Rôm sảy dùng thuốc gì?

26-04-2024 09:50 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Rôm sảy là tình trạng các tuyến mồ hôi bị viêm do mồ hôi tích tụ trên bề mặt da. Trẻ sơ sinh có làn da mỏng manh và chức năng tuyến mồ hôi chưa phát triển đầy đủ nên là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

1. Cách điều trị rôm sảy

Các phương pháp điều trị rôm sảy ở trẻ chủ yếu bao gồm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, điều trị tổng quát và điều trị bằng thuốc.

- Loại bỏ các tác nhân gây rôm sảy: Ở trẻ bị rôm sảy chủ yếu do các yếu tố như khí hậu quá nóng và cơ thể đổ mồ hôi. Vì vậy, hãy chú ý giữ cho môi trường của bé luôn mát mẻ, thoải mái, tránh ở trong môi trường có nhiệt độ quá cao trong thời gian dài.

- Điều trị chung: Cần giữ sạch vùng da bị ảnh hưởng, tránh làm trầy xước. Đối với trẻ bú sữa mẹ, cần cho trẻ bú đủ, mẹ nên duy trì chế độ ăn đủ dưỡng chất, ăn ít đồ cay nóng. Có thể tắm cho bé bằng nước ấm hàng ngày có thể làm giảm các triệu chứng khó chịu cho trẻ.

- Điều trị bằng thuốc: Dạng rôm sảy nhẹ không cần phải điều trị nhưng ở các dạng nặng hơn đôi khi cần phải được điều trị bằng thuốc. Có thể thoa một số loại thuốc lên vùng bị ảnh hưởng một cách thích hợp, có tác dụng làm mát, làm se, chống ngứa và giảm biến chứng. Khi tổn thương da có mủ, viêm nhiều thì phải được bác sĩ chuyên khoa da liễu theo dõi và điều trị tích cực.

Rôm sảy dùng thuốc gì?- Ảnh 1.

Trẻ nhỏ có làn da mỏng manh và chức năng tuyến mồ hôi chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị rôm sảy.

Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý, trẻ sơ sinh thuộc nhóm đặc biệt và cần thận trọng khi dùng thuốc. Việc sử dụng các loại thuốc và phương pháp điều trị cụ thể cần được lựa chọn phù hợp tùy theo tình trạng của trẻ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

2. Các thuốc điều trị rôm sảy

Để điều trị rôm sảy có thể sử dụng một số loại thuốc bôi tại chỗ để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu.

Các loại thuốc điều trị rôm sảy có thể bao gồm:

Thuốc bôi calamine

- Tác dụng: Thuốc được sử dụng ngoài da và có tác dụng hút ẩm, chống viêm, làm se, giúp giảm ngứa, kích ứng; thường có dạng lotion, bột... bôi trực tiếp lên vùng da bị tác động.

- Tác dụng phụ: Trong một số trường hợp, sử dụng calamine có thể làm khô da, đặc biệt nếu sử dụng quá nhiều hoặc trên diện tích da lớn. Mặc dù hiếm khi xảy ra, nhưng một số người có thể phản ứng dị ứng hoặc kích ứng với một trong các thành phần của thuốc. Nếu xuất hiện đỏ da, sưng tấy và các triệu chứng khác sau khi sử dụng calamine, phải dừng ngay lập tức.

- Chống chỉ định: Không thoa calamine lên vùng da bị tổn thương hoặc tiết dịch sẽ gây bất lợi cho tình trạng khô bề mặt da và còn có thể gây đau. Không sử dụng khi bị dị ứng với calamine và các thành phần của thuốc.

Thuốc bôi có chứa steroid

- Tác dụng: Thuốc bôi có chứa steroid như hydrocortisone liều thấp có tác dụng giảm viêm, giúp làm giảm triệu chứng của rôm sảy. Tuy nhiên chỉ dùng trong các trường hợp rôm sảy rất nặng và phải hết sức thận trọng với da của trẻ để tránh các phản ứng bất lợi.

- Tác dụng phụ: Sử dụng steroid trong thời gian dài có thể làm teo da, mỏng da. Steroid có thể hấp thụ vào cơ thể qua da và gây ra tác dụng phụ hệ thống như giảm miễn dịch và các vấn đề khác.

- Chống chỉ định: Có phản ứng dị ứng hoặc kích ứng da đối với steroid hoặc bất kỳ thành phần nào trong thuốc, không nên sử dụng.

Các loại thuốc khác

+ Thuốc kháng histamine

- Tác dụng: Các loại thuốc kháng histamine như lorantadine có tác dụng giảm ngứa và tổn thương da lan rộng.

- Tác dụng phụ: Tất cả các thuốc kháng histamin đều có thể gây ra các phản ứng phụ bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, các phản ứng quá mẫn, co giật, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, lú lẫn hoặc kích động, tăng trương lực, rối loạn vận động, ảo giác… Vì vậy cần hết sức thận trọng khi sử dụng cho trẻ.

- Chống chỉ định: Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

+ Thuốc kháng sinh

Trong trường hợp vùng da bị tổn thương xuất hiện bội nhiễm, có mủ, viêm nhiều bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh.

Rôm sảy dùng thuốc gì?- Ảnh 2.

Để điều trị rôm sảy có thể sử dụng một số loại thuốc bôi tại chỗ để giảm cảm giác khó chịu và ngăn ngừa biến chứng theo chỉ dẫn của bác sĩ da liễu.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị rôm sảy

Khi sử dụng thuốc điều trị rôm sảy, cần lưu ý những điểm sau đây:

- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Luôn luôn đọc kỹ thông tin hướng dẫn và hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về cách sử dụng thuốc.

- Sử dụng đúng liều lượng: Không sử dụng quá liều hoặc dùng thuốc quá thường xuyên so với hướng dẫn của bác sĩ. Tuân thủ liều lượng và lịch trình điều trị được chỉ định.

- Không sử dụng trên vùng da bị tổn thương: Tránh sử dụng thuốc trên vùng da có vết thương hoặc tổn thương nghiêm trọng mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

- Tránh tiếp xúc với mắt: Hãy tránh để thuốc tiếp xúc với mắt. Nếu tiếp xúc xảy ra, rửa sạch bằng nước sạch và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu cần thiết.

- Theo dõi các tác dụng phụ: Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu của phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ nào khi sử dụng thuốc, hãy ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến của bác sĩ. Theo dõi và kiểm tra da của trẻ thường xuyên để đảm bảo các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc tổn thương không tiếp tục tiến triển.

- Bảo quản đúng cách: Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và đặt ở nơi trẻ em không thể tiếp cận được.

- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ: Sử dụng quần áo và ga trải giường làm từ chất liệu mềm mại và thoáng khí để giảm áp lực, giữ da khô ráo. Tránh sử dụng xà phòng hoặc sản phẩm chứa hóa chất có thể gây kích ứng. Tránh cọ xát vùng da bị kích ứng, vì có thể làm tăng nguy cơ tổn thương da và nhiễm trùng.

Những câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rôm sảyNhững câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh rôm sảy

SKĐS - Rôm sảy là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ em vào mùa nóng. Bệnh không nguy hiểm nhưng khiến trẻ rất khó chịu, hay quấy khóc. Nếu không được chăm sóc, xử trí đúng cách có thể gây nhiễm trùng da và để lại sẹo xấu.

Mời xem thêm video được quan tâm:

5 loại nước tắm trị rôm sảy cho bé mùa hè


BS. Nguyễn Thanh Sang
Ý kiến của bạn