Rộn ràng chợ nổi

06-01-2013 08:06 | Thời sự
google news

Bình thường, chợ nổi miền Tây đã đặc biệt, nhưng cuối năm càng trở nên đặc biệt hơn bởi các hàng hóa đa dạng từ khắp nơi được chuyển về đây để phục vụ bà con. Và có lẽ đặc sắc nhất là các loại hoa, các loại hàng hóa dành cho ngày Tết.

Bình thường, chợ nổi miền Tây đã đặc biệt, nhưng cuối năm càng trở nên đặc biệt hơn bởi các hàng hóa đa dạng từ khắp nơi được chuyển về đây để phục vụ bà con. Và có lẽ đặc sắc nhất là các loại hoa, các loại hàng hóa dành cho ngày Tết.
Rộn ràng chợ nổi 1
 Rộn ràng chợ nổi.
Thương hồ tính kế

Buôn bán trên chợ nổi tuy là một nét đẹp văn hóa, là “đặc sản” mà khách đến đây đều muốn tham dự. Nhưng phải trực tiếp theo những người đi chuyến trên những chiếc thuyền ngược xuôi sông nước mới thấy hết sự vất vả của họ. Dầu vậy, đón xuân Quý Tỵ 2013 này, nhiều người vẫn có cái chộn rộn và phải cố gắng hơn. Anh Huỳnh Ngọc Xuân buôn bán gần 20 năm ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) cho biết: “Suy giảm kinh tế mà, làm ăn gì cũng khó khăn hết trời. Vợ chồng tui thức khuya dậy sớm, mấy chục năm qua cũng thấy mệt. May mà mấy nhỏ nhà này học hành khá nên cũng an ủi. Đó, bà con đông vui không, cái đông vui át hết mệt nhọc”.

Trước đây, anh Xuân buôn bán đủ mọi thứ trên đời, miễn là ra tiền. Thời gian gần đây, anh chuyển sang buôn hoa quả. Tết năm nay, vay thêm tiền, anh đầu tư buôn hoa. Hoa được thu mua từ một làng hoa lớn ở Sa Đéc (Đồng Tháp) chuyển về Cái Răng rồi tiếp tục phân bổ cho những người buôn lẻ khác. Qua tìm hiểu, chợ nổi Cái Răng gần nhất cách TP. Cần Thơ khoảng 5km, là một trong những chợ nổi lớn nhất vùng sông nước miền Tây. Vào những ngày này, số thuyền lớn buôn hoa như anh Xuân phải đến vài chục. Còn những ghe thuyền nhỏ thì không đếm xuể. Nhiều người dân khẳng định, nếu ghe thuyền chưa chở hoa về chợ thì chưa thấy cái không khí. Một khi trăm sắc hoa đổ về là nhận ra liền.

Ông Nguyễn Văn Út, năm nay 66 tuổi, gần như đã gắn bó suốt những năm tháng sống trên đời ở chợ nổi Cái Răng nên sống, sinh hoạt và “tính nết” của thời tiết khu vực, của những cái chợ nổi ông đều thuộc cả. “Sống chủ yếu ở đây, nhưng tui là đời thợ thương hồ, cũng nay đây mai đó. Khó khăn chỗ này thì tràn đi chỗ khác. Các con tui cũng vậy hà. Ngày Tết đến càng phải tranh thủ chứ có phải tất bật như ngày thường đâu. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có chợ Cái Bè của đất Tiền Giang, Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp của đất Hậu Giang, Ngã Năm của đất Sóc Trăng. Chợ nổi Gành Hào của vùng đất Cà Mau hay chợ Cái Rằng này, tui đã mỏi chân đi rồi”, ông Út tâm sự.

Ông Út cũng cho biết, dân ở vùng này giao thương thoải mái, không ngại khó khăn, gian khổ, miễn là kiếm được tiền. Chợ nổi Cái Răng cùng với chợ nổi Ngã Bảy, Phong Điền đã trở thành một trục tam giác chợ nổi có một không hai ở miền Tây, không chỉ phục vụ giao thương, buôn bán mà thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham quan. Một người dân tâm sự: “Khoảng 15 tháng Chạp đã tấp nập ghe thuyền lên xuống hàng, người bán người mua nhộn nhịp. Từ 23 - 29 tháng Chạp là những ngày “xôm tụ” nhất của chợ nổi ngày Tết. Bởi lúc này là cao điểm mua sắm đồ đạc ngày Tết của người dân miệt sông nước. Mỗi ngày, chợ đón hàng ngàn lượt tàu bè từ khắp nơi đến mua bán đủ các loại hoa quả, thực phẩm. Sau Tết, từ mồng ba đã có người đi chợ rồi, dân đây nghỉ Tết ít lắm…”.
Rộn ràng chợ nổi 2
 Bên ghe hàng đầy.
Bức tranh muôn sắc

