân bước rộn ràng/Bóng nắng theo em về xóm bản/Trên vai nặng trĩu gánh lúa vàng”. Còn trước sự đổi thay và phát triển không ngừng về kết cấu hạ tầng của quê hương, đất nước, ông thể hiện niềm vui, niềm tự hào và lòng tin tưởng tuyệt đối về xã hội giàu mạnh: “Bao năm mơ ước thỏa lòng/Đường đôi đi lại giao thông thuận chiều/Nhiều cây cầu vượt đáng yêu/Vươn cao giữa nắng mưa chiều quê ta/Đêm ngày xuôi ngược xe qua/Giao thông phát triển tạo đà đi lên” - (Tạo đà đi lên).

CLB thơ Việt Nam Thành Tuyên gặp mặt đầu xuân Bính Thân 2016và giới thiệu các sáng tác thơ mới.

Bà Dương Thị Nhường, thôn Viên Châu 2, xã An Tường (TP Tuyên Quang) cũng từng là công nhân của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Viên Châu. Yêu thơ và làm thơ từ khi 13 tuổi, đến nay bà đã trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Việt Nam - Lô Giang. Bà đã tích lũy cho mình một số lượng lớn các bài thơ. Bà tâm sự, bà đến với thơ vì yêu thơ, bởi thơ là người bạn tâm giao của bà. Thơ hàn gắn tâm hồn bà, giúp bà quên đi nỗi buồn và khó khăn trong cuộc sống. Những bài thơ bà viết đều mộc mạc, giản dị nhưng vô cùng sâu sắc: “Dân tộc ta sinh ra Người/Người làm rạng rỡ đời đời non sông/Sao vàng bay giữa cờ hồng/Vinh quang con cháu tiên rồng Việt Nam” - (Tượng đài Bác Hồ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang). Hay: “Anh đưa em về thành phố trẻ/Giữa mùa xuân hoa nở rợp trời/Thành phố thân yêu, thủ đô kháng chiến/Đường phố thênh thang ghi bao kỷ niệm…” - (Mùa xuân về trên thành phố Tuyên Quang).

Hồng Thu - H.Quỳnh (Tổng hợp)


Ý kiến của bạn