“Rơi nước mắt” vì nợ...!

09-03-2013 13:15 | Tin nóng y tế

Cùng chung một địa bàn, cùng khám chữa bệnh cho người dân như nhau nhưng bệnh viện (BV) tuyến Trung ương đã được điều chỉnh viện phí, còn BV của Hà Nội vẫn chưa! Hiện các BV của Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, kể cả việc phải chứng kiến hàng loạt bác sĩ giỏi xin chuyển đi,

Cùng chung một địa bàn, cùng khám chữa bệnh cho người dân như nhau nhưng bệnh viện (BV) tuyến Trung ương đã được điều chỉnh viện phí, còn BV của Hà Nội vẫn chưa! Hiện các BV của Hà Nội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, kể cả việc phải chứng kiến hàng loạt bác sĩ giỏi xin chuyển đi, đó là phản ánh được lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội bày tỏ tại phiên giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng làm trưởng đoàn về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009 - 2012 với sự hiện diện của lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và HĐND - UBND TP. Hà Nội.

Một thành viên trong đoàn giám sát đã kể lại, tại buổi làm việc về chuyến giám sát tại một BV của Hà Nội, có lãnh đạo BV đã phải rơi nước mắt khi BV đang phải nợ đọng hàng chục tỷ đồng tiền BHYT mà chưa có cách xoay xở. 

“Rơi nước mắt” vì nợ...! 1
Nếu không sớm điều chỉnh viện phí, BV của Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bức tranh tối - sáng

Tại phiên giám sát thực hiện Luật BHYT, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết: “Vì là xã thuần nông, nhà máy xí nghiệp không có nên tình hình kinh tế của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Việc mua BHYT cho thành viên trong gia đình gần như là không thể. Vì thế, tỷ lệ bao phủ BHYT trong vùng còn khiêm tốn”. Báo cáo của huyện cho thấy, tỷ lệ bao phủ BHYT của toàn huyện chỉ đạt ở mức 53%, thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (giảm so với năm 2011 là 54%). Tỷ lệ có BHYT chủ yếu rơi vào các đối tượng phải mua BHYT bắt buộc như học sinh (đạt 97%) hoặc đối tượng được Nhà nước cấp không như: hưu trí, người có công, trẻ em... Đáng buồn, toàn huyện có 29 xã, thị trấn với hơn 200 nghìn dân (75% làm nông nghiệp) nhưng tất cả số người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp lại đang “trắng” BHYT.

Ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội thừa nhận: “Đây là một “bức tranh” thật về tình hình BHYT. So với mặt bằng chung về độ bao phủ BHYT thì còn thấp, nhưng so với các huyện thuần nông thì đây cũng là tình cảnh chung vì nhiều huyện ngoại thành như Đông Anh, Quốc Oai, tỷ lệ này còn thấp hơn nửa (chỉ mức 49%)”.

Mới đây, trong một phiên giám sát của UBCVĐXH của Quốc hội tại tỉnh Điện Biên lại cho thấy những mảng sáng trong việc phổ cập BHYT. Tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân tại các huyện của tỉnh lên tới 97%. Đây là con số cao, thuộc vào hàng nhất nhì trong cả nước. “Tưởng là tín hiệu vui, nhưng cũng không hẳn. Ngoài các đối tượng là công nhân viên chức, người nghèo, hộ cận nghèo... và những đối tượng được Nhà nước “biếu không” thẻ BHYT thì các đối tượng khác vẫn không tha thiết lắm với việc mua thẻ BHYT” - ông Hùng lý giải.

Theo bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội, đã gọi là BHYT toàn dân thì cũng có nghĩa là toàn dân phải tham gia vào BHYT. Hệ thống chính trị, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... cũng phải vào cuộc mạnh mẽ. Thế nhưng, đa phần tại các địa phương nơi đoàn đi giám sát, việc huy động các tổ chức vận động người dân tham gia BHYT còn rất kém. Cùng chung quan điểm, ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của Quốc hội cho rằng: “Không phải cứ nói “toàn dân” là toàn dân sẽ làm tốt, vấn đề là chính quyền địa phương tổ chức quản lý, triển khai như thế nào? Quản lý tốt, vận động tốt thì người dân mới hiểu, mới ý thức để thực hiện”.

Khó - khổ như bệnh viện

Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn, bà Hoàng Thị Ngọc Trâm cho biết, chính vì mức thu viện phí quá thấp nên hiện BV đang phải nợ đọng BHYT hàng chục tỷ đồng và không thể tìm được nguồn để bù đắp thanh toán cho bệnh nhân. Giám đốc BV Phổi Hà Nội, Phạm Hữu Thường dẫn ví dụ, do đang áp dụng mức viện phí cũ nên kỹ thuật chọc hút dịch màng phổi được BHYT thanh toán 10.500 đồng/ca, trong khi đó BV phải chi hàng trăm thứ phí từ băng, cồn, gạc, giặt và hấp sấy ga, 2 đôi găng tay cho 2 cán bộ y tế thực hiện kỹ thuật, đèn sưởi, chi phí cho khử khuẩn máy hút dịch và các thiết bị đi kèm... Vì vậy, để đảm bảo chăm sóc tốt cho người bệnh thì BV chẳng còn cách nào khác là phải bù lỗ. Kéo theo đó, mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương công chức thì các BV lại phát hoảng vì không biết lấy đâu nguồn để tăng lương cho cán bộ y bác sĩ. Có mặt tại buổi làm việc với TP. Hà Nội chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, các BV của Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn do giá dịch vụ y tế tại các BV của thành phố có sự chênh lệch lớn so với hệ thống BV Trung ương, các bộ, ngành cùng đóng trên địa bàn. Thứ trưởng Xuyên kiến nghị, Hà Nội cần cố gắng trong tháng 7 - 8 tới đây có thể ban hành khung giá viện phí mới để các BV có nguồn thu phục vụ tái đầu tư, duy tu, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất cũng như thu hút nhân lực giỏi, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Bộ Y tế cùng thành phố Hà Nội nâng cao cơ sở vật chất khám chữa bệnh phục vụ không chỉ nhân dân Thủ đô mà còn của cả nước và khách nước ngoài; Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao y đức của thầy thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân, coi đó cũng là nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cả đối tượng BHYT, cả lĩnh vực công lập và ngoài công lập”.

Bài, ảnh: Thanh Huyền



Ý kiến của bạn