Theo một chủ thuyền bán quần áo tên Kê lên thuyền ở chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang). Ông này để râu, tướng mạo hoạt bát, nghe nói trước đây từng ăn chơi vô độ, rồi nghĩ lại, bằng hai bàn tay trắng đã tạo nên sự nghiệp bằng nghề buôn bán quần áo, vải vóc. Ông Kê cho biết, để làm ăn trúng mánh phải dựa vào sức dân. Năm nay, dân trong vùng cũng tạm gọi là được mùa hoa quả nên nhu cầu mua sắm quần áo không hề ít. Nhờ “đọc vị” được như thế nên ông đã tìm cách thăm dò trước thị trường nhằm bán được nhiều hàng hơn. Bà Huỳnh Thị Bến, em gái ông Kê cùng ngồi tiếp chuyện. Sống bằng nghề bán hàng ăn như bún bò, bún riêu cua ốc, bún lèo, cà phê… nhiều năm, bà cũng có của ăn của để. Người đi chợ đông đúc, nhu cầu ăn uống rất lớn nên họ thường “chén” ngay ở dưới thuyền. Chiếc thuyền hàng ăn nhỏ của bà có thể luồn lách trong cả khu chợ rộng lớn. Từ mùng hai Tết, thuyền của bà đã đi phục vụ. Mấy ngày này, thanh niên nam nữ đi chơi xuân đông, họ qua lại trên sông ở các bến phà gần chợ nổi, bà chèo thuyền đi bán nên kiếm được cũng khá. Giá tô bún ngày Tết đắt gấp rưỡi so với ngày thường. Ăn uống trên ghe thuyền vào những ngày xuân là một cái thú, vừa có cảm giác bập bềnh sông nước, vừa hưởng không khí mát dịu từ sông xuân, ghe xuân. Bởi vậy nên người trên chợ nổi cũng xuân chẳng kém tí nào. “Rất nhiều tàu lớn về Cái Răng thu gom các mặt hàng nông sản đưa đi TP.HCM và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Các ghe thuyền này cũng mang những mặt hàng như: quần áo may sẵn, vải vóc, bánh kẹo… bán cho người dân miệt sông nước. Tất cả tạo nên bức tranh của chợ này. Đa dạng, rộng rãi, đặc biệt - đó là những gì tôi muốn nói về chợ nổi trong khu vực”, ông Kê tâm sự.

Đúng như lời ông Kê, hầu hết các chợ nổi đều giống như một bức tranh nhiều màu sắc. Và hơn thế, đây là bức tranh sinh động với con người thật, việc thật và các sinh hoạt thú vị. Chợ nổi càng sinh động hơn bởi những chiếc thuyền chở hoa Tết đậu ở một khu, giống như một bức tranh hoa xuân khổng lồ. Nhiều người bán hàng cũng tranh thủ mua một khóm hoa về cho có không khí. Chợ nổi ngày xuân còn tăng nhiều hơn những ghe tàu cung cấp các dịch vụ ăn uống, cà phê cho khách thương hồ. Chợ nổi Cái Răng có nhiều cái độc đáo. Vào những ngày giáp Tết, chỉ cần nhìn “cây bẹo” (một cây sào cắm trên mũi ghe treo sản phẩm mình muốn bán) là có thể cập thuyền đúng thuyền hàng cần mua. Trên bờ có hàng gì thì chợ nổi ngày Tết cũng có hàng đó.

Xuân quên nhọc nhằn

Chợ nổi là điểm đến của cả khách trong nước và quốc tế, rất nhiều người đã “say” miền Tây với những đờn ca tài tử, các câu hò với sự độc đáo mà chỉ vùng đất này có được. Hơn thế, họ “say” vẻ mặn mà, đằm thắm của thiếu nữ nơi đây mà nhiều vùng đất khác không có. Cũng từ vùng đất này, nhiều cô gái đã ra các thành phố khác để học như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội… để học hành, làm việc và luôn được nhiều chàng trai săn đón. Những ngày du ngoạn ở vùng sông nước miền Tây, tất nhiên không chỉ có Cái Răng, tôi đã được gặp nhiều thiếu nữ, đủ để ra về thấy luyến nhớ. Chợ nổi không chỉ có thiếu nữ xinh, rực rỡ như hoa mà còn có cả những con người cần mẫn lao động, vượt lên khó khăn gian khổ để sống, để thắp lên những mùa xuân trong mỗi gia đình. Họ xứng đáng là những bông hoa để làm nên vườn hoa chợ nổi đặc sắc, nơi mà cuộc sống vẫn còn đầy những khó khăn, vất vả.

Nói gì thì nói, cuộc sống của người dân vùng sông nước vẫn còn gian khổ, trầy trật. Ai mà không mong mỏi một “tấc đất cắm dùi” để bớt nhọc nhằn, con cái được học hành. Thế nhưng, dường như số phận đã sinh ra họ và để họ sống như thế, cuộc sống mà cả gia đình đều sinh hoạt trên chiếc thuyền nhỏ, mọi thứ đều thiếu thốn. Bao đời nay, họ vẫn cần mẫn làm lụng, để làm nên vẻ đẹp của những phiên chợ vùng sông nước miền Tây nói chung, chợ nổi Cái Răng nói riêng.

Khi tạm biệt chợ, tôi vẫn thấy những thiếu nữ chở hoa bằng thuyền đi bán dạo. Họ là những người đưa xuân về những xóm, ấp nhỏ, các miệt vườn và cũng làm cho xuân đất nước đẹp hơn, tươi hơn.

Bài, ảnh: Dương Khánh Thảo

 


Ý kiến của bạn